01/02/2024 4:01:28

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 11/2023

Câu 1.

Thời gian nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Thông báo số 5015/TB-LĐTBXH ngày 22/11/2023 của Bộ LĐTB-XH thì các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh trong năm 2024 như sau:

– Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 08/02/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

– Đối với người lao động thuộc khu vực tư nhân, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn 01 ngày cuối năm Quý Mão và 04 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 02 ngày cuối năm Quý Mão và 03 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 03 ngày cuối năm Quý Mão và 02 ngày đầu năm Giáp Thìn.

 

Câu 2.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động tại doanh nghiệp được quy định như thế nào theo pháp luật?

Trả lời:

Căn cứ Điều 46 Luật việc làm năm 2013 (Luật số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013) thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

Điều 46. Hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

 

Câu 3.

Các loại hợp đồng lao động ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động được quy định như sau:

Điều 20. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này”.

 

Câu 4.

Hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Mục 3 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở được quy định như sau:

Điều 13. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở

…………………

3. Hình thức tổ chức công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở

a. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở không có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên.

b. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.

c. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận.

d. Công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên”.

Căn cứ Điểm 11.3 Mục 11 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:

“11. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức công đoàn cơ sở theo Điều 13

 ……………………………….

 11.3. Hình thức tổ chức công đoàn cơ sở

1. Tùy theo số lượng đoàn viên và tính chất, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị lao động; số lượng đoàn viên của công đoàn cơ sở có thể tổ chức các công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn.

2. Việc thành lập công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn công đoàn cơ sở quyết định; đồng thời phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn và hướng dẫn nội dung cụ thể để công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn tổ chức các hoạt động.”.

Câu 5.

Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 183 Bộ luật Lao động 2019 thì quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện như sau:

“Điều 183. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người làm chứng và người có liên quan”.

Văn phòng Tư vấn pháp luật