01/11/2018 9:12:06

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 10/2018

Câu 1.

Tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn; vi phạm trong công tác tổ chức – cán bộ bị xử lý kỷ luật như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 19 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN ban hành kèm theo QĐ số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 quy định việc xử lý kỷ luật đối với Tập thể BCH, BTV, UBKT và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn được thực hiện như sau:

“Điều 19. Vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn

  1. Vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
  2. Thiếu trách nhiệm trong việc ban hành hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, quy chế làm việc của Công đoàn.
  3. Không chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Công đoàn.
  4. Nhiều lần không chấp hành nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách hoặc thiếu trách nhiệm để cá nhân lợi dụng quyết định thay tập thể.
  5. Không giữ vững vai trò lãnh đạo, để nội bộ mất đoàn kết kéo dài hoặc để cho mọt số người lợi dụng thao túng, dẫn đến những quyết định sai trái.
  6. Vi phạm lần đầu một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
  7. Vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức giải tán:
  8. Không tổ chức sinh hoạt công đoàn trong ba kỳ liên tiếp mà không có lý do chính đáng hoặc cố ý chống lại Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của công đoàn, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
  9. Nội bộ chia rẽ, bè phái kéo dài, mất đoàn kết nghiêm trọng, không còn vai trò và tác dụng lãnh đạo đối với địa phương, ngành, đơn vị.”

– Căn cứ Điều 20 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN ban hành kèm theo QĐ số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 quy định việc xử lý kỷ luật đối với Tập thể BCH, BTV, UBKT và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm trong công tác tổ chức – cán bộ được thực hiện như sau:

“Điều 20. Vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ

  1. Vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
  2. Thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác tổ chức – cán bộ.
  3. Thiếu trách nhiệm dẫn đến xem xét, quyết định quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, luân chuyển, thực hiện chế dộ, chính sách đối với cán bộ không đúng quy định; không thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục.
  4. Thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tổ chức – cán bộ thuộc thẩm quyền.
  5. Vi phạm một trong những trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
  6. Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trong hoặc tái vi phạm.
  7. Cố ý ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức – cán bộ trái nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Công đoàn và để xảy ra hậu quả.”

 

Câu 2.

Mức tiền lương hiện nay của người lao động làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội thì từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐTB-XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì: Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Căn cứ quy định nêu trên, tiền thưởng đột xuất như sáng kiến, tiết kiệm vật tư, tiết kiệm thời gian…, tiền thưởng hàng quý, hàng năm không làm căn cứ để tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Câu 3.

Quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động trong trường hợp chuyển công tác được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

Căn cứ quy định nêu trên, người lao động nếu chưa chốt được sổ bảo hiểm xã hội và chưa được trả sổ do công ty trước đó còn nợ tiền bảo hiểm xã hội thì người lao động liên hệ với công ty cũ để yêu cầu NSDLĐ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

 

Câu 4.

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động và hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định như sau:

“Điều 57. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.
  3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
  4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.”

– Căn cứ Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định như sau:

“Điều 58. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
  3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
  4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.”

 

Câu 5.

Trách nhiệm của Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 21 và Điều 22 Luật Công đoàn đã được sửa đổi năm 2012 thì trách nhiệm của Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn được quy định như sau:

Điều 21. Trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn

  1. Bảo đảm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
  2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, công đoàn và quy định khác của pháp luật có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn; phối hợp với Công đoàn chăm lo và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
  3. Lấy ý kiến của Công đoàn khi xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
  4. Phối hợp và tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Điều 22. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn

  1. Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.
  2. Tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
  3. Phối hợp với công đoàn cùng cấp xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động.
  4. Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
  5. Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị.
  6. Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở.
  7. Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
  8. Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động.

9. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật