01/02/2024 3:57:07

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 10/2023

Câu 1.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 45 Luật việc làm năm 2013 (Luật số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013) thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

“Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.

3. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức”.

Câu 2.

Ông Nguyễn Văn A được tuyển dụng vào làm việc từ 01/01/2021 đến 31/12/2021 tại Công ty B nhưng không ký kết hợp đồng lao động, Công ty B chỉ ban hành quyết định đồng ý tuyển dụng vào làm việc với chức danh nhân viên văn phòng và có quy định về việc làm, tiền công, tiền lương trong quyết định thì có được coi là hợp đồng lao động không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 13 của BLLĐ năm 2019 thì văn bản được coi là hợp đồng lao động được thể hiện như sau:

“Điều 13. Hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”.

Như vậy, theo Khoản 1 Điều 13 trên thì quyết định tuyển dụng đối với ông Nguyễn Văn A đã thể hiện về việc làm, tiền công, tiền lương theo quy định của Công ty B và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Câu 3.

Xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên người lao động quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 145/NĐ-CP thì danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên người lao động quy định như sau:

Điều 38. Số lượng, thành phần tham gia đối thoại

……………………………….

3. Việc xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần và công bố công khai tại nơi làm việc. Trong khoảng thời gian giữa 02 kỳ, xác định thành viên tham gia đối thoại, nếu có thành viên đại diện không thể tiếp tục tham gia thì người sử dụng lao động hoặc từng tổ chức đại diện người lao động, nhóm đại diện đối thoại của người lao động xem xét, quyết định bổ sung thành viên thay thế của tổ chức, nhóm mình và công bố công khai tại nơi làm việc”.

 

Câu 4.

Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Mục 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì điều kiện thành lập công đoàn cơ sở được quy định như sau:

Điều 13. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở

1. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.”

Căn cứ Điểm 11.1 Mục 11 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì điều kiện thành lập công đoàn cơ sở được quy định như sau:

“11. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức công đoàn cơ sở theo Điều 13

11.1. Công đoàn cơ sở được thành lập trong các đơn vị sử dụng lao động gồm:

a. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả các công ty con trong nhóm công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có trụ sở đặt tại địa phương khác).

b. Hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

c. Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập hoạch toán độc lập.

d. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

đ. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

e. Cơ quan, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

g. Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, hoặc theo nguyện vọng liên kết của người lao động, có thể thành lập công đoàn cơ sở ghép trong nhiều đơn vị sử dụng lao động”.

 

Câu 5.

Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động được như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 182 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện như sau:

Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động

1. Trong giải quyết tranh chấp lao động, các bên có quyền sau đây:

a) Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết;

b) Rút yêu cầu hoặc thay đổi nội dung yêu cầu;

c) Yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.

2. Trong giải quyết tranh chấp lao động, các bên có nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;

b) Chấp hành thỏa thuận đã đạt được, quyết định của Ban trọng tài lao động, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Văn phòng Tư vấn pháp luật