16/03/2022 10:58:01

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 03/2022

Câu 1.

Tôi có con bị nhiễm Covid-19 (F0). Vậy, xin được hỏi mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động có con là F0 được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Người lao động có con là F0 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con, tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện dưới đây.

Điều 24 và Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có con là F0 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện: tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi ốm đau; con ốm có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Thời gian nghỉ được giải quyết chế độ ốm đau sẽ xác định theo thời gian được ghi trên giấy ra viện của con (tính cả thời gian được bác sĩ chỉ định nghỉ thêm) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, thời gian hưởng chế độ cũng bị giới hạn tối đa theo Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

– Con dưới 3 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 20 ngày/năm/con.

– Con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 15 ngày/năm/con.

Chú ý: Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì cha mẹ có thể lựa chọn cùng nghỉ hoặc nghỉ luân phiên để chăm con. Cả hai trường hợp này đều được giải quyết hưởng chế độ ốm đau tương ứng với từng người.

Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ chăm con F0

Người lao động nghỉ làm chăm con là F0 dưới 7 tuổi được tính hưởng chế độ ốm đau theo công thức như sau:

Mức hưởng/ngày = 75% x Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ : 24 ngày x số ngày hưởng chế độ.

Lưu ý, trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ hưởng chế độ ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng được tính dựa trên tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

Ví dụ: Chị A đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng là 2 triệu đồng/tháng. Chị A có con 2 tuổi bị mắc COVID-19, phải nghỉ làm 18 ngày.

Khi đó, số tiền chế độ mà chị A được hưởng tính như sau:

Mức hưởng = 75% x 2 triệu đồng : 24 x 18 ngày = 1.125.000 đồng.

Câu 2.

Vì lý do cá nhân nên tôi xin tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong thời gian 01 năm (từ ngày 01/1/2021 đến 31/12/2021) và đã được lãnh đạo đơn vị đồng ý. Giờ bản thân tôi đã trở lại làm việc sau khi kết thúc thời gian toạn hoãn HĐLĐ. Vậy cho tôi hỏi, tiền lương tháng thứ 13 như đã thỏa thuận trong HĐLĐ giữa tôi và đơn vị của năm 2021, tôi có được hưởng hay không?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 30 Bộ luật lao động năm 2019: “Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Căn cứ vào quy định trên, với trường hợp của bạn, năm 2021 là thời gian bạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ với đơn vị nên những quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động (trong đó có lợi ích về tiền lương tháng thứ 13 như bạn đã đề cập) bạn sẽ không được hưởng nếu giữa bạn và đơn vị không có thỏa thuận khác hoặc Thỏa ước lao động tập thể hay các quy chế liên quan của đơn vị không có quy định khác.

 

Câu 3.

Với công việc khoan thăm dò giếng dầu và khí thì NSDLĐ có được sử dụng lao động nữ hay không?

Trả lời:

Công việc khoan thăm dò giếng dầu và khí theo Phụ lục Danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (tại điểm 9, Mục 1) là các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con của lao động nữ theo quy định tại khoản 1 Điều 142 của Bộ luật lao động năm 2019 nhưng được áp dụng chung cho tất cả lao động nữ.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 142 Bộ luật lao động quy định: Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

Do vậy, với công việc khoan thăm dò giếng dầu và khí được sử dụng lao động nữ, nhưng người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn có thực hiện công việc này hay không. Trường hợp người lao động lựa chọn công việc này thì người sử dụng lao động phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định.

 

Câu 4.

Đoàn Chủ tịch đại hội và Đoàn Thư ký đại hội được Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Mục 6 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:

6. Đại hội công đoàn các cấp theo Điều 8

……………………….

6.8. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan triệu tập và điều hành đại hội

…………………..

1. Đoàn Chủ tịch đại hội

– Đoàn Chủ tịch đại hội là cơ quan điều hành các công việc của đại hội.

– Thành viên Đoàn Chủ tịch là đại biểu chính thức của đại hội. Trường hợp cần thiết có thể mời đại biểu khách mời tham gia Đoàn Chủ tịch với tư cách là thành viên danh dự. Số lượng thành viên danh dự tham gia Đoàn Chủ tịch đại hội không quá một phần năm (1/5) tổng số thành viên Đoàn Chủ tịch.

– Đoàn Chủ tịch đại hội điều hành công việc của đại hội theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, có nhiệm vụ, quyền hạn:

+ Phân công thành viên điều hành công việc của đại hội theo chương trình, quy chế làm việc đã được đại hội biểu quyết thông qua, chuẩn bị nội dung để đại hội thảo luận, biểu quyết theo đa số.

+ Điều hành công tác nhân sự và tổ chức bầu cử Ban Chấp hành khóa mới, bầu cử đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có).

+ Nhận biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu đã niêm phong từ Ban Bầu cử để bàn giao cho Ban Chấp hành Công đoàn khóa mới.

+ Chỉ định triệu tập viên kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành sau khi công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn.

+ Giải quyết các vấn đề liên quan đến đại biểu chính thức dự đại hội phát sinh sau khi biểu quyết tư cách đại biểu.

2. Đoàn Thư ký đại hội

– Thành viên Đoàn Thư ký phải là đại biểu chính thức của đại hội, do đại hội bầu ra bằng hình thức biểu quyết số lượng và nhân sự, theo danh sách do Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội giới thiệu.

– Đoàn Thư ký có nhiệm vụ: Ghi biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận, dự thảo các văn bản kết luận, nghị quyết của đại hội; tiếp nhận, quản lý và phát hành tài liệu liên quan đến đại hội theo sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch đại hội; thu nhận, bảo quản và gửi Đoàn Chủ tịch đại hội đầy đủ hồ sơ, văn kiện chính thức của đại hội.

– Đoàn Thư ký chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch đại hội về nhiệm của thư ký; Trưởng Đoàn Thư ký (nếu có) chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

 

Câu 5.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc được thực hiện như sau:

Điều 55. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

1. Trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38 của Luật này, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.

2. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật