Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu 1.
Việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 27 Luật Công đoàn đã được sửa đổi năm 2012 thì việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn được quy định như sau:
“Điều 27. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
- Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
- a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
- b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
- c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;
- d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;
- e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;
- g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
- h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
- i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
- k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
- l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;
- m) Các nhiệm vụ chi khác.”
Câu hỏi 2.
Tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm các quy định về kiểm tra giám sát bị xử lý kỷ luật như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 24 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 quy định việc xử lý kỷ luật đối với Tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn khi vi phạm các quy định về kiểm tra, giám sát như sau:
- Vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Lãnh đạo, chỉ đạo hoặc quyết định việc kiểm tra, giám sát vượt quá phạm vi, thẩm quyền dẫn đến làm mất uy tín của tổ chức công đoàn.
- Cung cấp hoặc chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho các cơ quan báo chí, gây dư luận không đúng, dư luận xấu.
- Bao che cho Đoàn kiểm tra, giám sát có vi phạm hoặc bao che cho cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân được kiểm tra có vi phạm quy định của Công đoàn và pháp luật.
- Không chỉ đạo xử lý hoặc không quyết định xử lý theo thẩm quyền các vi phạm trong hoạt động kiểm tra, giám sát vì lợi ích cục bộ.
- Không thực hiện đúng các kết luận hoặc kiến nghị về kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền.
- Vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
- Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm.
- Chỉ đạo chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, vu khống người hay tổ chức làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ.
- Chỉ đạo việc chiếm giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, là sai lệch hồ sơ, sửa chữa chứng từ, sổ sách, thay đổi chứng cứ nhằm đối phó với các cơ quan kiểm tra, giám sát.
Câu 3.
Các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc và không tính đóng BHXH được quy định và thực hiện như thế nào từ năm 2019?
Trả lời:
Căn cứ Luật BHXH 2014; Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động do Bộ LĐTB-XH ban hành; Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc do Bộ LĐTB-XH ban hành; Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2019 các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc và không tính đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo bảng sau:
Các khoản thu nhập tính đóng
BHXH bắt buộc |
Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc |
– Tiền lương;
– Phụ cấp chức vụ, chức danh; – Phụ cấp trách nhiệm; – Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; – Phụ cấp thâm niên; – Phụ cấp khu vực; – Phụ cấp lưu động; – Phụ cấp thu hút; – Các phụ cấp có tính chất tương tự; – Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. |
– Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2012;
– Tiền thưởng sáng kiến; – Tiền ăn giữa ca; – Khoản hỗ trợ xăng xe; – Khoản hỗ trợ điện thoại; – Khoản hỗ trợ đi lại; – Khoản hỗ trợ tiền nhà ở; – Khoản hỗ trợ tiền giữ trẻ; – Khoản hỗ trợ nuôi con nhỏ; – Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết; – Hỗ trợ khi người lao động có người thân kết hôn; – Hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động; – Trợ cấp khi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động; – Trợ cấp khi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị bệnh nghề nghiệp; – Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. |
Dưới đây là tỷ lệ trích đóng, mức trích đóng các khoản bảo hiểm, công đoàn từ lương năm 2019 của người lao động (phần NLĐ đóng):
– Các khoản BHXH, BHTN, BHYT
* Đối với NLĐ Việt Nam:
+ 8% mức lương tính đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí, tử tuất
+ 1% mức lương tính đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp
+ 1.5% mức lương tính đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm y tế.
* Đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Chưa đóng trong năm 2019.
– Tiền đóng đoàn phí công đoàn: 1% mức lương tính đóng bảo hiểm nếu có tham gia tổ chức công đoàn.
Mức trích đóng từng khoản nêu trên = Mức lương tham gia BHXH x Tỷ lệ trích đóng. Trong đó, mức lương tính đóng BHXH của NLĐ trong năm 2019 sẽ thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và không quá mức tối đa.
Câu 4.
Tiền lương tháng tối thiểu đóng BHXH bắt buộc và tiền lương tháng tối đa đóng BHXH bắt buộc được thực hiện như thế nào trong năm 2019?
Trả lời:
Căn cứ Luật BHXH 2014, Luật việc làm 2013, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018, Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 và Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017. Tiền lương tháng tối thiểu đóng BHXH bắt buộc và tiền lương tháng tối đa đóng BHXH bắt buộc được thực hiện như sau:
- Từ 01/01/2019 tăng tiền lương tháng tối thiểu đóng BHXH bắt buộc.
Với việc lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng từ 160.000 – 200.000 đồng theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP thì tiền lương tháng tối thiểu tính đóng BHXH bắt buộc kể từ ngày 01/01/2019 sẽ là:
+ 4.180.000 đồng với Vùng I (hiện tại là 3.980.000 đồng).
+ 3.710.000 đồng với Vùng II ( hiện tại là 3.530.000 đồng).
+ 3.250.000 đồng với Vùng III ( hiện tại là 3.090.000 đồng).
+ 2.920.000 đồng với Vùng IV (hiện tại là 2.760.000 đồng).
Đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề thì tiền lương tối thiểu tính đóng BHXH sẽ cao hơn ít nhất 7% so với mức lương nêu trên.
– Từ 01/7/2019 tăng tiền lương tháng tối đa đóng BHXH bắt buộc.
Việc điều chỉnh tăng nhằm phù hợp với việc tăng lương cơ sở năm 2019 và Khoản 3 Điều 89 Luật BHXH 2014.
Cụ thể, kể từ ngày 01/7/2019, tiền lương tháng tối đa đóng BHXH bắt buộc là 29.800.000 đồng (20 lần mức lương cơ sở mới theo Khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 70/2018/QH14); mức hiện hành là 27.800.000 đồng (20 lần mức lương cơ sở hiện hành).
– Mức lương tối thiểu doanh nghiệp phải trả cho NLĐ từ 01/01/2019.
Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP đã quy định về mức lương tối thiểu vùng mới tăng từ 160.000 – 200.000 đồng/tháng.
Theo đó, từ ngày 01/01/2019, khi thỏa thuận lương với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải đảm bảo mức tối thiểu như sau:
– Đối với NLĐ làm công việc đơn giản nhất: Bằng lương tối thiểu vùng.
– Đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề: Cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng.
Ví dụ: NLĐ có trình độ đại học, làm việc trong điều kiện lao động bình thường tại Quận 3 – TP.HCM, làm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động thì mức lương tối thiểu mà doanh nghiệp phải trả là:
Lương tối thiểu vùng của Quận 3 + (Lương tối thiểu vùng của Quận 3 *7%) = 4.180.000 + (4.180.000 * 7%) = 4.472.600 đồng/tháng.
Câu 5.
Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định như thề nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 145 Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012 quy định Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện như sau:
“Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
- Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
- a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
- b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
- Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.”