03/04/2018 10:54:41

Giải đáp pháp luật tháng 02/2018

Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:

Câu 1.

Cơ quan thường trực của ban chấp hành công đoàn mỗi cấp là ai? Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ban thường vụ công đoàn các cấp có những nhiệm vụ gì?

Trả lời:

Căn cứ Điều 15 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013:

“Điều 15. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ban thường vụ công đoàn các cấp

  1. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ban thường vụ công đoàn các cấp là cơ quan thường trực của ban chấp hành mỗi cấp. Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) công đoàn cấp nào do ban chấp hành cấp đó bầu. Số lượng ủy viên Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) không quá một phần ba (1/3) tổng số ủy viên ban chấp hành công đoàn cấp đó, gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên.
  2. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được ra các nghị quyết, quyết định… để tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội toàn quốc Công đoàn Việt Nam và các nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện cho đoàn viên, người lao dộng kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.
  3. Ban thường vụ công đoàn các cấp chuẩn bị nội dung các kỳ họp ban chấp hành và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của ban chấp hành; điều hành các hoạt động giữa hai kỳ họp ban chấp hành, báo cáo hoạt động của mình tại hội nghị thường kỳ của ban chấp hành; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan và đơn vị trực thuộc; đại diện cho đoàn viên và người lao động tập hợp các kiến nghị để tham gia với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, bộ, ngành, hội đồng quản trị doanh nghiệp cùng cấp; cử đại diện tham gia vào các cơ quan, tổ chức có liên quan.
  4. Chủ tịch là người đứng đầu ban chấp hành có trách nhiệm điều hành hoạt động của Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) và là người đại diện theo pháp luật của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.
  5. Khi có quá một phần hai (1/2) là thành viên dự đại hội yêu cầu thì đại hội công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn được bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở, chủ tịch nghiệp đoàn trong số ủy viên ban chấp hành mới do đại hội bầu ra.
  6. Khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thì Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn bầu bổ sung trong số các Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
  7. Khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc uy viên ban thường vụ thì ban chấp hành công đoàn cấp đó đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cho phép bầu bổ sung trong số các ủy viên ban chấp hành”.

Câu 2.

Nguyên tắc, quy trình giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội công đoàn các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ hướng dẫn số 254/HD-TLĐ ngày 03/3/2017 của Tổng Liên đoàn LĐVN thì nguyên tắc, quy trình giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội công đoàn các cấp được quy định như sau:

“I. NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VÀ THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

  1. Các đơn khiếu nại, tố cáo gửi tới công đoàn các cấp phải được giải quyết kịp thời, đúng quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và quy định của Tổng Liên đoàn.
  2. Đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu dự đại hội công đoàn cấp nào thì ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cấp đó xem xét, giải quyết hoặc đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
  3. Chỉ giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội nhận trước 25 ngày đối với công đoàn cơ sở và 30 ngày đối với công đoàn cấp trên cơ sở trở lên trước khi diễn ra đại hội.
  4. Không giải quyết các đơn khiếu nại tố cáo khuyết danh, nặc danh.
  5. Tổ chức thành lập bộ phận và bố trí nơi tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trước và trong quá trình tổ chức đại hội.
  6. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
  7. Chủ động nắm tình hình, phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo:

– Công đoàn các cấp chủ động nắm chắc tình hình về tổ chức, cán bộ chủ chốt, cán bộ được quy hoạch nguồn nhân sự tham gia ban chấp hành khoá tới và dự kiến là đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên; nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện sai phạm; có vấn đề phức tạp nảy sinh mà cán bộ, đoàn viên phản ánh.

– Tăng cường việc tiếp đoàn viên, CNVC-LĐ, tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời, đầy đủ, thận trọng các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh liên quan đến tổ chức, cán bộ, đại biểu dự đại hội công đoàn các cấp.

– Trường hợp tố cáo chính danh không có cơ sở, điều kiện để giải quyết thì công đoàn các cấp phải thông báo cho người tố cáo biết lý do để chấm dứt việc tiếp tục tố cáo.

– Tố cáo không giải quyết gồm: tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; tố cáo có tên đã được có thẩm quyền xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; tố cáo có tên nhưng nội dung không cụ thể, không có căn cứ để thẩm tra, xác minh; đơn tố cáo không phải bản do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự.

  1. Giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cấp công đoàn:

– Các đơn khiếu nại, tố cáo không liên quan đến tư cách đại biểu dự đại hội được giải quyết và tham gia giải quyết theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Quyết định số 254/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

– Các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội (hoặc liên quan đến người ứng cử, đề cử để bầu vào ban chấp hành công đoàn mới nhưng không là đại biểu dự đại hội) thì công đoàn các cấp nhận được trong vòng 25 ngày đối với cấp cơ sở và 30 ngày đối với cấp trên cơ sở trở lên tính từ ngày nhận đơn khiếu nại, tố cáo (ngày nhận đơn tính theo dấu tiếp nhận đến của bưu điện hoặc ngày trực tiếp tiếp nhận) đến trước ngày khai mạc đại hội, theo quy định thì không giải quyết, nhưng phải tổng hợp đầy đủ báo cáo và chuyển hồ sơ cho ban chấp hành khóa mới xem xét, giải quyết.

– Đại biểu chính thức dự Đại hội là cán bộ, đoàn viên thuộc thẩm quyền quản lý của công đoàn cấp nào thì ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cấp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết về ban chấp hành, ban thường vụ cấp triệu tập Đại hội. Nếu trường hợp chưa giải quyết xong vẫn phải báo cáo đầy đủ quá trình giải quyết và nguyên nhân chưa giải quyết để ban chấp hành, ban thường vụ cấp triệu tập Đại hội xem xét, quyết định.

– Các đơn khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước và tổ chức khác; ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cấp triệu tập đại hội chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức đó đề nghị xem xét, giải quyết và thông báo cho công đoàn đã chuyển đơn biết kết quả giải quyết.

– Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày bế mạc đại hội, nếu có đơn khiếu nại, tố cáo về bầu cử, thì ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh, kiểm tra lại và báo cáo ban chấp hành cùng cấp xem xét, quyết định.”

Câu 3.

Hình thức, phạm vi, danh hiệu và nội dung thi đua được quy định và tổ chức như thế nào trong phong trào thi đua lao động sản xuất của CNVC-LĐ tại doanh nghiệp?

Trả lời:

Căn cứ Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 20 Luật số 16/VBHN-VPQH ngày 13/12/2013 của Văn phòng Quốc hội về quy định thi đua, khen thưởng thì hình thức, phạm vị, danh hiệu và nội dung thi đua được thực hiện và tổ chức như sau:

“Điều 15.

  1. Hình thức tổ chức thi đua gồm:
  2. a) Thi đua thường xuyên;
  3. b) Thi đua theo đợt.
  4. Phạm vi thi đua gồm:
  5. a) Toàn quốc;
  6. b) Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và cơ sở.

Điều 16.

Nội dung tổ chức phong trào thi đua gồm:

  1. Xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng và nội dung thi đua;
  2. Xác định chỉ tiêu, khẩu hiệu và thời hạn thi đua;
  3. Xác định biện pháp tổ chức phong trào thi đua;
  4. Phát động, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua;
  5. Sơ kết, tổng kết và khen thưởng thi đua.

Điều 17.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động phong trào thi đua có trách nhiệm:

  1. Tổ chức phong trào thi đua gắn với lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu;
  2. Tổ chức các họat động thiết thực nhằm động viên, khích lệ mọi người tự giác, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu, cần kiệm, sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
  3. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết công tác thi đua;
  4. Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến để học tập và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến;
  5. Thực hiện tốt chính sách khen thưởng nhằm động viên mọi người tích cực thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu.

………………………………….

Điều 20.

  1. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân gồm:
  2. a) “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”;
  3. b) Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
  4. c) “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
  5. d) “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
  6. Danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm:
  7. a) “Cờ thi đua của Chính phủ”;
  8. b) Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
  9. c) “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”;
  10. d) “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”;

đ) Danh hiệu thi đua đối với thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương là thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa.

  1. Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là “Gia đình văn hóa”.
  2. Các danh hiệu thi đua được xét tặng hàng năm hoặc theo đợt”.

Câu 4.

Cán bộ công đoàn vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ thì bị xử lý kỷ luật như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 11 của Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn tại Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 của Tổng liên đoàn LĐVN thì cán bộ công đoàn vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ bị xử lý kỷ luật như sau:

  1. Cán bộ vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
  2. Vì động cơ cá nhân mà điều động, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, kỷ luật, giải quyết chế độ, chính sách không đúng quy định.
  3. Can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, đi học, thi nâng ngạch, đi nước ngoài trái quy định; nhờ, thuê người khác hoặc nhận và thực hiện thi thuê, thi hộ, học hộ, học thuê.
  4. Chỉ đạo hoặc yêu cầu đề bạt, bổ nhiệm người có vi phạm, chưa hết thời hiệu bị kỷ luật hoặc đang là đối tượng điều tra, thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa được kết luận.
  5. Thực hiện không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; không chấp hành quy định về công tác cán bộ; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhận xét, đánh giá cán bộ không có căn cứ, thiếu trung thực, không khách quan.
  6. Cố ý không chấp hành quyết định điều động, luân chuyển, phân công công tác, nghỉ chế độ, chuyển sinh hoạt theo quy định; không chấp hành quyết định kỷ luật đối với mình khi được tổ chức công đoàn có thẩm quyền công bố và trao quyết định.
  7. Chỉ đạo hoặc thực hiện tuyển dụng, cho thi nâng ngạch, đi học, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột của cả bên vợ và chồng) không đúng quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
  8. Chỉ đạo hoặc thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật không đúng nguyên tắc, quy trình, quy định; quy hoạch, đào tạo, cử người đi công tác nước ngoài không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
  9. Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
  10. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; vi phạm quy định về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; hôn nhân và gia đình; dân số và kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác.
  11. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi pạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
  12. Chỉ đạo hoặc thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp vào làm việc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức mình những người mà pháp luật nghiêm cấm.
  13. Lợi dụng các quy định về luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức để làm trái quy định hoặc trù dập cán bộ.
  14. Bao che cho cán bộ, công chức, viên chức đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra, bị xem xét kỷ luật.
  15. Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân mà quyết định bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc quyết định kỷ luật oan sai đối với cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.
  16. Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi.
  17. Sử dụng giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, được thi nâng ngạch, được bổ nhiệm chức vụ, ứng cử.
  18. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
  19. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc:
  20. Môi giới, nhận hối lộ trong tuyển dụng, cử tuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí công tác hoặc nâng ngạch, khen thưởng, phong học hàm, xét phong tặng danh hiệu vinh dự trái quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức.
  21. Chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy luân chuyển, chạy tội, mua chuộc người khác để bản thân hoặc người khác được đề bạt, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác.
  22. Lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác để can thiệp mang tính áp đặt vào việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp, điều động cán bộ.
  23. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.
  24. Nghiện ma túy (có giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền).
  25. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo.

Câu 5.

Khi người lao động bị tai nạn lao động thì điều kiện để người lao động hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì  điều kiện để người lao động hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định như sau:

“Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  2. a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
  3. b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
  4. c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
  5. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
  6. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

– Căn cứ Khoản 1 Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động như sau:

“Điều 40. Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động

  1. Người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Luật này nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:
  2. a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
  3. b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
  4. c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Văn phòng Tư vấn pháp luật