Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu 1.
Ban chấp hành công đoàn có những quyền hạn gì về tổ chức bộ máy làm việc?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013:
“Điều 14. Quyền hạn của ban chấp hành về tổ chức bộ máy làm việc
Ban chấp hành công đoàn các cấp căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, khả năng tài chính và các quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo cáo với cấp ủy đảng cùng cấp (nếu có) trước khi quyết định tổ chức bộ máy; thông báo cho các cơ quan chuyên môn, chủ doanh nghiệp hoặc chính quyền cùng cấp thực hiện trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật.”
– Căn cứ Mục 10 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:
” 10. Tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ công đoàn theo Điều 14.
Tổ chức bộ máy các cấp công đoàn và biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách trong hệ thống Công đoàn thực hiện thống nhất theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và phân cấp của Đảng. Ban chấp hành công đoàn các cấp căn cứ vào khả năng tài chính được phân cấp và nhiệm vụ để tổ chức bộ máy làm việc và bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn đảm bảo không vượt quá quy định của Tổng Liên đoàn. Hàng năm các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện báo cáo theo định kỳ tình hình tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách về Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo quy định.”
Câu 2.
Khi nào Hợp đồng lao động vô hiệu?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 50 Bộ luật Lao động được sửa đổi năm 2012 quy định Hợp đồng lao động vô hiệu như sau:
“Điều 50. Hợp đồng lao động vô hiệu
- Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;
- b) Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền;
- c) Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm;
- d) Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
- Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
- Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.”
Câu 3.
Công đoàn tham gia vụ án lao động với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì có các quyền và nghĩa vụ gì khi tham gia tố tụng dân sự.
Trả lời:
Căn cứ Phần III Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của TLĐ LĐVN về hướng dẫn Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng giải quyết các vụ tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể của các cấp Công đoànquy định như sau:
‘‘Phần III. Công đoàn tham gia vụ án lao động với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Công đoàn tham gia vụ án lao động với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 70 BLTTDS 2015:
- Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa;
- Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án biết;
- Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của BLTTDS 2015;
- Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình;
- Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc đương sự khác xuất trình các tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá;
- Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 109 của BLTTDS 2015;
- Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTDS 2015;
Trừ trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ;
- Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hoà giải do Tòa án tiến hành;
- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, theo quy định của BLTTDS 2015;
- Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của BLTTDS 2015;
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành các quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;
- Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng;
- Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của BLTTDS 2015;
- Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án khi được phép của Tòa án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng;
- Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng;
- Được cấp trích lục bản án, quyết định của Tòa án;
- Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của BLTTDS 2015;
- Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Sử dụng quyền của đương sự một các có thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do BLTTDS 2015;
- Các quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật quy định.
- Công đoàn tham gia vụ án lao động với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
- Công đoàn tham gia vụ án lao động với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn. Trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì Công đoàn được khởi kiện thành một vụ án khác.
- Công đoàn tham gia vụ án lao động với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn.
- Công đoàn tham gia vụ án lao động với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn.’’
Câu 4.
Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua khen thưởng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 87, Điều 88 và Điều 89 Luật Thi đua Khen thưởng năm 2013 thì Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua khen thưởng được quy định như sau:
“Điều 87. Cá nhân, tập thể được khen thưởng, tùy từng hình thức khen thưởng, được tặng hiện vật khen thưởng và được hưởng lợi ích khác theo quy định của pháp luật.
Điều 88. Cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng.
Tập thể được tặng các hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày, được sử dụng biểu tượng của các hình thức khen thưởng đó trên các văn bản, tài liệu chính thức của tập thể.
Điều 89. Cá nhân, tập thể được khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản các hiện vật khen thưởng, không được cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.”
Câu 5.
Cán bộ công đoàn vi phạm các quy định về bầu cử bị xử lý kỷ luật như thế nào?
Trả lời:
TheoĐiều 10 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn vi phạm các quy định về bầu cử như sau:
- Cán bộ vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Được phân công nhiệm vụ trong tổ chức, thực hiện bầu cử nhưng thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thẩm định, xem xét hồ sơ xin ứng cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử.
- Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình, thủ tục về bầu cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử
- Cố ý không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình về bầu cử theo quy định, có hành vi làm mất an ninh trật tự nơi bầu cử.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn tác động, gây áp lực đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để đề cử người thân của mình vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức công đoàn, tổ chức đảng, nhà nước.
- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
- Tổ chức lực lượng, phe nhóm, dòng họ, cục bộ để vận động người tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử vào các chức danh của công đoàn.
- Có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt nhân sự, nhưng đưa người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo.
- Không trung thực trong việc kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử, có hành vi gian dối trong thực hiện các quy định về bầu cử, bổ nhiệm.
- Có hành vi mua chuộc, xúi giục, cưỡng ép người khác hoặc vận động bầu cử trái quy định; cản trở, đe dọa người khác thực hiện quyền ứng cử, đề cử hoặc bầu cử theo quy định.
- Không trung thực trong việc kê khai hoặc thẩm định hồ sơ, lý lịch của người ứng cử theo quy định về bầu cử.
- Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc:
- Tổ chức việc thực hiện giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng các thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử.
- Có hành vi, việc làm phá hoại cuộc bầu cử.
Văn phòng Tư vấn pháp luật