Câu 1.
Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Mục 13.2 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở doanh nghiệp được quy định như sau:
“13.2. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp
a. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp bao gồm các loại hình doanh nghiệp được cấp phép thành lập theo Luật Doanh nghiệp.
b. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở doanh nghiệp
– Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
– Đại diện tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
– Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức dối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, kinh doanh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
– Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và Công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng thang, bảng lương, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn – vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.
– Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
– Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật”.
Câu 2.
Tư vấn pháp luật (TVPL) theo quy định của Công đoàn Việt Nam được hiểu như thế nào?
Trả lời:
Theo Quyết định số 655/QĐ-TLĐ ngày 06/6/2014 của Tổng Liên đoàn LĐVN thì hoạt động TVPL của Công đoàn nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và NLĐ; góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên công đoàn, NLĐ và các đối tượng khác.
Hoạt động tư vấn của công đoàn không thu phí, trừ các trung tâm TVPL tổ chức, hoạt động theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về TVPL (sau đây gọi là Nghị định 77/2008/NĐ-CP); Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/2/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP (sau đây gọi là Thông tư 01/2010/TT-BTP); Quy định về tổ chức và hoạt động TVPL công đoàn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đối tượng TVPL của Công đoàn là đoàn viên công đoàn; NLĐ; người nghèo, đối tượng chính sách được Nhà nước trợ giúp pháp lý miễn phí; tổ chức công đoàn và một số đối tượng khác.
Nội dung hoạt động TVPL của Công đoàn tập trung vào lĩnh vực pháp luật lao động và công đoàn.
Hoạt động TVPL của Công đoàn bao gồm: Hướng dẫn, giải đáp pháp luật; cung cấp ý kiến pháp lý; tư vấn, soạn thảo đơn, hợp đồng và các giấy tờ khác; cung cấp văn bản pháp luật, thông tin pháp lý; kiến nghị giải quyết yêu cầu, đề nghị của người được TVPL; đại diện cho người được tư vấn thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; các hoạt động khác liên quan đến trợ giúp pháp lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Các cấp công đoàn có trách nhiệm tổ chức hoạt động TVPL cho đoàn viên công đoàn và NLĐ. Khi đoàn viên công đoàn yêu cầu hoặc NLĐ đề nghị tư vấn về pháp luật lao động và công đoàn, công đoàn nơi tiếp nhận phải có trách nhiệm xem xét, đáp ứng yêu cầu và đề nghị của đoàn viên, NLĐ.
Như vậy, TVPL theo định nghĩa của Công đoàn Việt Nam là hoạt động TVPL miễn phí của Công đoàn về pháp luật lao động, công đoàn cho đoàn viên công đoàn và NLĐ; người nghèo, đối tượng chính sách được Nhà nước trợ giúp pháp lý miễn phí; các cấp công đoàn và một số đối tượng khác.
Câu 3.
Cách tính chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với NLĐ có đóng BHXH được quy định như thế nào?
Trả lời:
Cách tính chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với NLĐ đóng BHXH được quy định như sau:
1. Đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc
Căn cứ quy định tại Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
2. Đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Căn cứ quy định tại Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Câu 4.
Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 thì trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động được thực hiện như sau:
“Điều 188. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
4. Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.
Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
5. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
6. Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
7. Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều này thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Văn phòng Tư vấn pháp luật