Câu 1.
Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Mục 13 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
“13.1. Công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
a. Công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
– Công đoàn cơ sở các cơ quan hành chính nhà nước.
– Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn.
– Công đoàn cơ sở cơ quan chuyên trách của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, chính trị xã hội – nghề nghiệp, xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội.
– Công đoàn cơ sở các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao… của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang.
b. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
– Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
– Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Cùng với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội trong đoàn viên, người lao động.
– Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
– Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tổ chức vận động đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
– Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
– Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật”.
Câu 2.
Khái niệm về “tư vấn pháp luật” được hiểu và quy định như thế nào?
Trả lời:
Tư vấn pháp luật (TVPL) là một trong các hình thức tư vấn. Theo Từ điển Luật học (Ngô Văn Thâu, Nguyễn Hữu Đắc, Lê Kim Quế, Nguyễn Hữu Viện, Lê Đức Tiết, NXB từ điển bách khoa, năm 1999) thì: “Tư vấn pháp lý là người có chuyên môn về pháp luật và được hỏi ý kiến để tham khảo khi giải quyết, quyết định công việc”.
Theo Điều 28 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì định nghĩa: “Tư vấn pháp luật là việc Luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ”.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2010/TT-BTP ngày 09/2/2010 của Bộ Tư pháp về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về TVPL thì hoạt động TVPL của Trung tâm TVPL quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ thì hoạt động TVPL bao gồm các hoạt động hướng dẫn, giải đáp pháp luật; tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý; soạn thảo đơn, hợp đồng, di chúc và các giấy tờ khác; cung cấp văn bản pháp luật, thông tin pháp luật; đại diện ngoài tố tụng cho người được TVPL để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, TVPL được hiểu là việc người có chuyên môn pháp luật, hành nghề luật hoặc làm việc trong các tổ chức có chức năng tư vấn pháp luật, cho ý kiến về vấn đề có liên quan tới pháp luật, với những hình thức nhất định, nhằm giúp cho các cá nhân, tổ chức xử sự đúng pháp luật; cung cấp dịch vụ pháp lý giúp cho các cá nhân, tổ chức thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Câu 3.
Cách tính lương hưu năm 2024 đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc được quy định như thế nào?
Trả lời:
Cách tính lương hưu năm 2024 đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc được quy định như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức lương hưu hằng tháng đối với người đóng BHXH bắt buộc được tính theo công thức sau đây:
Mức lương hưu hằng tháng = (Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng) x (Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH)
Trong đó:
(1) Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
– Đối với nam: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
– Đối với nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Lưu ý:
+ Đối với người hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng cũng sẽ được tính như trên, nhưng cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%; trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
+ Đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH nghỉ hưu theo quy định: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH; từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
(2) Xác định mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:
(2.1) Căn cứ Khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (Mbqtl) đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này được tính như sau:
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/1995:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 60 tháng
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 72 tháng
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 96 tháng
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 120 tháng
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 180 tháng
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 240 tháng
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của của toàn bộ thời gian đóng / Tổng số tháng đóng BHXH
(2.2) Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được tính như sau:
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đóng BHXH / Tổng số tháng đóng BHXH
2.3) Căn cứ Khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được tính như sau:
Mbqtl = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định + Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương cho người sử dụng lao động quyết định) / Tổng số tháng đóng BHXH
(2.4) NLĐ có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương thuộc công việc sau đây chuyển sang làm công việc khác mà đóng BHXH có mức lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy mức lương cao nhất của công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định hoặc mức tiền lương trước khi chuyển ngành tương ứng với số năm nêu tại điểm (2.1) để tính mức bình quân tiền lương làm cơ sở tính hưởng lương hưu:
– Đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân, sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân chuyển ngành làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
(2.5) NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng BHXH được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng BHXH.
(2.6) NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.
Trường hợp NLĐ chuyển sang ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu thực hiện theo điểm (2.1).
Câu 4.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là NLĐ trong các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là NLĐ trong các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động được quy định như sau:
“Điều 187. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
1. Hòa giải viên lao động;
2. Hội đồng trọng tài lao động;
3. Tòa án nhân dân.”
Văn phòng Tư vấn pháp luật