11/02/2020 9:08:25

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 2/2020

Văn phòng Tư vấn pháp luật giải đáp các câu hỏi của công đoàn viên và người lao động.

 

Câu 1.

Theo quy định của Nhà nước thì đối tượng nào phải đóng kinh phí công đoàn? Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 4 và Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết về tài chính công đoàn thì đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn và mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn được quy định như sau:

“Điều 4. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 5. Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học – kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.”

Câu 2.

Quy định về việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như thế nào trong đơn vị, doanh nghiệp?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 80 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì quy định việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động thực hiện như sau:

“Điều 80. Tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ, đột xuất về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.
Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể phải bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động của cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.”

– Căn cứ Điều 9 Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH ngày 15/05/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:

“Điều 9. Tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động chủ động quyết định theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề quy định tại Điều 8 Thông tư này, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong 06 tháng ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 03 tháng ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề khác với ngành nghề quy định tại Điều 8 Thông tư này, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong một năm ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 06 tháng ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.”

Câu 3.

Quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc/Giám đốc  tại Công ty TNHH MTV công đoàn được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 9 và Điều 10 của “Quy chế tổ chức, quản lý tài chính công ty TNHH MTV công đoàn” do TLĐLĐVN ban hành kèm theo Quyết định số 1913/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc/Giám đốc tại Công ty TNHH MTV công đoàn được thực hiện như sau:

“Điều 9. Quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch công ty

Quyền hạn
a) Chủ tịch Công ty là đại diện Chủ sở hữu (đại diện của đại diện Chủ sở hữu) tại Công ty TNHH MTV công đoàn; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
b) Quyết định phương án kinh doanh và đầu tư của Công ty theo kế hoạch đã được phê duyệt.
c) Ban hành nội quy, quy chế của Công ty.
d) Quyết định cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý của Công ty (trừ cơ cấu tổ chức và các chức danh thuộc thẩm quyền của Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu).

đ) Phê duyệt kế hoạch sử dụng lao động hàng năm của Công ty sau khi Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) cho ý kiến.

e) Quyết định thành lập mới, tổ chức lại, giải thể đối với các công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; quyết định việc góp vốn, điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của công ty tại các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp khác sau khi được chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) chấp thuận.
g) Phê duyệt điều lệ, bổ sung, sửa đổi Điều lệ của công ty con là Công ty TNHH MTV công đoàn; quyết định mục tiêu chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành nghề kinh doanh của công ty con sau khi được Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) chấp thuận; phê duyệt báo cáo tài chính và các quyền hạn khác được ghi trong Điều lệ công ty và công ty con.
h) Quyết định cử người đại diện phần vốn của công ty ở doanh nghiệp khác.
i) Đề xuất bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, tiền lương, tiền thưởng, kỷ luật Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty.
k) Quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê, mua bán, thanh lý tài sản… có giá trị đến 20% vốn Điều lệ của Công ty (nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng).
l) Xây dựng kế hoạch tiền lương, tiền thưởng của Người quản lý công ty, kế hoạch sử dụng lao động báo cáo Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) phê duyệt.
m) Các quyền khác được ghi trong Điều lệ công ty không trái với quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
Trách nhiệm, nghĩa vụ
a) Tổ chức thực hiện quyết định của Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu).
b) Xây dựng phương án thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty trình Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) phê duyệt.
c) Chịu trách nhiệm trước Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và quản lý, điều hành của Ban giám đốc.
d) Các trách nhiệm và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Điều 10. Quyền hạn, trách nhiệm của Tổng giám đốc/Giám đốc

Quyền hạn
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Công ty hoặc Hội đồng thành viên về thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư; nội quy, quy chế của công ty đã được phê duyệt.
c) Xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành công ty trình Chủ tịch Công ty hoặc Hội đồng thành viên phê duyệt để thực hiện; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý của Công ty theo phân cấp.
d) Ký các hợp đồng nhân danh công ty theo quy định của pháp luật hoặc ủy quyền.

đ) Tuyển dụng lao động, ký hợp đồng lao động (hoặc ủy quyền ký hợp đồng) và sử dụng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động và kế hoạch đã được phê duyệt.

e) Đề nghị thành lập mới, tổ chức lại, giải thể công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; góp vốn, điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của công ty tại các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp khác trình Chủ tịch Công ty hoặc Hội đồng thành viên phê duyệt.
g) Đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ công ty và công ty con là công ty TNHH MTV; mục tiêu chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành nghề kinh doanh của công ty con báo cáo Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng thành viên phê duyệt.
h) Đề xuất cử người đại diện phần vốn của công ty ở doanh nghiệp khác.
i) Xây dựng, trình Chủ tịch Công ty hoặc Hội đồng thành viên các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê, mua bán, thanh lý tài sản của công ty.
k) Xây dựng kế hoạch tiền lương, tiền thưởng của người quản lý công ty báo cáo Chủ tịch Công ty hoặc Hội đồng thành viên trình Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) phê duyệt; xây dựng quy chế trả lương; bổ sung, sửa đổi quy chế trả lương, kế hoạch tiền lương của người lao động, kế hoạch sử dụng lao động, định mức lao động trình Chủ tịch Công ty hoặc Hội đồng thành viên phê duyệt.
l) Các quyền khác được ghi trong Điều lệ công ty không trái với quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
Trách nhiệm, nghĩa vụ
a) Tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch Công ty, nghị quyết của Hội đồng thành viên.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty đã được phê duyệt.
c) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Công ty hoặc Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
d) Lập báo cáo tài chính và kế hoạch sản xuất kinh doanh (năm) của Công ty trình Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng thành viên.

đ) Nộp thuế cho Nhà nước; nộp lợi nhuận cho Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) theo quy định pháp luật và quy định tại quy chế này.

e) Các trách nhiệm và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.”

 Câu 4.

Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được hưởng các chế độ chính sách như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Khoản 5 Điều 155 của Bộ luật Lao động thì lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút tính vào giờ làm việc (thời gian nghỉ không dựa vào số giờ làm việc của người lao động).

– Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 12 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc bao gồm cả tháng sinh con.

Câu 5.

Công tác tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được quy định như thế nào trong đơn vị, doanh nghiệp?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 63, Điều 64 và Điều 65 Bộ luật Lao động 2012 hợp nhất thì công tác đối thoại tại nơi làm việc được quy định như sau:

“Điều 63. Mục đích, hình thức đối thoại tại nơi làm việc

Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc.
Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ.

Điều 64. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc

Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
Điều kiện làm việc.
Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.
Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.
Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

Điều 65. Tiến hành đối thoại tại nơi làm việc

Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên.
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc.”

– Căn cứ Điều 8 Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định công tác đối thoại tại nơi làm việc như sau:

“Điều 8. Đối thoại tại nơi làm việc

Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện định kỳ hoặc khi một bên có yêu cầu.
Nội dung đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, thời gian, thời điểm đối thoại, quy trình tổ chức đối thoại thực hiện theo Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp. Thời điểm tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời điểm tổ chức hội nghị người lao động quy định tại Điều 9 Nghị định này thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.”

– Căn cứ Mục 3 Hướng dẫn số 1630/HD-TLĐ ngày 28/8/2019 của TLĐLĐVN thì Công đoàn tham gia nội dung tổ chức đối thoại tại nơi làm việc như sau:

“3. Tham gia nội dung tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

Việc xây dựng nội dung đối thoại tại nơi làm việc cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, thiện chí và hợp tác giữa các bên, đồng thời bám sát quy định của pháp luật tại Mục 1, Chương V, Bộ luật Lao động 2012; Điều 8, Nghị định 149 để đề xuất nội dung đối thoại đưa vào quy chế, cụ thể:

3.1. Đối thoại định kỳ

Là các cuộc đối thoại được tiến hành định kỳ theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện tốt hơn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

– Nội dung đối thoại: Công đoàn cơ sở cần nghiên cứu, lựa chọn những nội dung đối thoại phù hợp với đặc thù, tình hình doanh nghiệp, ưu tiên các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động để đưa vào nội dung đối thoại như: Tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn giữa ca, tình hình thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện kết quả đối thoại… để đưa vào nội dung đối thoại định kỳ.

– Số lượng, thành phần tham gia đối thoại: Do công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động lựa chọn nhưng phải đảm bảo ít nhất mỗi bên có 3 thành viên tham gia đối thoại. Nguyên tắc chung, công đoàn cơ sở lựa chọn số người tham gia đối thoại nhiều hơn phía người sử dụng lao động.

– Tiêu chuẩn thành viên đại diện cho người lao động hoặc công đoàn cơ sở tham gia đối thoại: Do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động quyết định. Đại diện người lao động phải là những thành viên có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên, am hiểu về pháp luật lao động, công đoàn, chế độ, chính sách lao động, việc làm, tình hình doanh nghiệp, có khả năng thuyết phục và được người lao động tín nhiệm.

3.2. Đối thoại đột xuất

– Là cuộc đối thoại được thực hiện theo yêu cầu của một trong các bên hoặc đại diện của các bên trong quan hệ lao động nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tránh xung đột dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại doanh nghiệp.

– Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn tham gia đối thoại đột xuất thực hiện như đối thoại định kỳ nhưng quy trình, thủ tục, thời gian cần nhanh, gọn, khẩn trương hơn. Đối thoại đột xuất cần tránh để bên yêu cầu đối thoại phải chờ đợi, tạo ra những bức xúc trong quá trình giải quyết. Thời hạn trả lời đối thoại của bên được đề xuất tối đa không quá 24 giờ kể từ khi một bên gửi yêu cầu đối thoại cho bên kia.”

 Văn phòng Tư vấn Pháp luật