20/08/2013 12:32:08

Dự án Biển Đông 1: Kỳ tích mới của ngành Dầu khí Việt Nam

Cho đến hôm nay, có thể khẳng định rằng, Dự án Biển Đông 1 đã hoàn thành gần 100% công việc theo kế hoạch. Và chỉ vài ngày nữa thôi, dòng khí từ hai ngôi sao dưới đáy biển là Hải Thạch – Mộc Tinh sẽ được đưa vào bờ để cung cấp cho các nhà máy điện khu vực miền Đông Nam Bộ.

Đây là nơi thử thách lòng yêu nước

Sáng ngày 16/8, tại giàn Xử lý Trung tâm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh (PQP-HT), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức lễ gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI.

Dự lễ gắn biển có đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc PVN; đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thay mặt cán bộ, kỹ sư và người lao động, Tổng giám đốc Công ty điều hành Dầu khí Biển Đông (BIEN DONG POC) Nguyễn Quỳnh Lâm đã báo cáo với Chủ tịch Liên đoàn Lao động về các kết quả đã đạt được.

Cụm xử lý trung tâm PQP-HT và hệ thống giếng khoan Hải Thạch – Mộc Tinh là công trình trọng điểm của PVN. Đây là nơi có điều kiện địa chất phức tạp vào loại hiếm có trên thế giới, khí đốt ở giếng có nhiệt độ lên đến 170oC và áp suất hơn 400 atmosphere. Trước đây, đã có một tập đoàn dầu khí lớn thăm dò và định khai thác, nhưng do nhiều lý do về kỹ thuật cùng với các tác động về chính trị nên đã phải bỏ.

Chủ tịch Liên đoàn Lao Động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (thứ 2 bên trái sang) gắn biển Chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam XI cho giàn Hải Thạch – Mộc Tinh

Sau khi tiếp quản dự án này, với quyết tâm rất cao là không chỉ tìm kiếm nguồn năng lượng đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia mà còn khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, PVN đã quyết định đầu tư toàn bộ và tất cả mọi phần việc đều do cán bộ, kỹ sư của Tập đoàn Dầu khí thiết kế, thi công và điều hành. Các đơn vị thành viên của Tập đoàn như Vietsovpetro, PV Drilling; PTSC… đã hoàn thành xuất sắc những phần việc được giao, đặc biệt là việc chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PVD V, đã góp phần quan trọng vào thành công của dự án.

Cho đến thời điểm này, đây là công trình xây dựng trên biển trong một thời điểm lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, với khối lượng sắt thép và thiết bị lên đến 60.000 tấn; và là công trình được thiết kế hiện đại nhất, quy mô nhất ở Đông Nam Á. Đây cũng là công trình được đánh giá cao nhất về hệ số an toàn với 17 triệu giờ công lao động mà không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Do có phương án thi công hợp lý, phát huy tối đa sức mạnh nội lực của các đơn vị trong Tập đoàn, công trình đã rút ngắn được thời gian so với dự tính ban đầu của các công ty nước ngoài là 2 năm, và tiết kiệm được 74 triệu USD

Có thể nói hơn 4 năm qua, cán bộ, công nhân viên của BIEN DONG POC đã vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ và đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của người Dầu khí và tinh thần giữ vững chủ quyền an ninh trên biển ở vùng lãnh thổ Việt Nam.

Đến nay, dòng khí từ Hải Thạch – Mộc Tinh đã được dẫn đến các điểm xử lý và sẽ cho dòng khí thương mại trong ít ngày tới. Thắng lợi này là hết sức có ý nghĩa đối với ngành công nghiệp khí. Dòng khí từ Hải Thạch – Mộc Tinh sẽ bổ sung vào dòng khí từ một số mỏ đang có dấu hiệu giảm dần do khai thác đã lâu.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã nhiệt liệt biểu dương tinh thần dũng cảm, ý chí khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công nhân viên Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông. Chủ tịch nhấn mạnh: “Công trình này là nơi thử thách lòng yêu nước, là nơi thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí Việt Nam”. Chủ tịch cũng cảm ơn lãnh đạo PVN đã tạo điều kiện cho các công đoàn viên sinh hoạt, đảm bảo đời sống và các quyền lợi khác. Cũng nhân dịp này, Công đoàn Dầu khí đã khen thưởng cho nhiều tập thể và cá nhân của BIEN DONG POC.

Các mỏ khí và condensate Hải Thạch (Lô 05-2) và Mộc Tinh (Lô 05-3) thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn có giá trị rất quan trọng đối với an ninh quốc phòng và an ninh năng lượng của đất nước ta, nhưng đồng thời cũng là vùng mỏ ở mực nước sâu nhất, các giếng có áp suất cao, nhiệt độ cao và đòi hỏi các hạng mục công trình biển lớn nhất ở Việt Nam từ trước tới nay. Đặc biệt, sau khi nhà điều hành dày dạn kinh nghiệm BP (British Petroleum) và ConocoPhillips rút khỏi dự án, việc chinh phục vùng mỏ này để lại một thách thức vô cùng lớn cho bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí Việt Nam. Ở thời điểm đó, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIEN DONG POC) được thành lập dưới sự quản lý trực tiếp của PVN và làm nên những kỳ tích mới cho ngành Dầu khí ở dự án mang tên “Biển Đông 1”.

Đi tìm lời giải cho một đề toán lớn

Bắt tay vào dự án đồng nghĩa với việc BIEN DONG POC phải đi tìm lời giải cho một đề toán cực dài, trong đó có vô số những bài toán lớn, nhỏ rất hóc búa. Trước khi tuyên bố chính thức rút khỏi các mỏ Hải Thạch (Lô 05-2) và Mộc Tinh (Lô 05-3) vào năm 2009, nhà điều hành BP đã dự tính mốc đón dòng khí đầu tiên (first gas) là quý III/2014. Không những quyết tâm hoàn thành dự án, BIEN DONG POC còn đặt ra mục tiêu đón first gas trong năm 2013, sớm hơn dự tính kỹ càng của BP tới cả năm trời.

Để đạt được mục tiêu vô cùng thách thức này, BIEN DONG POC dưới sự quản lý trực tiếp của PVN và sự điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm đã cùng lập ra kế hoạch làm việc rất sít sao, ăn khớp đến từng chi tiết nhỏ.

Phòng điều khiển của giàn xử lý Trung tâm PQP-HT

“Kể cả ngày không hết chuyện” là chia sẻ đầu tiên của các kỹ sư BIEN DONG POC về thách thức của dự án Biển Đông 1 khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện. Một trong những khó khăn rất lớn là các nhà thầu chế tạo và thi công PTSC M&C (thi công giàn đầu giếng Hải Thạch 1, giàn xử lý trung tâm PQP Hải Thạch) và Vietsovpetro (thi công giàn đầu giếng Mộc Tinh 1) đều không đủ năng lực do cả ba giàn đều có khối lượng lớn nhất so với các công trình biển họ làm trước đó. Cả hai bãi thi công đều không đủ rộng, cứng, vững, đường trượt không đủ dài… dẫn đến việc phải vừa thi công, vừa tiến hành nâng cấp nền. Có thời điểm, tổng số người cùng làm việc tại công trường lên tới 3.500 người.

Lời giải tổng thể cho đề toán Biển Đông 1 đã được lên chi tiết từ ba năm trước khi bắt đầu dự án, nhưng có vô số bài toán phát sinh hóc búa xảy ra trong suốt quá trình triển khai. Và một bài toán gây “đau đầu” và khó lường nhất chính là tiến độ sít sao của dự án đòi hỏi các kỹ sư phải đối phó với áp lực hoàn thành các mốc công việc vượt khỏi khung thời tiết thông thường trên biển. Từ chuyện rất đơn giản là trời mưa, không thể tiến hành sơn giàn được, cũng có thể kéo theo vô số đầu việc khác bị chậm lại, khi trời tạnh ráo, các kỹ sư phải nỗ lực làm việc gấp nhiều lần để lấy lại tiến độ.

Phức tạp hơn, vào khoảng cuối tháng 9/2011, việc đưa giàn Mộc Tinh 1 đi lắp đặt đã được tính toán rất kỹ do dự báo có bão. Nhưng sau khi đưa giàn đi “ẩn nấp” an toàn tại Côn Đảo, bão vừa tan thì lại dự báo một cơn bão khác lấp ló từ Phillipines đổ bộ sang… Khối thượng tầng giàn Mộc Tinh 1 có khối lượng nặng tới 3.000 tấn, nặng sát với giới hạn của tàu cẩu, đã được đưa tới nơi an toàn sau khi cả người và giàn chòng chành trên biển suốt hơn 7 ngày, giữa 3 cơn bão trong tâm trạng hết sức hồi hộp, lo âu.

Việc phải phối hợp nhịp nhàng, sít sao trong toàn dự án gây ra áp lực rất lớn cho các đầu việc, có những thời điểm tưởng như không thể hoàn thành được. Tại thời điểm đầu tháng 9/2011, phần chân đế giàn Mộc Tinh 1 vẫn chưa xong hết các việc tồn đọng nhưng giàn khoan TAD PV Drilling V đã sẵn sàng. Trước áp lực chi phí thuê giàn lên tới hàng trăm ngàn đôla mỗi ngày, chân đế Mộc Tinh 1 phải đưa ra biển lắp đặt để giàn khoan có thể bắt đầu các mũi khoan đầu tiên trên mỏ Mộc Tinh trong điều kiện các kỹ sư vẫn phải tiếp tục hoàn thành việc tồn đọng trên biển, gây khó khăn gấp nhiều lần so với trên bờ. Trong quá trình lắp đặt trên biển, giàn Mộc Tinh 1 vẫn phải “ăn nhờ” điện, nước từ giàn TAD PV Drilling V.

Đến tháng 5/2013 mới đây, khi giàn TAD phải rời sang mỏ Hải Thạch 1 theo đúng kế hoạch, trong khi Mộc Tinh 1 vẫn chưa thể tự cung cấp nguồn năng lượng sinh hoạt cho chính nó. Bằng sự nỗ lực vượt bậc, đến tận phút cuối cùng, ngày 1-5, Mộc Tinh 1 mới có điện, nước, Internet. Trên giàn xử lý trung tâm PQP Hải Thạch, thời điểm tháng 11/2012, đội ngũ kỹ sư, công nhân phải đối mặt với thách thức hết điện, hết nước, hết thức ăn, khi hết hạn hợp đồng cung cấp dịch vụ hậu cần với PTSC POS, tàu POS 01 phải kéo xà lan về bờ. Thời tiết xấu kéo dài, có lúc sóng cao tới 6m khiến việc lắp đặt còn ngổn ngang. Không có cách nào ngoài nỗ lực làm việc phi thường, có những lúc toàn thể đội ngũ phải làm việc 19-20 giờ mỗi ngày.

Cho đến hôm nay, có thể khẳng định rằng, Dự án Biển Đông 1 đã hoàn thành gần 100% công việc theo kế hoạch. Và chỉ vài ngày nữa thôi, dòng khí từ hai ngôi sao dưới đáy biển là Hải Thạch – Mộc Tinh sẽ được đưa vào bờ để cung cấp cho các nhà máy điện khu vực miền Đông Nam Bộ.

Những người thợ dầu khí Việt Nam đã lập nên kỳ tích mới trên Biển Đông.

Thanh Loan