Dự án Biển Đông 01 là dự án phát triển các mỏ khí – condensate tại các Lô 05-2 và 05-3 thuộc bể Nam Côn Sơn trên thềm lục địa Việt Nam. Sự phức tạp về địa chất, khó khăn về kỹ thuật của dự án đã từng khiến nhà thầu dầu khí danh tiếng trên thế giới là BP phải bỏ cuộc, sau khi mất 9 năm nghiên cứu và tiêu tốn hơn 500 triệu USD. Vậy mà, những người thợ dầu khí Việt Nam sau khi tiếp nhận, lại thực hiện hết sức thành công.
Cách thành phố Vũng Tàu 320km về phía Đông Nam, Nam Côn Sơn là một trong những bồn trũng có tiềm năng dầu khí lớn với diện tích khoảng 100.000km2. Trong những năm từ 1992 đến 2008, các hoạt động tìm kiếm, thăm dò tại 2 mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc lô 05-2 và 05-3 trong vùng bồn trũng Nam Côn Sơn liên tục được thực hiện bởi Tập đoàn BP và tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Với những điều kiện đặc biệt phức tạp về mặt địa chất, kỹ thuật, kinh tế và các nguyên nhân khác tại khu vực này mà các đối tác nước ngoài đã quyết định rút lui sau 17 năm hoạt động, chuyển giao toàn bộ quyền lợi dự án cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Trong bối cảnh đan xen giữa cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, với quyết tâm chinh phục dự án, Petrovietnam đã thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC). Nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ Petrovietnam, BIENDONG POC đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, bắt tay vào triển khai công tác phát triển mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, từng bước chinh phục các cột mốc quan trọng của Dự án.
Tiến sĩ Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc BIENDONG POC chia sẻ: Các mỏ thuộc khu vực Lô 05-2 và 05-3 nằm ở khu vực nước sâu xa bờ, điều kiện địa chất mỏ rất phức tạp, áp suất cao – nhiệt độ cao và hầu hết những giếng khoan thăm dò trước đây đều gặp sự cố phải hủy giếng do gặp phải các khó khăn trong quá trình thi công. Do đó để phát triển thành công dự án đòi hỏi phải nghiên cứu, phát triển công nghệ đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp thuộc các lĩnh vực về địa chất/công nghệ mỏ, phát triển, khoan/hoàn thiện giếng và vận hành khai thác hiệu quả các mỏ khí – condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp như áp suất cao, nhiệt độ cao khu vực nước sâu xa bờ, khí hậu – hải dương khắc nghiệt.
Cụm công trình này là phần cốt lõi cấu thành không thể thiếu bao gồm các giải pháp khoa học công nghệ mới được nghiên cứu phát triển và áp dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện dự án Biển Đông 1 – là đặc biệt xuất sắc, lần đầu tiên trong khu vực và trên thế giới. Phát triển dự án thành công và vận hành một cách an toàn, liên tục, hiệu quả và đạt cường độ khai thác cao cho đến ngày hôm nay là thành tựu hết sức to lớn của Ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Kho nổi chứa và xuất dầu FSO PTSC BIENDONG 01. |
Thời điểm đó, Biển Đông 01 là dự án xây dựng trên biển được thiết kế hiện đại nhất, quy mô nhất ở Đông Nam Á. Dự án bao gồm việc đầu tư thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo và lắp đặt 2 giàn khai thác đầu giếng tại 2 mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch (WHP-MT1, WHP-HT1), mỗi giàn có khối lượng 14.000 tấn; 1 giàn xử lý trung tâm đặt tại mỏ Hải Thạch (PQP-HT) có khối lượng lên đến 30.000 tấn cấu kiện sắt thép và thiết bị. Dự án còn bao gồm việc xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống nối từ giàn đầu giếng vào hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và hệ thống đường ống vận chuyển, cáp điện và cáp điều khiển nội mỏ; khoan 16 giếng khoan khai thác. Petrovietnam, BIENDONG POC cùng các nhà thầu Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đã tận dụng mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ tất cả các công đoạn thiết kế, chế tạo, xây lắp và khoan… Đặc biệt, việc đóng mới giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm Semi-TAD 15K (PV DRILLING V) đã góp phần quan trọng vào thành công của dự án.
Thời điểm năm 2009, Việt Nam không có một giàn khoan nào có thể đáp ứng được điều kiện khoan ở mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. Vì vậy, PV Drilling đã đề ra hai phương án, hoặc thuê giàn khoan nước ngoài, hoặc đóng mới một giàn khoan phù hợp. Trên thế giới lúc đó có tổng cộng bảy giàn TAD tương tự như PV DRILLING V hiện tại, song không có một giàn nào đáp ứng được điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao ở Hải Thạch – Mộc Tinh, cho nên nếu thuê về, phải tiến hành cải hoán mới có thể sử dụng được. Chi phí thuê giàn này mỗi ngày khoảng 500 nghìn USD.
Sau khi lãnh đạo dự án bàn bạc, cân nhắc tỉ mỉ các phương án, quyết định cuối cùng được đưa ra là đóng mới giàn TAD. Đây là phương án mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất, chi phí chỉ bằng khoảng một nửa so với thuê và cải hoán giàn đã có. Không những thế, việc đóng mới giàn TAD không chỉ để phục vụ riêng cho Dự án Biển Đông 01 mà còn được tính đến đường dài sau đó. Đây cũng chính là xuất phát điểm của việc ra đời giàn PV DRILLING V.
Giàn PV DRILLING V là thế hệ giàn TAD hiện đại nhất thế giới hiện nay với nhiều thiết bị, công nghệ mới, phức tạp để khoan các giếng khoan nhiệt độ cao, áp suất cao. Công suất thiết bị chống phun (BOP) được thiết kế với áp suất làm việc lên đến 15.000 psi (tương đương 1.020 atm) là thách thức lớn của công nghệ khoan dầu khí hiện nay. Ngoài ra, tải trọng của tháp khoan thiết kế lên đến 1.500.000 lbs để có thể thực hiện được các giếng khoan đến độ sâu 30.000 ft (tương đương 9.100 m), trong điều kiện độ sâu mực nước biển lên đến 4.000 ft (1.200 m). Khi PV Drilling đặt mua một số thiết bị để đóng giàn, phía đối tác tỏ ra bất ngờ vì không ngờ trên thế giới lại có những điều kiện khoan đòi hỏi loại thiết bị công nghệ cao đến vậy. Để phù hợp, đối tác này phải quay lại nghiên cứu và nâng cấp sản phẩm hiện có của mình để nhằm đáp ứng yêu cầu đóng giàn của PV Drilling.
Giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm Semi-TAD 15K PV DRILLING-V |
Năm 2011, BIENDONG POC cùng các nhà thầu đã hoàn thành lắp đặt giàn đầu giếng tại mỏ Mộc Tinh (WHP-MT1, 08/10/2011); hoàn thành đóng mới giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PV DRILLING V và đưa về vị trí mỏ chuẩn bị cho chiến dịch khoan (25/10/2011).
Năm 2012, hoàn thành lắp đặt giàn đầu giếng tại mỏ Hải Thạch (WHP-HT1, 26/06/2012) cùng đường ống xuất khí 20” kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 1 (NCSP, 18/12/2012), cũng như hoàn thành lắp đặt giàn xử lý trung tâm tại mỏ Hải Thạch (PQP-HT, 10/10/2012).
Năm 2013, hoàn thành đóng mới tàu chứa condensate tại mỏ Hải Thạch (FSO PTSC BIENDONG 01, 04/06/2013); lắp đặt đường ống 3 pha 12” kết nối từ mỏ Mộc Tinh về mỏ Hải Thạch (13/06/2013) và đón dòng condensate đầu tiên tới FSO (07/08/2013), đón dòng khí thương mại đầu tiên (06/09/2013).
Năm 2016, Dự án đã hoàn thành thi công khoan 16 giếng khai thác áp suất cao, nhiệt độ cao tuyệt đối an toàn, nhanh hơn so với kế hoạch, tiết kiệm hơn so với mức chi phí đã được phê duyệt.
Trải qua rất nhiều khó khăn thách thức, Dự án Biển Đông 01 đã đạt được thành công rực rỡ, trở thành một dấu son mới của ngành Dầu khí Việt Nam trong việc phát triển thành công một dự án khí – condensate có quy mô rất lớn tầm cỡ thế giới, trong điều kiện mỏ đặc biệt phức tạp, nhiệt độ cao, áp suất cao, nước sâu – cận sâu, xa bờ với một tiến độ vô cùng ấn tượng. BIENDONG POC trở thành nhà cung cấp khí đứng thứ 2 của Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam, đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho việc ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân.
Tiến sĩ Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc BIENDONG POC nhấn mạnh, lượng khí khai thác từ hai mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh đã góp phần bổ sung quan trọng cung cấp cho các nhà máy điện – đạm tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh sản lượng khai thác khí bị suy giảm nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển hệ thống khí – điện/ đạm cho nước nhà. Sản lượng khai thác liên tục trung bình 2 tỷ mét khối và 2,5 triệu thùng condensate mỗi năm.
Người lao động BIENDONG POC trên giàn PQP-HT. |
Sau gần 8 năm khai thác, cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh đã mang về hơn 14,8 tỷ m3 khí và hơn 23,8 triệu thùng condensate, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Tính đến ngày 28/6/2021, doanh thu của Dự án đạt 3,880 tỷ đô la Mỹ, nộp ngân sách hơn 957 triệu đô la Mỹ. Dự tính đến hết đời mỏ, doanh thu của dự án mang lại ước đạt hơn 7,5 tỷ đô la Mỹ, thuế nộp cho Nhà nước ước đạt 1,5 tỷ đô la Mỹ.”
(còn tiếp)
Trúc Lâm