30/05/2017 5:07:57

DQS – PVN gánh chịu hậu quả từ Vinashin

Gần đây một vài tờ báo đưa tin: Bộ Công Thương đề xuất phương án cho phá sản Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ mất trắng khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS.

Không ít người cho rằng, đây là dự án, là nhà máy của PVN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả mà không biết rằng PVN đã phải chịu hậu quả do Vinashin làm ăn thua lỗ và Chính phủ yêu cầu PVN phải nhận nhà máy này để cơ cấu lại và vực nó đi lên…

Ngược dòng thời gian 7 năm trước, khi chưa chuyển giao về PVN, trong chiến lược phát triển của mình, Vinashin xác định đây là nhà máy đóng tàu quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam, một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á, có thể đóng các loại tàu trọng tải lên tới 400.000 tấn. Nó còn được ví như “người khổng lồ” của ngành cơ khí đóng tàu Việt Nam và cả khu vực.

Tàu Đại Hùng Queen do DQS và PVTrans hoán cải thành công

Thế nhưng, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến khi bàn giao cho PVN vẫn chưa hạ thủy được chiếc tàu nào. Chiếc tàu chở dầu thô đầu tiên, Dung Quất 1 trọng tải 104.000 tấn, trị giá hơn 800 tỷ đồng sau 4 năm thi công dang dở vẫn chưa đóng xong và được coi là đống sắt vụn, một sự lãng phí phải nói là khủng khiếp… Khối tài sản lớn của đất nước nằm “đắp chiếu” bên bờ biển Dung Quất với hàng trăm người lao động không có việc làm và thu nhập. Khỏi phải nói xót xa, trăn trở biết nhường nào…

Tại thời điểm bàn giao từ Vinashin về PVN, vốn điều lệ của công ty hơn 3.758 tỷ đồng nhưng lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.

Tiếp nhận một “tài sản bê bết”, một bộ máy xập xệ như vậy từ Vinashin,  PVN đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ và nỗ lực tái cấu trúc, đổi mới lề lối quản lý, làm việc, thổi vào DQS một luồng sinh khí mới nhằm vực dậy doanh nghiệp này thoát khỏi bờ vực phá sản. Không những thế, DQS còn phát triển nhiều lĩnh vực mới trong đó có công nghệ sửa chữa giàn khoan, hoán cải sà lan, đóng tàu có trọng tải lớn…

Với những lợi thế về mặt bằng sản xuất, lực lượng lao động có tay nghề, DQS đã ký mới các hợp đồng sửa chữa và đóng mới, hoán cải nhiều con tàu và bàn giao hàng loạt sản phẩm sửa chữa như: Hoán cải Sà lan VSP 05, sửa chữa đầu bến tàu MV Horizon Express, tàu Ba Vì, Chí Linh, Côn Sơn, hoán cải sửa chữa tại Dock DQS: Tàu Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa, Sao Mai – 01, tàu Sao Mai – 03, kho nổi chứa và xử lý dầu FSO VSP – 01 của Vietsovpetro, sửa chữa tàu Eagle của PVTrans, sửa chữa giàn khoan tự nâng Tam Đảo 01, tàu dịch vụ Vũng Tàu 01…

Tuy nhiên, bước chuyển mình ấn tượng nhất của DQS phải kể đến kỳ tích đại tu, bảo dưỡng giàn khoan Đại Hùng và đặc biệt là hoán cải tàu FSO Đại Hùng Queen, đưa hoạt động khai thác trở lại trên toàn mỏ Đại Hùng sớm hơn dự kiến với sản lượng khai thác trung bình 13.000-15.000 thùng/ngày đêm.

Theo ông Trần Minh Ngọc, Chủ tịch HĐQT DQS, người từng lăn lộn ở nhiều dự án lớn của PVN: Mặc dù có nhiều nỗ lực nhằm cứu DQS, kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn thời điểm chuyển về PVN, song hiện công ty này vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản dai dẳng từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, do chưa đủ năng lực đấu thầu quốc tế và tiềm lực tài chính nên DQS không thể có hợp đồng trong các cuộc đấu thầu quốc tế rộng rãi. Cần phải nói thêm, hiện các đơn vị thành viên của Vinashin đều nằm trong tình trạng thua lỗ này mặc dù đã được Chính phủ cho hưởng chế độ đặc cánh như khoanh nợ hoặc cơ cấu lại.

Một trong số những tồn tại của DQS là tài sản cố định được đầu tư từ giai đoạn trước thuộc Vinashin chưa được quyết toán nhưng đã đưa vào sử dụng và trích khấu hao. Hiệu suất sử dụng tài sản thấp, chỉ đạt 20-30%. Nhiều trang thiết bị không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm của công ty rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng: nếu Chính phủ kiên quyết cho nó phá sản ngay từ khi nó còn thuộc Vinashin thì chúng ta đã cắt được lỗ và ngân sách không phải bù lỗ lớn như bây giờ. Hơn nữa, PVN sẽ không phải chịu hậu quả suốt 7 năm qua (cả về tài chính lẫn uy tín) từ sự đổ vỡ của Vinashin….

Trần Thị Sánh