Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tổ chức Công đoàn đã tích cực vào cuộc tham mưu, đề xuất và triển khai hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động. Để hiểu thêm về các chính sách đã và đang hỗ trợ tới người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.
PV: Thưa ông, trong tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định việc triển khai thực hiện chính sách tới các đối tượng. Từ góc độ của tổ chức đại diện người lao động, ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ lần này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trong bối cảnh cả thế giới đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch, đặc biệt khi nguồn lực Quốc gia còn nhiều khó khăn vì cả nước đang nỗ lực căng mình để tiếp tục chống dịch, việc ban hành gói hỗ trợ tới các đối tượng theo Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là sự nỗ lực, quan tâm rất lớn từ Đảng, Nhà nước.
Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành là kết quả của việc lắng nghe ý kiến nhiều bên, trong đó có ý kiến đóng góp của tổ chức Công đoàn. Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, cũng như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lắng nghe và rút kinh nghiệm từ việc chưa thành công của triển khai những gói hỗ trợ trước.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cùng với tổ chức Công đoàn về cơ sở, lắng nghe ý kiến từ người lao động. Từ đó, chúng ta đã có chính sách cụ thể được ban hành và quy định rất rõ trong Nghị quyết số 68-NQ/CP.
Có thể khẳng định, ưu điểm lớn nhất của gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68-NQ/CP có độ rộng về diện bao phủ, phủ kín các đối tượng chịu ảnh hưởng; công bằng về chính sách với từng đối tượng và mức độ khó khăn; và đặc biệt là gọn nhẹ về mặt thủ tục hành chính.
Theo đó, điều kiện tiếp cận của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch gặp nhiều khó khăn đã được xét tới theo hướng đảm bảo đơn giản hóa thủ tục trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ ở mức độ cần thiết để tránh việc trục lợi chính sách.
Và điều quan trọng nhất của gói hỗ trợ là tiếp cận chính sách ở hướng làm thế nào đem lại lợi ích cho sự hỗ trợ các đối tượng khó khăn khác nhau, nhưng đảm bảo khi đi vào cuộc sống, vừa giải quyết được những vấn đề về an sinh xã hội, nhu cầu hỗ trợ cấp bách của người lao động và người sử dụng lao động, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn tài chính này đến được với người lao động, không bị thất thoát, không bị trục lợi.
Tôi cho rằng gói hỗ trợ này rất phù hợp với thực tế, chắc chắn sẽ đi vào đời sống. Chính sách đã có, vấn đề hiện nay là khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương. Các địa phương cần phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị tại cơ sở, chính quyền, đoàn thể trong quá trình thực hiện, thể hiện trách nhiệm, sự sáng tạo, huy động được sự vào cuộc của các bên như doanh nghiệp, ngân hàng… chúng ta sẽ thực hiện được thắng lợi “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội, vừa thúc đẩy sản xuất phát triển.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (bên phải) trao quà cho đoàn viên tỉnh Hưng Yên.
PV: Được biết, cùng với gói hỗ trợ của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành những chính sách hỗ trợ cụ thể tới người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó đối tượng là lao động nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ được đặc biệt quan tâm. Xin ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự hỗ trợ này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là đối với công nhân lao động tại Khu Công nghiệp và chế xuất, cùng với những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức ổn định sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho người lao động; triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thăm, động viên người lao động…
Theo đó, tổ chức Công đoàn các cấp đã hỗ trợ cho hàng trăm nghìn người lao động được thụ hưởng với các mức khác nhau, từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng. Gói hỗ trợ này đã giúp công nhân lao động vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn, đó là thời gian bị phong tỏa, cách ly.Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021. Đây là chủ trương kịp thời, hiệu quả, góp phần san sẻ những khó khăn của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đặc biệt, trong đợt hỗ trợ lần này, tại Nghị quyết số 68-NQ/CP cũng như Quyết định hỗ trợ của Tổng Liên đoàn đều đặc biệt quan tâm đến đối tượng là lao động đang có thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.
Cụ thể, theo Nghị quyết số 68-NQ/CP, người lao động nằm trong đối tượng hỗ trợ, nếu đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi.
Tại Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ, cũng như các chủ trương hỗ trợ của mình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều lưu ý, lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ sẽ được hưởng hỗ trợ ở mức tối đa. Ngoài ra, các cấp Công đoàn còn kêu gọi, huy động thêm các nguồn lực từ xã hội để ưu tiên hỗ trợ lao động có thai, nuôi con nhỏ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý, các cấp Công đoàn phải quan tâm để các doanh nghiệp bố trí việc làm với điều kiện phù hợp với các đối tượng người lao động đang có thai, nuôi con nhỏ, đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến tâm lý của người mẹ – lao động nữ trong giai đoạn khó khăn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 3 đợt bùng phát dịch, đã có trên 255 nghìn đoàn viên, người lao động được hỗ trợ với tổng số kinh phí là hơn 176 tỷ đồng. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn đã tích cực vận động từ các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho đoàn viên, người lao động với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Các cấp công đoàn đã linh hoạt, sáng tạo với nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu quả, như Tổ An toàn Covid-19 tại cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng… Đồng thời, Tổng Liên đoàn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước làn sóng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư, để kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng Liên đoàn đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 với tổng số tiền trên 113 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ 193.248 đoàn viên, người lao động với số tiền 96,137 tỷ đồng, chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch 17,127 tỷ đồng.
Theo congdoan.vn