04/04/2017 10:28:41

Đón dòng khí đầu tiên tại GPP Cà Mau

Tháng 3-2017 đã ghi dấu vào lịch sử phát triển của ngành công nghiệp khí một sự kiện quan trọng là đón dòng khí đầu tiên của Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau (GPP Cà Mau) an toàn và thành công.  

“Trực chiến” ngày đêm

Những ngày đầu năm 2017, mà đặc biệt khi bước vào tháng 3, Cà Mau cùng miền Tây Nam Bộ bước vào đỉnh điểm mùa khô. Cái nắng U Minh oi bức đến gần 40oC và những luồng gió chướng ào tới như cháy da, cháy thịt. Nhưng mặc nắng gió, mặc dưới chân là cát đụn cát nóng bỏng, đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư, công nhân viên Công ty Khí Cà Mau (KCM), Ban Quản lý Dự án GPP Cà Mau (BCM), các đơn vị liên quan trong Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và các đối tác của dự án vẫn làm việc hăng say, nhiệt huyết trên công trường.

Trước thời điểm đón dòng khí đầu tiên vài ngày, không khí làm việc tại công trường càng thêm khẩn trương. Mọi công tác chuẩn bị được các bên: BCM, Tổng thầu POSCO Engineering (PEN) – PTSC cùng “trực chiến” ngày đêm để cuộc đón dòng khí đầu tiên diễn ra an toàn và thành công.

Quá trình chuẩn bị đón dòng khí đầu tiên được tổ chức hết sức kỹ lưỡng và hoàn thành ở nhiều hạng mục quan trọng như: Hoàn thành tiến độ lắp đặt cơ khí, xây dựng; Kiểm định độ rò rỉ hệ thống công nghệ bằng khí nitơ, khắc phục các điểm rò rỉ, hoàn thành đạt khá về yêu cầu tiến độ; Kiểm tra chức năng các hệ thống chuyên môn khác nhau như: phòng cháy chữa cháy (PCCC), hệ thống đóng ngắt khẩn cấp; Hoàn thành chạy thử các hệ thống phụ trợ, cứu hỏa; Tiếp tục chạy thử hệ thống xử lý nước thải của nhà máy.

don dong khi dau tien tai gpp ca mau

Vận hành thử hệ thống cứu hỏa nhà máy

Song song đó, nhà thầu PEN/UOP cũng khẩn trương khắc phục, xử lý các điểm tồn tại trong quá trình lắp đặt, thi công; Hoàn thành phê duyệt phương án PCCC cho dự án trong giai đoạn khởi động, chạy thử; Hoàn thành phê duyệt quy trình phối hợp các bên; Tổ chức diễn tập phương án PCCC trong thời gian chạy thử. Trong 2 ngày 6 và 7-2-2017, BCM phối hợp với Ban An toàn – Sức khỏe – Môi trường của PV GAS thực hiện kiểm tra đánh giá điều kiện an toàn trước khi đón dòng khí đầu tiên và xác định đạt tiêu chuẩn triển khai.

Tuy nhiên, với đặc điểm của ngành công nghiệp khí nhiều nguy cơ cháy nổ, công tác an toàn vẫn phải đưa lên hàng đầu, không được phép để xảy ra sai sót, công tác này được các cơ quan, ban, ngành liên quan kiểm tra hết sức kỹ lưỡng. Ngày 28-2-2017, Đoàn công tác Cục Cảnh sát PCCC – Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) và Cảnh sát PCCC tỉnh Cà Mau đã đến kiểm tra và nghiệm thu công tác PCCC-CNCH của dự án để đảm bảo công tác nhận khí và vận hành diễn ra an toàn, ngay cả giai đoạn vận hành thử. Sau kiểm tra, Đoàn đã thống nhất nghiệm thu toàn bộ hệ thống PCCC-CNCH của nhà máy với những đánh giá tốt cho một công trình cấp quốc gia. Đây là một trong các điều kiện tiên quyết cho phép tiến hành nhận khí và vận hành chạy thử, hướng đến vận hành liên tục nhà máy.

Sẵn sàng tiếp nhận

Vào 9 giờ 12 phút ngày 13-3-2017, Nhà máy GPP Cà Mau đã chính thức đón nhận dòng khí đầu tiên thành công và an toàn.

Tiến độ từ khi đón dòng khí đầu tiên đến khi hoàn thành chạy thử nghiệm thu dự kiến là 3 tháng, sau đó sẽ chạy kiểm tra độ tin cậy 1 tháng. Toàn thể đội ngũ kỹ sư, chuyên gia dự án, cùng tập thể KCM đang dốc toàn lực cho những dấu mốc quan trọng tiếp theo của dự án để công trình sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, vì mục đích đảm bảo sẵn sàng và an toàn cho việc tiếp nhận và vận hành GPP Cà Mau, KCM đã chủ động với tư cách là đơn vị tiếp nhận công trình, xây dựng danh mục và kế hoạch chi tiết để hoàn thiện các quy trình – quy định cho GPP Cà Mau, bao gồm 93 quy trình vận hành, phối hợp, kiểm soát; 50 quy trình bảo dưỡng sửa chữa định kỳ 1 tháng, 3 tháng. Đồng thời, KCM cũng đã hoàn thiện cập nhật quy trình phối hợp 4 bên Khí – Điện – Đạm – A0 để cùng phê duyệt và triển khai, khẳng định sức mạnh tập thể, thống nhất trong hành động hằng ngày, hằng giờ. KCM cũng chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch quản lý khai thác cầu cảng và xây dựng quy trình với Công ty Kinh doanh Khí trong việc xuất sản phẩm.

Đánh giá trước về việc sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng khi nguồn điện lưới không bảo đảm, có thể gây dừng hoạt động đột ngột GPP Cà Mau khi đang vận hành, gây thiệt hại lớn cho các bên, KCM đã thống nhất cùng Công ty Điện lực Cà Mau triển khai các kế hoạch, giải pháp chi tiết, nhằm đảm bảo cấp điện liên tục, chất lượng và tin cậy nhất cho công trình trong giai đoạn đón khí cũng như sau này.

Nhận thức rằng những người sẽ ngày đêm vận hành liên tục 24/24 giờ nhà máy chính là lực lượng cần được quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. KCM đã cử 16 kỹ sư tham gia cùng PEN trong giai đoạn đón khí và chạy thử. Quá trình làm việc trực tiếp cùng các chuyên gia của PEN/UOP ngay từ giai đoạn sơ khai này sẽ giúp KCM nắm vững hệ thống để phục vụ cho việc bảo dưỡng sửa chữa, xử lý sự cố cũng như tích lũy kinh nghiệm vận hành.

Để chủ động, vững vàng tiếp nhận nhà máy, KCM đã xây dựng lực lượng cho nhà máy với hơn 100 CBCNV từ hơn 1 năm nay, với những chương trình tuyển lựa, huấn luyện, thực tập kỹ lưỡng và chuyên nghiệp. Đặc biệt là công tác đào tạo công nghệ cho lực lượng vận hành. Tính đến hết tháng 2-2017, việc đào tạo thực hành đã đạt 60/70 khóa học. Khóa đào tạo công nghệ bản quyền của UOP cũng diễn ra từ 6 đến 13-3-2017. Bên cạnh đó, các phòng, bộ phận KCM tổ chức nhiều cuộc hội thảo phối hợp, đề ra nhiều tình huống thực tế để chủ động tiếp nhận GPP Cà Mau. KCM chia sẻ kinh nghiệm vận hành với Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT), kinh nghiệm bảo dưỡng sửa chữa với DVK, kinh nghiệm chuyển giao dự án với NCSP…

Cụ thể, KCM đã tổ chức hội thảo nội bộ đánh giá các rủi ro khi GPP Cà Mau đi vào vận hành để đề nghị BCM, nhà thầu xem xét thiết kế, cùng đưa ra các phương án kiểm soát vận hành, dự kiến phương án cải hoán, phương án phối hợp với các bên… Gần đây nhất, một cuộc hội thảo lớn cũng được tổ chức, tổng hợp khá nhiều nội dung cần thiết như: Rà soát, đề xuất giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật và công nghệ phát sinh của nhà máy; Phương án phối hợp trong thời gian đón khí, vận hành thử nhà máy; Quy chế phối hợp và phân định trách nhiệm giữa các bên khi GPP Cà Mau đi vào hoạt động; Công tác quản lý kho, phương án bố trí các vật tư của GPP; Chuẩn bị cho việc tiếp nhận các vật tư dự phòng từ BCM; Công tác nhập liệu phần mềm Quản lý Maximo cho GPP Cà Mau; Quản lý an ninh, nội quy khi vào khu vực nhà máy…

GPP Cà Mau được xây dựng sát Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với 100% vốn đầu tư từ PV GAS. Việc xây dựng GPP Cà Mau là một phần trong Chiến lược Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2025. Dự án bao gồm việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng.

Công trình sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giúp PV GAS thực hiện đúng mục tiêu chiến lược, đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí trên toàn quốc và phát triển ra thị trường quốc tế; nâng cao giá trị của khí tự nhiên từ cụm mỏ PM3-CAA; góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt LPG tại thị trường Việt Nam, giảm lượng LPG phải nhập khẩu hằng năm; đóng góp thêm cho ngân sách địa phương.

Duy Trung