20/09/2024 5:46:55

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng

Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động có vai trò quan trọng đối với việc góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Ý nghĩa của hoạt động tuyên truyền, vận động này còn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tích cực lao động, học tập và công tác, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Bài viết này tập trung phân tích đổi mới công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Phải làm cho công nhân lao động thấm nhuần sâu sắc hệ tư tưởng giai cấp công nhân

Tuyên truyền là một trong ba chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được hiến định. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) đã kế thừa, bổ sung, điều chỉnh chức năng tuyên truyền theo hướng chuyển từ “giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động…” sang “Tuyên truyền, vận động người lao động”(1). Yêu cầu này đặt ra sự thay đổi căn bản nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, vận động là để người lao động “… Học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Các cấp Công đoàn Long An tuyên truyền về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: An Nhiên.

Bên cạnh đó, tuyên truyền phải làm cho công nhân lao động thấm nhuần sâu sắc hệ tư tưởng giai cấp công nhân, nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nắm vững, hiểu biết sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống của dân tộc, truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ đó, giúp công nhân có hành động tự giác, tự mình trở thành giai cấp tiên phong, tạo ra khả năng lôi cuốn mọi giai tầng trong xã hội tham gia các phong trào cách mạng do công nhân làm nòng cốt.

Quan điểm đổi mới công tác tuyên truyền được xác định xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam. Trong đó phải kể đến Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định nhiệm vụ đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Nghị quyết xác định mục tiêu của đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến là “để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn các công ước quốc tế liên quan đến lao động, công đoàn” và “để người lao động nâng cao hiểu biết, tự nguyện tham gia, thành lập, xây dựng công đoàn ở cơ sở, người sử dụng lao động bảo đảm quyền của người lao động được tham gia và hoạt động trong tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp”.

Công tác truyền thông về tổ chức Công đoàn có bước chuyển tích cực

Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác tuyên truyền của tổ chức công đoàn có nhiều đổi mới. Nội dung tuyên truyền bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình công tác của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam để cập nhật, phổ biến thông tin, tuyên truyền tới hàng chục triệu lượt đoàn viên, CNVCLĐ mỗi năm.

Việc tuyên truyền, vận động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. Các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”; thực hiện công thức 1/1, vận động người sử dụng lao động bỏ ra 1 giờ trong giờ làm việc để CNLĐ được học tập vẫn trả nguyên lương, CNLĐ bỏ ra 1 giờ nghỉ của cá nhân để học tập…

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Diễn đàn “Cảm ơn người lao động và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn cơ sở” do Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào dịp Tháng Công nhân. Ảnh: Trường Sơn.

Hoạt động tuyên truyền nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước, của công đoàn được tổ chức quy mô, ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 được cụ thể hóa thành tiêu chí cho các nhóm đối tượng để triển khai thực hiện trong các cấp công đoàn.

Việc bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng có nhiều sáng tạo, quan tâm đến hiệu ứng lan tỏa, đề cao sự tham gia, truyền cảm hứng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kết quả hưởng thụ lợi ích của số đông người lao động. Các đợt sinh hoạt chính trị được đổi mới về cách thức tổ chức để cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ hiểu sâu sắc, có tình cảm đúng đắn đối với những vấn đề cụ thể của đất nước, của Công đoàn.

Tiêu biểu là đợt sinh hoạt chính trị trực tuyến chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thu hút hơn 1,7 triệu lượt tham gia trả lời câu hỏi trắc nghiệm trong 3 tuần; hơn 4.000 sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội; gần 8 triệu lượt tiếp cận thông tin trên các nền tảng số; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trực tuyến chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam thu hút hơn 2 triệu lượt cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia.

Công tác truyền thông về tổ chức Công đoàn có bước chuyển tích cực, nhất là từ khi triển khai Chương trình số 01/CTr-TLĐ ngày 28/8/2020 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII về “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”. Năng lực triển khai công tác truyền thông của cán bộ công đoàn được nâng lên; việc đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông được chú trọng.

Nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động truyền thông có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, người lao động và xã hội, đã quan tâm mời một số văn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia các hoạt động truyền thông, góp phần quảng bá hình ảnh của tổ chức công đoàn, từng bước đẩy lùi thông tin xấu độc, xuyên tạc về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn.

Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số, đặc biệt là Internet và mạng xã hội; thiết lập quan hệ mật thiết, hợp tác với các cơ quan văn hóa, thông tin, báo chí thời gian qua đã giúp cho sự chỉ đạo, định hướng nội dung, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ các giá trị truyền thống và cốt lõi của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Công tác tuyên truyền trên mạng xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao về chất lượng, tiếp cận tới đông đảo đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ. Các phương tiện thông tin cơ sở rất đa dạng và phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc, vừa thúc đẩy truyền thông bên ngoài, vừa củng cố truyền thông nội bộ như app thông tin, hệ thống trình báo nội bộ, bản tin (hình ảnh và giọng nói), loa truyền thanh…

Một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền

Trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, dân chủ xã hội tiếp tục được mở rộng, dân trí không ngừng nâng cao, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với công tác tuyên truyền.

Một là, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức công đoàn. Thực tiễn ở nước ta đang có những thay đổi rất nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng.

Nếu không đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động công nhân, lao động, nhất là công nhân, lao động ở khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thì không thể có bước tiến căn bản trong công tác quan trọng này.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước hết cần có quy hoạch công tác tuyên truyền cả về cơ cấu nhân sự, nguồn lực, kênh, thông điệp. Tiếp đó cần đưa các cách làm mới, sử dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ truyền thông. Các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện nay rất nhiều loại có thể sử dụng miễn phí nhưng cần đào tạo con người để có thể sử dụng được các công cụ này.

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức vòng sơ khảo Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô. Ảnh: Ngọc Ánh.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến người lao động, tổ chức công đoàn, góp phần củng cố và nâng cao nhận thức về giai cấp công nhân, về Đảng, về Công đoàn, năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Tập trung đầu tư xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền, chủ động định hướng, lan tỏa trong đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đoàn viên, người lao động theo hướng thiết thực, dễ tiếp cận, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Sử dụng hiệu quả lực lượng tuyên truyền viên, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, góp phần tăng cường sự đồng thuận, củng cố niềm tin, niềm tự hào của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. Công nhân lao động trong các doanh nghiệp hiện nay có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm đa số nên cách tiếp cận thông tin tương đối phổ biến là thông phương tiện mạng xã hội. Để thông tin đến được với họ nhất thiết phải truyền thông trên những kênh này như Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok…

Ba là, thực hiện có hiệu quả Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028”. Tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong và ngoài Công đoàn, sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về hoạt động của Công đoàn Việt Nam; tập trung quảng bá, giới thiệu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đóng góp và những đổi mới của Công đoàn Việt Nam, bảo vệ các giá trị và truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam; phản ánh kịp thời đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, vận động nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, góp phần phát triển cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và đất nước.

Bốn là, để tuyên truyền, vận động tốt trước hết cần có đội ngũ thực hiện chuyên trách (toàn thời gian hoặc kiêm nhiệm) về công tác này ở mỗi cơ quan công đoàn. Đồng thời, phải có lực lượng cộng tác viên là cán bộ công đoàn có năng lực viết nội dung tuyên truyền trên nền tảng số, có khả năng thiết kế hình ảnh số hoặc video… Do đó, cần quan tâm công tác đào tạo nâng cao năng lực tuyên truyền, truyền thông cho cán bộ công đoàn thông qua các lớp chính quy, tập huấn bồi dưỡng chuyên đề. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác tuyên truyền của công đoàn cũng phải không ngừng tự học tập, tự rèn luyện và tự đào tạo.

Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn

https://laodongcongdoan.vn/doi-moi-cong-tac-tuyen-truyen-van-dong-gop-phan-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-106972.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo