09/02/2014 9:34:05

Đôi bàn tay vàng Nguyễn Huy Sơn: Không được ngủ quên trong giải thưởng

Mái tóc pha sương, nụ cười hiền lành, chân thành, thẳng thắn nhưng sâu sắc là điều tôi cảm nhận khi trò chuyện với anh Nguyễn Huy Sơn (công nhân bậc 6/6 – Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình khí) thuộc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, vừa nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhờ “đôi bàn tay vàng” với nhiều sáng kiến có giá trị ở Liên doanh Việt – Nga.

ũng như nhiều kỹ sư, công nhân khác, anh Nguyễn Huy Sơn từng học sửa chữa máy lọc dầu ở một nhà máy lọc dầu Tiệp Khắc. Năm 1988 anh về nước và sau đó nhận công tác ở Vietsovpetro. Giai đoạn này liên doanh phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách nên đời sống người lao động chưa khá hơn là mấy. Lương còn thấp, thu nhập chưa cao, nhiều bạn bè làm nghề tiện ở Sài Gòn có thu nhập khá hơn cứ bảo anh Sơn lên làm thợ tiện cho các xưởng thủ công của người Hoa ở Chợ Lớn. Tuy nhiên, có lẽ duyên nợ không dứt được, công tác ở Vietsovpetro tuy chưa lâu nhưng anh Sơn cho rằng, nơi đây có môi trường làm việc chuyên nghiệp, máy móc hiện đại và quan trọng hơn là đúng chuyên môn nên anh quyết định gắn bó sự nghiệp lâu dài.

Những năm 1989-2001 anh Nguyễn Huy Sơn làm ở Xí nghiệp Khoan, sau năm 1994 anh bắt đầu đi làm trên các công trình biển, đến 2001 thì chuyển sang Xí nghiệp Khí. Phải nói rằng, chuyển về Xí nghiệp Khí đã đánh dấu bước ngoặc lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của anh. Từ đây, anh có nhiều sáng kiến ra đời.

Anh Nguyễn Huy Sơn (đồng tác giả) với sáng kiến “Chế tạo bộ thử kín seal gas cho giàn CCP” trong năm 2013

Nói về các sáng kiến của mình, anh Sơn cho rằng: “Trước đây tôi làm thợ tiện, công việc đơn giản hơn nên chưa có dịp phát huy hết tính sáng tạo. Từ khi về công tác tại Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình khí thì tôi làm cả hai việc, tiện và nguội. Có thể nói, thợ nguội phải làm việc hầu hết các vị trí trên giàn như sửa chữa máy móc, từ máy bơm, đuốc, bơm dầu thải… được va chạm nhiều thiết bị máy móc cũng là dịp để chúng tôi phát huy tính tò mò, sáng tạo. Khi khắc phục được một khuyết điểm nào đó cũng tạo hưng phấn cho mình làm việc rất tốt. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người công nhân”. Nghe thì đơn giản nhưng để có một sáng kiến giá trị được Hội đồng Khoa học Liên doanh thông qua thì không hề dễ dàng chút nào. Sáng kiến của người lao động phải tuân thủ đúng quy trình chuẩn ISO 2001.

Khen thì anh cứ bảo rằng, sáng kiến là kết quả của cả tập thể chứ không chỉ riêng ai. Chúng tôi là người phát hiện, sáng tạo nhưng phải được sự ủng hộ, thông qua của các cấp lãnh đạo mới được công bố. “Đối với tôi, sáng kiến nào cũng tâm đắc cả vì quan niệm rằng, miễn sao các sáng kiến giúp ích cho anh em đỡ vất vả, giảm tai nạn lao động, tiết kiệm thời gian, có khi tiết kiệm được 1-2 ngày công và nhân lực cho công nhân để anh em có chút thời gian nghỉ ngơi là mừng rồi. Vì công việc của chúng tôi không những vất vả mà còn nguy hiểm nữa”.

Anh ví mình như một chú ong thợ cần mẫn sửa chữa những khuyết điểm chưa hoàn hảo trong công trình dầu khí khi các bộ phận khác đã làm nên một “căn nhà” hoàn chỉnh. Nghe anh kể về những sáng kiến một cách say sưa, không vấp váp để thấy rằng anh đã tận tụy và cần mẫn với công việc như thế nào. Tôi cứ ấn tượng với sáng kiến chế xe đẩy kéo mặt chặn của anh. Từ khi có sáng kiến này đã giúp Xí nghiệp Khí tiết kiệm rất nhiều sức cho người lao động.

Sau khi sáng kiến được áp dụng thì một người có thể di chuyển tấm sắt 87 ký thay vì trước đây phải cần từ 3 đến 4 người. Xét về giá trị kinh tế thì không cao nhưng chính nó đã đem lại sự an toàn cho người lao động, không gây chấn thương lưng, chân, tay và không làm dừng các tổ máy xung quanh khi đang hoạt động. Vì theo nguyên tắc hoạt động trong một ngày một đêm một tổ máy đẩy 1,5 triệu m3 khí vào bờ, nên nếu chỉ dừng vài giờ là đã có thiệt hại nhiều về kinh tế.

“Từ sau sáng kiến này, nhiều anh em làm việc thoải mái, hưng phấn hơn” – anh Sơn cho biết thêm. Bên cạnh đó, anh cũng là tác giả của sáng kiến “Mài piston”. Nếu trước đây cứ 3-6 tháng thì hỏng một cái piston, kèm theo vô số phụ kiện cần thay với giá không hề rẻ lên đến mười mấy ngàn đôla một bộ. Mà mỗi máy bơm có 3 cái như thế. Thấy sự bất cập như vậy, anh Sơn cùng đồng nghiệp đưa ra phương án không vứt những piston bị hỏng mà tận dụng bằng phương pháp mài trên máy tiện, mài piston nhỏ hơn đường kính cũ là 0,15ml, hạ vòng đệm… đồng đều với khe hở theo thiết kế. Sau khi sử dụng phương án này trong khoảng 3 năm, Xí nghiệp Khí không nhập thêm piston mới, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho hoạt động sản xuất.

Anh Nguyễn Huy Sơn (người đứng giữa) cùng các công nhân trên giàn khoan

Bao nhiêu lần có dịp gặp, trò chuyện với các cấp lãnh đạo của đơn vị cũng như đội ngũ người lao động, chúng tôi biết rằng, Vietsovpetro là mảnh đất màu mỡ của hoạt động sáng kiến – sáng chế và nghiên cứu khoa học. Và là một trong những đơn vị có hoạt động sáng kiến – sáng chế mạnh nhất trong Tập đoàn. Có lẽ chính nhờ thành tích nổi bật cùng sự hỗ trợ, động viên thường xuyên của các cấp lãnh đạo, tổ chức công đoàn cũng là sự thúc đẩy lớn đối với người lao động trong sáng tạo và cống hiến. Anh Sơn cho đó là một lợi thế rất lớn của người lao động ở liên doanh.

Anh cho biết thêm: “Ở Xí nghiệp Khí, từ cấp lãnh đạo đến các phòng, ban đều rất quan tâm đến hoạt động sáng kiến – sáng chế. Giám đốc Xí nghiệp Khí ông Cao Tùng Sơn trước đây, nay là Phó tổng giám đốc Vietsovpetro phụ trách về khoa học và công nghệ hay Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa đều rất ủng hộ. Có thể nói, ban lãnh đạo của xí nghiệp đã hỗ trợ tối đa về kiến thức vì chúng tôi không phải kỹ sư mà là những người làm việc rất cần cù, chăm chỉ, không kể ngày đêm. Nhiều khi chưa xong việc thì ăn không ngon, ngủ không yên. Do đó, nếu lãnh đạo không động viên, khuyến khích, hỗ trợ thì người công nhân dễ nản chí. Vì trong quá trình sản xuất vẫn có nhiều việc phát sinh hay trên công trình gặp khó khăn thì phải tìm tòi suy nghĩ để khắc phục, nếu không chúng tôi là những người vất vả đầu tiên”.

Anh Sơn cũng như nhiều người lao động được tuyên dương ở liên doanh là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Nên khi nói về kinh nghiệm giữ lửa trong nghề để thế hệ trẻ học hỏi thì anh Sơn cũng chân thành chia sẻ: “Có nhiều anh em bây giờ dù là kỹ sư cũng chưa thể biết hết những sự cố hư hỏng của máy móc, thiết bị. Nên đôi lúc, trong công việc, các thế hệ đi trước phải kèm cặp các bạn trẻ từ những việc cơ bản nhất như đứng cưa, đặt cái giũa lên, giũa phẳng, tay phải để sao cho phù hợp…”. Và anh vẫn khẳng định một điều rằng, muốn giỏi thì phải lăn xả vào công việc.

Nhận được giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2013, anh Sơn cho rằng, đó là vinh dự nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề: “Chúng tôi không được ngủ quên trong giải thưởng mà phải tiếp tục làm việc, tìm tòi và sáng tạo hơn nữa”. Chia tay anh, vẫn còn đó ấn tượng nụ cười hiền hậu với mái tóc pha sương của một người gần 30 năm gắn bó với nghề, với những công trình dầu khí nhưng trong anh vẫn còn một bầu nhiệt huyết cống hiến, sáng tạo. Đó đúng là chất của những người đi tìm lửa hôm nay.

Năng lượng Mới số 294