Không có phát triển. Ở phương Tây, người ta nhìn đời theo quy luật con lắc, hết tả sang hữu, hết hữu sang tả, lâu dần định lại ở giữa, thế cũng là xong một chu kỳ để rồi bắt đầu chu kỳ khác, đôi khi có chiến tranh đi kèm, mà người ta bảo là ở cấp độ phát triển cao hơn.
Tại Việt Nam hiện đại, câu chuyện doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân nên được bắt đầu xem xét từ khoảng 1956, hơn nửa thế kỷ trước. Khởi điểm là một hệ thống những doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, được dựng lên từ những doanh nhân Việt Nam có ước muốn đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của một xã hội vốn bị cô lập với những nguồn cung cấp chính từ châu Âu trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Và cạnh đó là một hệ thống doanh nghiệp khác, cũng nhỏ bé nhưng lớn hơn một chút của người Pháp, chủ yếu để đáp ứng những nhu cầu của chính quyền thuộc địa cũng như để khai thác một số lợi thế của thuộc địa. Những doanh nghiệp này cùng tồn tại tạo nên nền kinh tế thuộc địa.
Hai năm sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, 1954-1956, hệ thống doanh nghiệp của Pháp đã được mua lại hoặc quốc hữu hoá, còn từ năm 1957 trở đi, hệ thống doanh nghiệp nhỏ Việt Nam hoặc được công tư hợp doanh, một hình thức quốc hữu hoá chậm trong khi chưa có đủ năng lực để quản lý nó, hoặc chuyển thành các hợp tác xã, một hình thức doanh nghiệp cấp thấp nơi vai trò của tập thể lớn hơn để đảm bảo hạn chế được tình trạng tư hữu tư liệu sản xuất và bóc lột người lao động, theo đúng những luận điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin và được những người cánh tả ủng hộ. Hệ thống này lên đến đỉnh cao tràn đầy sinh khí vào năm 1961, lúc nhà thơ Tố Hữu viết những vần thơ chói chang:
Chào 61 đỉnh cao muôn trượng.
Kết quả của những thay đổi này là thế nào từ góc độ kinh tế? Rất khó trả lời một cách xác quyết vì cuộc chiến tranh quá lớn đã loại bỏ đi hiệu quả toàn bộ các quy luật kinh tế, cả kế hoạch hoá của ông Lê Thanh Nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước lúc đó, lẫn khoán chui của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú. Hết chiến tranh Việt Nam chỉ còn toàn những người nghèo và những người ít nghèo hơn.
Khoảng 20 năm sau, quá trình đó được bắt đầu lại ở miền nam Việt Nam, sau khi chế độ Việt Nam Cộng hoà bị đánh đổ và nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ra đời.. Nền kinh tế về cơ bản đã được quốc hữu hoá và hợp tác hoá, thị trường bị thủ tiêu, hàng hoá được ngăn sông cấm chợ để phân phối theo kế hoạch. Các doanh nghiệp nhà nước và các hợp tác xã chịu trách nhiệm đảm bảo sự phát triển của đất nước. Còn 5% ruộng đất và chợ đen đảm bảo một phần đáng kể cho các nhu cầu đời sống thiết yếu của người dân. Doanh nghiệp tư nhân là đối tượng để các doanh nghiệp nhà nước cải tạo và quốc hữu hoá, là nguyên nhân được quy cho phải chịu trách nhiệm về những khó khăn kinh tế của đất nước thời hậu chiến.
Sau 10 năm vận hành, sự vắng bóng của hệ thống doanh nghiệp tư nhân đã đưa Việt Nam hiện đại vào cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ nhất. Cuộc đổi tiền năm 1985, lần thứ ba sau cuộc đổi tiền 1958 và 1978, đã dần đưa cuộc khủng hoảng đến đỉnh điểm: lạm phát hàng năm có khi lên tới 774,79% năm 1986. Những ý tưởng cải cách nền kinh tế theo mô hình NEP của Liên Xô những năm 1920, cho phép những doanh nghiệp tư nhân tạm thời tồn tại để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế nhà nước, được bàn dến nhiều từ những năm 1979 nay bỗng vụt trở nên lạc hậu. Đơn giản là vì sau những gì đã có ở miền Bắc Việt Nam trước chiến tranh và sự lặp lại ở miền Nam sau đó, rất ít người nay muốn tham gia vào phát triển các doanh nghiệp tư nhân nếu đó chỉ là sự cho phép tạm thời.
Chính sách Đổi mới ra đời vào tháng 12 năm 1986 đã đưa đến những thay đổi quyết liệt: khoán 10 ở nông thôn và sự cho phép xuất hiện nền kinh tế nhiều thành phần. Hiến pháp 1992 ra đời, sau Hiến pháp 1959 và 1982 vốn định hướng rất rõ cho nền sản xuất dựa trên công hữu đất đai và tư liệu sản xuất, khẳng định mạnh mẽ xu hướng mới này. Đỉnh cao là sự thông qua luật doanh nghiệp vào những năm cuối của thế kỷ 20 đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho hệ thống các doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu hình thành nên 500.000 doanh nghiệp tư nhân trong khoảng 10 năm đã được đặt ra là một bước nhảy vọt do Luật Doanh nghiệp ra đời tạo nên.
Nét đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là tồn tại một hệ thống, về cơ bản, theo ba loại hình doanh nghiệp: các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp về hình thức là tư nhân nhưng thực chất là nhà nước hay tồn tại được chính là nhờ các đơn đặt hàng của nhà nước. Sự hợp tác công tư lúc này tỏ ra rất chặt chẽ và tâm trạng xã hội nghiêng về hướng cho rằng doanh nghiệp tư nhân là một loại hình rất tốt để cả xã hội theo đuổi.
Kết quả của sự liên kết mới đó là rất tích cực. Lạm phát phi mã đã được khống chế một cách rất hiệu quả ngay trong 10 năm đầu sau đổi mới. Trong 10 năm sau đó, lạm phát cũng ở mức rất thấp, khoảng 3-4% một năm trong khi tốc độ phát triển GDP khá cao: từ 6 đến 9% hàng năm và thu nhập của người lao động cũng tăng nhanh.
Năm 2006 bắt đầu một thời kỳ mới trong định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu gia tăng GDP nhanh đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng các khoản đầu tư rất lớn cho các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước đã tiếp tục thu hút phần lớn lượng đầu tư của nhà nước cùng những ưu đãi không hề suy giảm so với thời kỳ trước kia. Trong khi đó, sự lớn mạnh vượt bậc của các nhóm lợi ích làm méo mó hẳn thị trường gây ra những hậu quả xấu cho các doanh nghiệp tư nhân.
Kết quả của việc doanh nghiệp tư nhân thiếu các sự ủng hộ của một cơ chế thị trường thực sự cũng như các cơ sở pháp lý cần thiết để được bình đẳng một cách phù hợp với các doanh nghiệp nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của cái tạm gọi là cuộc khủng hoảng thứ hai trong quá trình hiện đại hoá của Việt Nam: Tỷ lệ lạm phát trong các năm vừa qua đều cao hai con số trong đó 2008 và 2011 đều ở mức trên 20%.
Có thể thấy ở đây, Việt Nam trong khoảng 5 năm vừa qua có sự điều chỉnh khá rõ rệt trong sự phát triển kinh tế với sự tập trung nhiều hơn cho khu vực các doanh nghiệp nhà nước. Sự điều chỉnh theo hướng nhà nước nhiều hơn này, theo quy luật thông thường trong nền kinh tế thị trường sẽ mang lại những yếu tố tích cực cho sự phát triển của Việt Nam. Vấn đề ở đây là sự điều chỉnh này lại diễn ra trong một khung cảnh không phải là kinh tế thị trường, nên tác động của nó có thể không mang lại những kết quả như các nhà lập chính sách mong muốn. Thậm chí, nó có thể đẩy nhanh tốc độ và mức độ của khủng hoảng kinh tế.
Như vậy, những gì diễn ra trong khoảng nửa thế kỷ vừa qua của nền kinh tế Việt Nam cho thấy có hai quá trình cần được lưu ý tới: Thứ nhất, quá trình thừa nhận các doanh nghiệp tư nhân bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước trong các hoạt động kinh tế cần phải được tiếp tục không phải chỉ bằng những phát ngôn, mà cần phải bằng các hành động thực tế, nhất là trong việc xử lý mối quan hệ lợi ích giữa các doanh nghiệp nhà nước với các cơ quan chủ quản. Chừng nào sự bình đẳng còn chưa có, thì sự hợp tác công tư khó có thể đem lại những yếu tố tích cực mà thậm chí sự hợp tác đó có thể mang lại sự kích thích cho các khó khăn kinh tế, khi mà nhiều doanh nghiệp tư nhân chỉ là các sân sau, các công cụ giải ngân cần thiết cho các doanh nghiệp nhà nước.
Và thứ hai, cần phải giảm ngay vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước. Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, cái Việt Nam cần là phải cổ phần hoá và tư nhân hoá, càng nhiều càng tốt và càng nhanh càng tốt, các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn cực kỳ kém hiệu quả. Để trên nền các doanh nghiệp tư nhân mới đó, tạo dựng lại một nền kinh tế Việt Nam mới, bình thường theo lẽ tự nhiên và có thể quản lý được theo các nguyên lý thị trường định hướng XHCN.
Hy vọng rằng sau cuộc khủng hoảng này, Việt Nam sẽ thay đổi để dứt khoát đi theo con đường hiện đại hoá bình thường, như các quốc gia khác trong khối ASEAN đang theo đuổi. Chỉ trong các điều kiện đó mới có thể có được sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
TS. Đỗ Thị Vân Anh