Ngày đầu tiên đi làm, cũng là ngày đầu tiên bước chân vào cổng Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, khác với diện mạo ngày hôm nay, Nhà máy mới được hình thành, diện tích xây dựng còn nhỏ gọn, nhưng trong mắt tôi là cả một sự choáng ngợp, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào một công xưởng của châu Âu từng xem trên tivi với các ngọn tháp cao vút, tiếng máy nén ầm ì, hệ thống điều khiển tự động hóa…
Dinh Cố, ngày ấy…
Năm đó, từ miền Trung xa xôi, một chàng trai trẻ đầy bỡ ngỡ mạnh dạn khoác ba lô đến với miền đất mới: Vũng Tàu – thành phố dầu khí hứa hẹn nhiều điều mới lạ và thử thách.
Vũng Tàu trong mắt tôi lúc bấy giờ là một thành phố nhỏ, có nếp sống yên ả, êm đềm vắng vẻ như một thị trấn ven biển, các con đường nhỏ gập ghềnh sỏi đá, thỉnh thoảng mới thấy vài chiếc xe đạp thong thả lướt qua. Dân cư thưa thớt, các trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng lác đác. Ấn tượng nhất có lẽ là rừng dương trải dài tít tắp bờ biển Bãi Sau vi vu gió hát, hòa cùng tiếng sóng vỗ miên man đêm ngày. Đường Hạ Long khi ấy chỉ như một vệt mờ rất nhỏ nếu đứng từ trên cao nhìn xuống.
Khi có ý tưởng về việc dẫn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ tận dụng làm nguồn nhiên liệu quý, tôi đứng vào đội ngũ công nhân khí đầu tiên, được cử đi học lớp công nghệ chế biến khí để đón những dòng khí đồng hành đầu tiên vào bờ. Lớp học khá thú vị và cũng không dễ, vì tất cả các học viên đều lần đầu tiên tiếp cận với những kiến thức mới mẻ do các giảng viên địa chất trong nước truyền đạt. Chúng tôi được học về vận hành nhà máy khí hóa lỏng, những điều mà chúng tôi chưa từng nghe qua trước đó.
Anh Võ Công An – GPP Dinh Cố |
Ngày đầu tiên đi làm, cũng là ngày đầu tiên bước chân vào cổng Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố), khác với diện mạo ngày hôm nay, Nhà máy mới được hình thành, diện tích xây dựng còn nhỏ gọn, nhưng trong mắt tôi là cả một sự choáng ngợp, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào một công xưởng của châu Âu từng xem trên tivi với các ngọn tháp cao vút, tiếng máy nén ầm ì, hệ thống điều khiển tự động hóa… Chúng tôi cảm thấy dạt dào một niềm tự hào khi được là người chủ của công trình khí đáng ngưỡng mộ này, tất cả lập tức đề ra quyết tâm phải là những người chủ xứng đáng của nó.
Ngày mới đưa vào vận hành, trong nhà máy chế biến khí duy nhất và hiện đại nhất, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, tất cả đều mới mẻ và đầy thử thách. Cấu tạo thiết bị, nguyên lý vận hành, rồi vấn đề an toàn… mọi thứ từ sách vở tới thực tiễn là cả một con đường dài phải vượt qua. Có một điều thú vị mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in, đó là hệ thống loa phóng thanh nhà máy chiều nào cũng vang lên bài hát Chiếc gậy Trường Sơn: “Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi, luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui…”. Những câu hát đó đã trở thành kim chỉ nam trong công việc hằng ngày của chúng tôi.
Thời gian dần trôi qua, bao khó khăn, vất vả, bỡ ngỡ buổi ban đầu cũng dần qua đi bởi tinh thần “chỉ tiến không lui” ấy. Chúng tôi đã sát cánh bên nhau trong những đêm sự cố, tỉ mỉ vừa làm vừa học, vừa hướng dẫn chia sẻ với đồng nghiệp các bài học nghề tuy nhỏ mà cần thiết.
Hằng ngày, chúng tôi dầm mưa dãi nắng để tìm hiểu thiết bị nhằm nắm bắt càng nhanh càng tốt công nghệ mà nhà thầu nước ngoài chuyển giao. Cũng vì mới mẻ nên hồi đó, Nhà máy gặp rất nhiều sự cố, chuyện dừng hệ thống toàn Nhà máy xảy ra như cơm bữa bởi những lỗi rất nhỏ trong công tác vận hành hay bảo dưỡng sửa chữa… Cũng nhờ vậy, thế hệ chúng tôi gom góp được rất nhiều kinh nghiệm thực tế để áp dụng cho công việc sau này.
PV GAS lúc đó là công ty với các xí nghiệp nhỏ trực thuộc. Đến năm 2002, hệ thống trạm nén đầu vào được lắp đặt và vận hành, các công nghệ khai thác khí cũng phát triển mạnh, Nhà máy luôn hoạt động vượt công suất. Vậy là chúng tôi có thêm nhiều công việc phức tạp hơn phải giải quyết. Bước chân vào cổng GPP Dinh Cố, ai cũng ngỡ Nhà máy như chiếc đầu máy xe lửa đang hoạt động hết công suất, tiếng ầm ì của máy nén hầu như quanh năm, khẩn trương và nỗ lực. Không khí ở đây chỉ trở về yên tĩnh trong những ngày được dừng khí hoàn toàn để thực hiện các đợt bảo dưỡng sửa chữa lớn.
Kỷ niệm lớn nhất có lẽ là dịp bảo dưỡng toàn hệ thống năm 2005. Muốn khởi động lại Nhà máy thì hệ thống đuốc dẫn khí phải được vận hành ổn định trước. Bởi đây là hệ thống an toàn, nếu khí hydro carbon xả ra ngoài môi trường mà không được đốt triệt để sẽ gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng con người và an toàn thiết bị… Thế nhưng, hệ thống đánh lửa tự động lúc đó bị hỏng, không đánh lửa được và đuốc không thể cháy. Chỉ còn một cách duy nhất là trèo lên ngọn đuốc cao gần 80 mét vào thời điểm 1 giờ sáng để châm lên ngọn lửa niềm tin của cả hệ thống. Nhà thầu nước ngoài từ chối thực hiện vì công việc quá nguy hiểm. Thế nhưng, chúng tôi khẳng định là không có việc gì khó! Tôi xung phong ngay với quyết tâm của toàn đội, một mình trèo lên cùng các dụng cụ cần thiết trong sự lo lắng của mọi người. Cột đuốc cao 80 mét rung lắc dữ dội trong mùa gió chướng. Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Nỗi sợ mơ hồ chạy dọc sống lưng. Nhưng rồi, tiếng bộ đàm của lãnh đạo Nhà máy động viên như gần sát bên đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ trong tiếng reo hò vang dội của đồng nghiệp và nhà thầu nước ngoài. Cả hệ thống bước vào hoạt động khi tôi trở về trong vòng tay của đồng đội. Thật tuyệt vời! Một cảm xúc khó tả, không bao giờ tôi có thể quên!
… và hôm nay
Năm tháng trôi qua, bộ mặt của Nhà máy cũng thay đổi từng ngày. Khu nhà điều hành mới thành hình, cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhà ăn cho cán bộ công nhân viên. Hệ thống điều khiển, các hạng mục phụ trợ cũng được tăng cường, không gian của công trình năng lượng sạch trở nên đẹp hơn với những thảm cỏ và cây xanh, khuôn viên luôn khang trang và sạch sẽ. Đến với GPP Dinh Cố ngày hôm nay, khách tham quan có thể cảm nhận như bước vào một công viên tươi mát, không hề khó chịu bởi tiếng ồn.
Nhà máy của chúng tôi đã trở thành một điểm sáng đáng tự hào của toàn ngành Dầu khí. Chúng tôi thường xuyên được đón tiếp rất nhiều đoàn khách, từ lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đơn vị bạn, các địa phương, các tổ chức hội đoàn quần chúng cho đến lực lượng báo chí, học sinh, sinh viên… Ai cũng ngưỡng mộ công trình khí – đó thật sự là niềm vui của những người chủ Nhà máy lặng thầm.
Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố |
Nếu có ai đó hỏi ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi về PV GAS, tôi sẽ không chút do dự trả lời rằng: Đó chính là các thế hệ lãnh đạo và người lao động của toàn PV GAS. PV GAS lớn mạnh, trở thành Tổng Công ty dẫn đầu ngành Dầu khí Việt Nam như hiện nay, đời sống của CBCNV ngày càng cải thiện, là nhờ có những trăn trở, cố gắng vượt qua khó khăn, sự đoàn kết của cả một tập thể – những tấm gương về học tập, sự cần cù chăm chỉ, nỗ lực vượt khó, hỗ trợ đồng đội.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 20 năm như một cái chớp mắt. Một thế hệ “dò dẫm trên từng bước đi để vận hành Nhà máy” ngày nào giờ vẫn ngày đêm miệt mài với những đường trend lên xuống, với tiếng máy nén gầm gào, với từng đường ống, cái van, truyền lại kinh nghiệm và lòng yêu nghề cho các bạn trẻ tiếp tục làm chủ PV GAS. Công việc đã khác đi nhiều, càng ngày càng an toàn và hiệu quả, nhưng Nhà máy của chúng tôi vẫn tiếp tục là một trường học lớn, nơi đào tạo tổng thể những kiến thức thực hành về công nghệ, cơ khí, điện, tự động hóa, an toàn bảo hộ lao động… Từ “cái nôi” thực tiễn này, nhiều cán bộ cao cấp và đầy năng lực của PV GAS đã trưởng thành. Đó cũng là niềm tự hào ghi dấu trong những trang sử vàng của Nhà máy thân yêu.
Võ Công An – Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố