Lương tối thiểu vùng được xây dựng trên 5 căn cứ, hoán đổi tiêu chí nhu cầu sống tối thiểu, bóc tách các khoản khi trả lương, trả lương cho người được uỷ quyền hợp pháp…
Dự thảo Bộ luật Luật Lao động đang được lấy ý kiến, trong đó có nhiều quy định mới về tiền lương. Đáng lưu ý là 5 tiêu chí mới để xác định, điều chỉnh lương tối thiểu (LTT).
Về mức lương tối thiểu: Khoản 1 Điều 91 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định: Mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ. Thực tiễn thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua cho thấy việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng vì nhu cầu sống gồm cả nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần. Trong khi, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá rằng mức LTT vùng hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Quá trình soạn thảo, có ý kiến đề xuất: Sửa đổi quy định mức LTT theo hướng đảm bảo “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” và đề nghị bổ sung thêm các yếu tố xác định mức LTT vùng để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất. Do vậy, dự thảo Luật hiện đang thể hiện theo Phương án trên tại Điều 91, 92 và bổ sung một điều mới 92.
Dự thảo sửa đổi đã đưa ra khái niệm ngắn gọn hơn so với Luật hiện hành về LTT: “Mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường”.
Trong khi đó, khái niệm về LTT trong Luật Lao động 2012 (hiện hành), ngoài thông tin trên còn được bổ sung thêm nội dung: “phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.
Nội dung “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” đã được Dự thảo chuyển thành 1 trong 5 tiêu chí mới xác định, điều chỉnh LTT gồm: Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; Tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của NLĐ trên thị trường; Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; Quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; Năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham khảo ý kiến tổ chức của NLĐ tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và công bố công khai tại nơi làm việc. Về trả lương, Dự thảo quy định việc trả bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.
Mỗi lần trả lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ, gồm: Mức lương cơ bản; tiền trả làm thêm giờ và khoản tiền khác (nếu có); nội dung và tiền bị khấu trừ theo quy định tại của Bộ luật này.
Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:
Dự thảo quy định, NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%.
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%.
– Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.
Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.
NLĐ làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc được trả theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, NLĐ còn được trả thêm ít nhất bằng 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. Về nguyên tắc, NSDLĐ trả lương trực tiếp cho NLĐ. Trường hợp bất khả kháng mà không thể thực hiện trả lương trực tiếp, Dự thảo quy định NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
Trả lương thông qua người cai thầu
Dự thảo quy định: Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì NSDLĐ là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những NLĐ làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân theo quy định của pháp luật về trả lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho NLĐ, thì NSDLĐ là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho NLĐ. Trong trường hợp này, NSDLĐ là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Tá (tổng hợp)