24/08/2021 10:44:17

Dịch Covid-19 tác động mạnh đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng

Trong những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nước ta và nhiều khu vực trên thế giới, tác động lớn đến hoạt động triển khai các dự án đầu tư xây dựng khi nhiều hoạt động bị gián đoạn, ngưng trệ, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao,… làm ảnh hưởng đến chi phí, tiến độ, tăng rủi ro cho các dự án.

Phát sinh nhiều rủi ro, phức tạp

Theo đó, với sự lây lan mạnh, trên diện rộng của dịch bệnh Covid-19, trong trường hợp tại các dự án, công trình xây dựng có công nhân, lao động bị nhiễm bệnh sẽ dẫn đến phải tạm dừng toàn bộ công việc. Hay nếu có trường hợp là F1, F2 phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà cũng tác động làm thiếu nhân lực, bị động trong triển khai công việc theo kế hoạch. Năng suất lao động thấp, phát sinh chi phí và làm chậm tiến độ của công việc, dự án.

Đặc biệt, trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở nước ta từ cuối tháng 4 đến nay, việc áp dụng giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước làm công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn bởi các biện pháp kiểm soát và hạn chế người ra vào các địa phương, gây khó khăn trong công tác điều động nhân sự của chủ đầu tư, các nhà thầu để triển khai dự án. Công tác xuất nhập khẩu, vận chuyển vật liệu, vật tư thiết bị cũng gặp khó khăn bởi các nhà cung cấp gặp trở ngại trong việc logistic về công trường, tăng giá cước vận tải và một số nhà máy phải đóng cửa tạm thời do dịch bệnh.

Ngành Dầu khí hiện đang triển khai nhiều dự án lớn

Ngành Dầu khí hiện đang triển khai nhiều dự án lớn

Bên cạnh đó, việc hạn chế di chuyển cũng như tiếp xúc của các cơ quan ban ngành địa phương làm cho việc nhập khẩu vật tư, thiết bị bị chậm hơn so với kế hoạch từ vài tuần đến vài tháng. Việc phối hợp và làm việc với các cơ quan nhà nước trong việc phê duyệt hồ sơ có liên quan (phòng cháy chữa cháy, an toàn môi trường, kết nối hạ tầng, điện nước, cũng như các dịch vụ tiện ích khác) hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì không thể tổ chức họp, trao đổi, giải trình,… dẫn đến còn nhiều tồn tại về việc cấp các giấy phép có liên quan (thẩm định PCCC, kết nối hạ tầng, đánh giá môi trường,…).

Ngoài ra, trong trường hợp cần điều động chuyên gia cho dự án cũng rất khó vì các yêu cầu cách ly, hạn chế các chuyến bay quốc tế và quy định phòng chống dịch tại Việt Nam cũng như tại các nước của các chuyên gia. Công tác đào tạo đội ngũ vận hành dự án cũng bị ảnh hưởng bởi việc cử người lao động đi nước ngoài để đào tạo gặp nhiều khó khăn vì các yêu cầu cách ly cũng như hạn chế về nhu cầu hàng không.

Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, nguy cơ đội vốn dự án

Bên cạnh nguy cơ chậm tiến độ, phát sinh chi phí do ảnh hưởng từ dịch bệnh, thời gian qua giá hầu hết các vật liệu xây dựng chủ yếu đều tăng cao, đặc biệt là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật thông thường đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư xây dựng, khiến các dự án đối mặt với nguy cơ đội vốn, các nhà thầu lâm vào cảnh thua lỗ.

Từ đầu năm đến nay, giá các loại thép trong nước đã tăng từ 45 – 50%. Các nhà thầu thi công phải chấp nhận mua hàng ở mức giá cao, hoặc phải cân nhắc tạm hoãn thi công, xây dựng để chờ giá cả hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá thép được dự báo không giảm quá mạnh vào cuối năm do nhu cầu vẫn cao và nguồn cung vẫn không đáp ứng nhu cầu.

Riêng Trung Quốc, trong các tháng cuối năm 2021 dự kiến sẽ cắt giảm đáng kể sản lượng thép nhằm đáp ứng mục tiêu giảm thải khí carbon. Chính vì vậy, từ 1/8 Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu đối với gang thép nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.

Theo Báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép và tôn mạ 2H21 được công bố bởi Công ty chứng khoán Mirae Asset, dự báo mặt bằng giá quặng sắt trong 6 tháng cuối năm 2021 sẽ duy trì ở mức trên 160 USD/tấn, cao hơn 70% mức giá quặng trung bình cùng kỳ năm trước.

Trong những tháng cuối năm, việc thiếu hụt các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt khiến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu quặng từ các nước khác. Do đó giá thép trong nước cũng sẽ biến động cùng chiều với diễn biến giá thép thế giới.

Ngành Dầu khí hiện đang triển khai nhiều dự án lớn

Giá thép tăng mạnh ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án

Trước tình hình đó, vừa qua Bộ Xây dựng đã có công văn 1545/BXD-KTXD về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng; Đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.

Có thể thấy, công tác triển khai xây dựng các dự án đang đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn từ đại dịch Covid-19 cũng như giá vật liệu xây dựng tăng cao. Bên cạnh những nỗ lực ứng phó của doanh nghiệp, rất cần có những giải pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các tác động tiêu cực do dịch bệnh và biến động bất thường của thị trường đến hoạt động của doanh nghiệp.

Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đang trong giai đoạn triển khai quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ các hạng mục trên đường găng để đảm bảo đạt được các mốc tiến độ, vận hành thương mại trong năm. Tuy nhiên, các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước và hiện nay đã tác động tiêu cực đến tình hình triển khai thi công, lắp đặt và chạy thử Nhà máy.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, việc huy động nhân lực, vật tư thiết bị cho thi công, lắp đặt và chạy thử gặp khó khăn. Đặc biệt là việc không thể huy động các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại dự án để thực hiện các khâu, các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Điều này đã dẫn đến tiến độ một số hạng mục bị ảnh hưởng như: Hệ thống nước làm mát; Các hạng mục, hệ thống của nhà thầu DHI; Hệ thống lọc bụi tĩnh điện; Hệ thống thải tro xỉ; Hệ thống khử lưu huỳnh. Từ đó, tiến độ chung của dự án bị ảnh hưởng.

Trước tình hình đó, Ban QLDA đã cùng Tổng thầu LILAMA và các nhà thầu phụ cố gắng hết sức, vận dụng tối đa trao đổi và xử lý công việc bằng hình thức online, giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến tiến độ dự án.

Song song đó, Petrovietnam đã tích cực làm việc với các Bộ, ban ngành Trung ương và tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ về việc tiêm vắc-xin cho NLĐ trên công trường Dự án. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết CBCNV Ban QLDA và NLĐ trên công trường Dự án đều đã được tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa Covid-19.

Mai Phương