Ngày 8.6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nhiều nội dung, trong đó có dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Phát biểu về nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án giao biên chế 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại thảo luận tổ ngày 8.6. Ảnh Quốc hội
Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hiện nay, tổ chức Công đoàn là một tổ chức chính trị – xã hội nên vấn đề biên chế công đoàn được thực hiện theo các quy định hiện hành của Đảng về công tác biên chế.
“Trước năm 2004, cán bộ công đoàn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định và phân bổ cho các địa phương. Từ năm 2004 đến nay, theo các quy định của Đảng, biên chế công đoàn ở các địa phương do Ban Thường vụ cấp ủy địa phương quản lý. Năm 2005 là năm cuối cùng Ban Tổ chức Trung ương thông báo chỉ tiêu biên chế. Do việc bàn giao giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố lúc đó có nhiều bất cập nên hiện nay, biên chế của tổ chức công đoàn ở các địa phương xuất hiện rất nhiều bất cập” – ông Nguyễn Đình Khang thông tin.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 12 tỉnh, thành phố công đoàn không được cấp ủy các tỉnh giao biên chế; 40 tỉnh, thành phố lại giao biên chế cán bộ công đoàn không tương xứng, không đủ khối lượng để làm việc. Sau khi báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Chỉ đạo biên chế Trung ương, Bộ Chính trị đã ra Kết luận 40 giao Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề xuất.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi tính toán, rà soát lại, đề xuất giao biên chế theo phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống. Hiện số người được cấp ủy các địa phương tạm giao là khoảng 5.200.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức đề xuất 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trên không bằng 1/3 biên chế của các tổ chức chính trị – xã hội khác.
Trích quy định trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): “Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Khang cho biết điều này không trái với quy định về quản lý biên chế hiện nay.
“Tại các địa phương có quan hệ lao động không phức tạp, ít doanh nghiệp thì số lượng cán bộ công đoàn chỉ cần có mức độ; nhưng ở những huyện, địa phương, ngành tập trung khu công nghiệp, đông công nhân thì đòi hỏi phải tăng số lượng cán bộ công đoàn thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ” – ông Nguyễn Đình Khang cho biết.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách làm theo hợp đồng ở các công đoàn cơ sở. “Hiện nay, chủ tịch công đoàn cơ sở cơ bản là kiêm nhiệm và do doanh nghiệp trả lương, nên để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ công đoàn thì cũng rất là khó” – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Về thời gian làm việc cho cán bộ công đoàn chuyên trách, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đề xuất trong dự thảo hướng tới quy định cho thời gian làm việc tùy thuộc vào quy mô của công đoàn cơ sở đông hay ít đoàn viên. Điều này đã được quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tuy nhiên hiện nay chưa có nghị định quy định chi tiết. Ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, quy định như vậy để đảm bảo hoạt động cho hoạt động cơ sở; đồng thời “không cào bằng” với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang còn nêu ý kiến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau: Việc gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động nước ngoài; về giám sát công đoàn; tài chính công đoàn; vấn đề tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp…
Theo laodong.vn