07/10/2021 10:56:15

Để thi đua không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”

Việc tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải đến và được đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ hưởng ứng.

Đoàn viên công đoàn tỉnh Bình Dương tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Hoàng Trung

Nỗ lực để vượt khó

Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh COVID – 19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, nhiều hoạt động bị gián đoạn, trì trệ và cần có thời gian để đưa tất cả vào nếp và vào guồng trở lại.

Tại các doanh nghiệp, việc tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp trở ngại ở nhiều mặt, trước mắt là huy động lực lượng công nhân lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã và đang chuyển về quê sau thời gian dài ngưng việc và những ám ảnh bởi dịch bệnh, bởi điều kiện sống và sinh hoạt ở nhà trọ chặt hẹp trong các khu phong tỏa…

Tại các cơ quan, đơn vị, quá trình làm việc trực tuyến cũng phát sinh một số vấn đề liên quan đến tinh thần trách nhiệm, động lực làm việc; thái độ và cách tiếp cận công việc và tâm thế sẵn sàng trở lại cho một hành trình mới đầy chông gai.

Việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó, năng lực sáng tạo của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tại thời điểm này là rất cần thiết. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”; đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động. Phong trào góp phần cổ vũ, động viên đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức và người lao động tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19; đồng thời là trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” góp phần sớm kiểm soát và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”.

Chia sẻ về phong trào thi đua này tại Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác thi đua khen thưởng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hôm 6/10, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn bám sát nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” để triển khai thực hiện. Việc tổ chức phong trào thi đua không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải đến và được đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ hưởng ứng.

Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch TT Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác thi đua

Trao đổi phương thức thi đua hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải  gợi ý về cách mở mục “Nhật ký vượt khó” để ghi nhận kịp thời những điển hình. “Trong khó khăn đơn vị nào cũng khó, cá nhân nào cũng khó nhưng đã vượt qua thế nào, thành quả ra sao mới quan trọng. Bên cạnh ghi nhận những kết quả lớn, mang lại giá trị làm lợi cao thì cần chú trọng đến những sáng kiến vì cộng đồng, sáng kiến của những người thợ, có như vậy mới phát huy tinh thần sáng tạo – là phẩm chấ cao qúy của người lao động Việt Nam” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của toàn hệ thống, phong trào sẽ tạo nên sự đột phá và lan tỏa trong công tác phòng chống dịch Covid – 19, các ý kiến cũng đề xuất các cấp công đoàn, nhất là người đứng đầu, cần đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp với điều kiện dịch bệnh; nắm chắc và đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động để chăm lo tốt hơn, kịp thời, đúng đối tượng cho người lao động; chủ động giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về hỗ trợ phòng, chống Covid-19; phát huy các công cụ truyền thông để tuyên truyền kịp thời các hình ảnh hoạt động của tổ chức công đoàn đến với người lao động.

Điểm cầu Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác thi đua tại LĐLĐ tỉnh An Giang

Sáng tạo phải được ghi nhận

Thời gian qua, hệ thống công đoàn cả nước đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình sáng tạo, thiết thực, phù hợp với vai trò của tổ chức, góp phần phòng, chống dịch và giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Những hoạt động này không chỉ thể hiện sự chung tay với toàn hệ thống chính trị mà còn thể hiện sự đồng hành, chia sẻ kịp thời với khó khăn của người lao động và doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao nhiều gói hỗ trợ trị giá gần 5 nghìn tỷ đồng đến đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ trong khu cách ly phong tỏa; công nhân ở các khu nhà trọ, công nhân ở các doanh nghiệp làm việc “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”; con công nhân mồ côi do COVID 19…

Những mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy hiệu quả, có sự đổi mới, phát triển như mô hình tổ an toàn Covid trong khu nhà trọ, tổ an toàn Covid lưu động trên xe ô tô chở công nhân của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa; xe buýt siêu thị 0 đồng, túi an sinh xã hội, “Vùng xanh doanh nghiệp” của LĐLĐ thành phố Hà Nội; túi thuốc cho F0; suất cơm nghĩa tình hỗ trợ các hộ khó khăn, lực lượng phòng chống dịch; mô hình tư vấn sức khỏe phòng ngừa dịch bệnh Covid-19; đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà cho đoàn viên, người lao động; Đường dây nóng “An sinh công đoàn”; mô hình đi chợ hộ cho đoàn viên; mô hình “An toàn phòng chống dịch, an toàn sản xuất” của LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; “Trao sữa yêu thương – Ấm tình công đoàn” của LĐLĐ tỉnh Long An; “Chuyến xe nghĩa tình” hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid – 19 của LĐLĐ tỉnh Cần Thơ…

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương cảm ơn đoàn viên công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tình nguyện

Nhiều cán bộ công đoàn đã tình nguyện và xả thân tham gia các hoạt động phòng chống dịch; xung phong vào tâm dịch,  vượt qua mọi gian khổ, nguy hiểm để sát cánh bên người lao động khó khăn. Công đoàn đã và đang làm được rất nhiều việc có ý nghĩa giúp CNVCLĐ trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, được các đoàn viên công đoàn ghi nhận và dư luận đánh giá cao. Người lao động tham gia sản xuất trong khó khăn, dịch bệnh nhưng đã có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả, lợi ích cho doanh nghiệp; nhiều người trong số họ trong thời gian tạm thời ngừng việc đã tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời lạc quan khích lệ tinh thần cho bạn bè, đồng nghiệp yên tâm ở lại địa phương nơi làm việc để tiếp tục lao động, sản xuất.

Các cấp công đoàn đã chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch. LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc, trực tiếp tham gia phòng chống dịch Covid-19; 86 tập thể, cá nhân là cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn các cấp được tặng bằng khen của Tổng Liên đoàn, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang về thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công đoàn Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam khen thưởng 14 tập thể, 50 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công đoàn Y tế Việt Nam khen thưởng 100 tập thể và trên 600 cán bộ y tế có thành tích xuất sắc trong phòng chống Covid-19 trong đợt 4… Các LĐLĐ TP Hà Nội, tỉnh Cần Thơ đã khen thưởng đột xuất cho các tập thể và cá nhân nỗ lực vượt khó, sáng tạo, như khen thưởng  cho mô  hình “Tổ an toàn COVID”; “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Vùng xanh doanh nghiệp”…

Ghi nhận sự chủ động thực hiện chính sách động viên của tổ chức công đoàn trong thực hiện phong trào thi đua, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc phát hiện tập thể, cá nhân điển hình và kịp thời khen thưởng cần được tiến hành nhiều đợt, không chờ dịch bệnh ổn mới sơ kết, tổng kết, qua đó góp phần lan tỏa để ngày càng có nhiều hơn những điển hình đó.

Về tiêu chí đối với tập thể phải có cách làm mới, sáng tạo, có mô hình mới được nhân rộng hoặc có hiệu quả cao trong chỉ đạo, triển khai và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; nắm bắt chặt chẽ tình hình tư tưởng, tâm lý và kịp thời có giải pháp ổn định đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động; chủ động, thực hiện tốt và rõ những công việc của công đoàn phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch và tham gia có hiệu quả thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Thông tin kịp thời, chính xác, sâu sắc về hoạt động của công đoàn phối hợp thực hiện sâu sát, an toàn; chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, góp phần quan trọng định hướng và tạo sự đồng thuận trong đoàn viên, người lao động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và quy định về phòng, chống dịch; không có đoàn viên, CNVCLĐ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; không để đoàn viên, người lao động tụ tập đông người, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn. Kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để huy động tất cả các nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch và các cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động khó khăn và duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc làm, đời sống người lao động.

Đối với cá nhân, một trong những tiêu chí quan trọng là có sáng kiến, sáng tạo hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là những cá nhân trên tuyến đầu, những tấm gương quên mình trong công tác phòng, chống dịch; trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động; trong công tác thiện nguyện, huy động xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch; trong lao động, sản xuất an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao.

“Quy trình xét chọn cần được nghiên cứu để giảm bớt thủ tục hành chính và hạn chế thấp nhất việc gửi hồ sơ khen thưởng nhưng không đạt yêu cầu. Đối với các tập thể và cá nhân được đề xuất khen cao thì phải thật sự xứng đáng, ghi nhận được nỗ lực và phải được tập thể suy tôn” – ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Theo congdoan.vn