Trong bất cứ doanh nghiệp nào, quan hệ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động vẫn luôn tiềm ẩn những xung đột về lợi ích. Từ những chuyện rất nhỏ nhặt như thưởng, phạt, ưu ái một vài cá nhân… cũng có thể gây nên sự bất mãn, âm thầm chống đối hoặc tệ hơn nữa là kiện cáo gây ảnh hưởng đến đoàn kết và hiệu quả công việc. Khi đó, cán bộ công đoàn chính là “lính cứu hỏa” trong việc giảm nhiệt, phát hiện và dập tắt các đám cháy bằng những kỹ năng chuyên nghiệp.
Tuy quen mà lạ
Trong bối cảnh giá dầu đang trên đà hồi phục nhưng vẫn ở mức rất thấp, lãnh đạo Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đã lường trước có thể xảy ra rất nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích của NLĐ như ý thức kỷ luật lao động, chất lượng công việc, chảy máu chất xám… dẫn đến nguy cơ bùng nổ các tranh chấp lao động. Chính vì vậy, CĐ DKVN đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo công đoàn các đơn vị thành viên với chuyên đề “Giải quyết xung đột trong hoạt động công đoàn”. Đây là đợt tập huấn có nội dung hữu ích và kịp thời khiến các học viên hào hứng và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để phá giải các xung đột về lao động trong doanh nghiệp.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm với giảng viên |
Nếu đặt câu hỏi ai trong doanh nghiệp ai là người thường xuyên đối mặt với xung đột nội bộ thì câu trả lời chắc chắn đó là những cán bộ công đoàn. Những xung đột này thể hiện hằng ngày bằng những lời than vãn, thái độ làm việc cầm chừng, đối phó. Khi đó, việc tất lẽ dĩ ngẫu là cán bộ công đoàn phải đứng về phía NLĐ, giúp NLĐ giải quyết những xung đột ấy, đem lại quyền – lợi ích chính đáng và hợp pháp cho NLĐ. Những cán bộ công đoàn tận tâm với công việc sẽ ngay lập tức giải thích, động viên NLĐ chứ không chờ đến khi NLĐ bất mãn sâu sắc, kiện cáo mới đứng ra làm “đấng cứu thế”. Bởi vậy, nói cán bộ công đoàn quá quen thuộc với những xung đột lợi ích của NLĐ là tất lẽ dĩ ngẫu.
Ấy vậy nhưng đến với đợt tập huấn này, các cán bộ công đoàn kỳ cựu của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn… đều cảm thấy “lạ”. Nguyên nhân bởi khóa tập huấn đã đem đến cho các học viên một cách tiếp cận mới mẻ và khoa học để các cán bộ công đoàn thoải mái, tự tin và kích thích sự sáng tạo.
Nhóm lãnh đạo công đoàn với biệt danh “Quả mít” |
Đầu tiên, Trung tâm đào tạo Brainwork VietNam (Công ty CP Phát triển Nhân trí Việt Nam) đã xây dựng một khóa tập huấn với bầu không khí trẻ trung, năng động. Ấn tượng đầu tiên là các trợ giảng tươi vui, nhiệt tình chào hỏi và hướng dẫn các học viên đeo bảng tên, vào vị trí ngồi dành cho từng người. Phòng học không phải là những dãy ghế dài như thường thấy trong các hội trường mà là một không gian mở với những chiếc bàn tròn sắp đặt sẵn bảng tên của các học viên. Mỗi bàn học lại tạo thành một nhóm được đặt tự do đặt tên theo sự thống nhất của các thành viên nên có những cái tên ngộ nghĩnh, mang nhiều ý nghĩa như Quả mít (BRS – PVC và PVcomBank), Thiếu nữ (DMC- PVI- PV Power), 6C (Công ty mẹ – PVEP )…
Bổ ích và lý thú
Mở đầu chương trình tập huấn, giảng viên Lưu Tiến Dũng – chuyên gia tư vấn và đào tạo của Brainwork VietNam – đã để các học viên tự làm quen và giới thiệu về bản thân bằng một phương pháp hết sức độc đáo. Học viên tự viết sở thích của mình lên một mảnh giấy trắng rồi trộn đều, sau khi bốc một mảnh giấy, mỗi người có nhiệm vụ phải tìm ra chủ nhân của nó qua những thông tin ghi trên giấy. Vì vậy đã có không ít những điều thú vị và vui nhộn trong màn chào hỏi ấn tượng này, khuấy động lên một bầu không khí sôi nổi, hào hứng, phấn chấn cho khóa tập huấn. Những giảng viên – học viên, những người làm công tác công đoàn đến từ khắp các đơn vị của PVN trên cả nước – còn chưa hiểu biết về nhau, tự lúc nào đã trở nên thân quen, gần gũi và đoàn kết với nhau hơn.
Mỗi bài tập, giảng viên đều mời đại diện các nhóm lên trình bày và có ý kiến đóng góp của các nhóm khác. Phần trả lời và phản biện của các nhóm đã làm nóng lên không khí lớp học, qua đó chúng tôi đã học hỏi được kỹ năng lắng nghe, thu thập thông tin, trả lời những câu hỏi hóc búa… đến từ chính đời sống của NLĐ. Đặc biệt, khóa học đã giúp chúng tôi càng hiểu rõ hơn vai trò của người cán bộ công đoàn trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi mà chúng tôi không chỉ đơn thuần là những người bảo vệ NLĐ mà còn phải giúp người lao động hiểu rõ về hoạt động của doanh nghiệp, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong thực tế khi triển khai các hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, khá nhiều cán bộ công đoàn tỏ ra lúng túng và cứng nhắc khi tiếp cận với NLĐ. Thực ra làm những cán bộ công đoàn cần rèn khả năng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm sống và làm việc, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng đối thoại. Chỉ có như vậy thì cán bộ công đoàn mới có thể thực sự làm cầu nối giữa tập thể NLĐ với lãnh đạo doanh nghiệp. Đây chính là nhu cầu thiết yếu trong giai đoạn phát triển các doanh nghiệp dầu khí hiện nay, giai đoạn mà người cán bộ công đoàn không chỉ là đại diện về quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, mà còn phải thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, vận động tập thể NLĐ hiểu rõ được các khó khăn trong ngành Dầu khí, cùng sát cánh với lãnh đạo doanh nghiệp vượt khó.
Chị Võ Thị Hà, học viên đến từ Công đoàn PV Power đã chia sẻ: “CĐ DKVN đã tổ chức nội dung tập huấn rất phù hợp với tình hình thực tế. Cán bộ công đoàn là người thường xuyên đối mặt với những xung đột lợi ích, họ cần phải có kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động. Tôi thật không ngờ những kỹ năng đơn giản như cách lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm… có tác dụng lớn như vậy. Qua khóa học này, tôi đã trở nên tự tin, bình tĩnh hơn khi giải quyết các xung đột trong hoạt động công đoàn”.
Tự tin để cùng doanh nghiệp đối mặt và vượt qua thách thức cũng là mong muốn của Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan khi phát biểu trong lễ khai giảng lớp học: “Vai trò của cán bộ công đoàn trong thời kỳ Việt Nam gia nhập TTP sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức mới khi NLĐ được phép tự thành lập công đoàn. Mục đích của khóa tập huấn này nhằm trang bị cho cán bộ công đoàn có được kỹ năng giải quyết các xung đột trong hoạt động công đoàn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ công đoàn, củng cố và xây dựng niềm tin mà tập thể người lao động đã gửi gắm vào tổ chức công đoàn”.
Bế giảng lớp học, lãnh đạo công đoàn các đơn vị thành viên PVN được cùng nhau xem lại những hình ảnh của khóa tập huấn. Đây là “bài” tổng kết do giảng viên cùng các trợ giảng biên soạn. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm, mỗi hoạt động diễn ra trong suốt hai ngày tập huấn đều được giảng viên cẩn thận ghi lại bằng những khung hình và những lời bình khá sắc nét. Đây cũng là bài học cuối cùng của khóa tập huấn khi làm việc có đầu có cuối, sự đúc rút một khóa học bằng hình ảnh sống động đã khiến các học viên nhận ra rằng, họ đã trở nên tự tin hơn rất nhiều nếu như phải đối mặt với những xung đột trong mối quan hệ lao động tại đơn vị.
Tùng Dương