Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết việc hỗ trợ phải hoàn thành muộn nhất vào ngày 31-12 với số tiền giải ngân dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động (NLĐ) từ 15 tuổi trở lên. Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất – kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Hàng chục tỉ đồng đến tay người lao động
Trước thực trạng này, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bằng Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, về thực hiện hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN).
Với chính sách hỗ trợ NLĐ bằng tiền từ kết dư Quỹ BHTN, tới hết ngày 8-11, BHXH các địa phương đã chuyển tiền hỗ trợ tới gần 10,4 triệu NLĐ, với tổng số tiền hơn 24.629 tỉ đồng trong gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết dự kiến đến hết ngày 15-11, sẽ cơ bản hoàn thành xong việc giải quyết chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho NLĐ. Để đạt được kết quả này, với khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn (chỉ 3 tháng), đội ngũ nhân sự ngành BHXH đã nỗ lực làm ngày làm đêm, kể cả cuối tuần, để chuyển tiền hỗ trợ tới NLĐ. Theo cơ quan BHXH, với NLĐ chưa nhận được hỗ trợ từ Quỹ BHTN, hạn cuối nhận được tiền với người đang đi làm là 30-11.
“Nếu thời điểm này chưa nhận được tiền hỗ trợ, NLĐ đang đi làm, đang tham gia BHTN tại các doanh nghiệp sẽ phải chủ động đi làm thủ tục, như đối với trường hợp NLĐ đã nghỉ việc, dừng tham gia BHTN” – đại diện BHXH cho biết. Để làm thủ tục này, NLĐ in đơn theo mẫu số 4, điền đầy đủ thông tin và nộp tại cơ quan BHXH gần nhất. Ngoài ra, NLĐ có thể làm trực tuyến qua ứng dụng VssID hoặc trên cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam. “Ngày 31-12 là hạn chót nhận được tiền hỗ trợ của NLĐ đã nghỉ việc hoặc NLĐ đang làm việc nhưng chưa nhận được tiền sau ngày 30-11 phải tự đi làm thủ tục. NLĐ cần lưu ý mốc thời gian này, nếu hồ sơ đã nộp đầy đủ và hợp lệ, NLĐ chắc chắn sẽ nhận được tiền hỗ trợ chậm nhất vào thời điểm này” – đại diện BHXH Việt Nam thông tin.
Hài hòa đóng – hưởng
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho NLĐ lớn nhất từ trước đến nay. Gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước tới đời sống của NLĐ, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quan điểm chỉ đạo là làm sao triển khai hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất. Thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHTN, bảo đảm hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng – hưởng. “Để triển khai gói hỗ trợ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương xây dựng một quy trình, thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận tiện với người thụ hưởng nhờ nền tảng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành. Điều này là yếu tố quan trọng giúp chính sách hỗ trợ tiếp cận nhanh chóng đến NLĐ và người sử dụng lao động, phát huy hiệu quả tốt hơn. Quy trình hỗ trợ bảo đảm phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng phòng ban, bộ phận trong cơ quan BHXH, trên nguyên tắc không phát sinh thêm thủ tục, đặc biệt thời gian giải quyết công việc đều giảm so với thời gian trong quyết định của Thủ tướng” – ông Mạnh nói.
Đầu tháng 11 vừa qua, BHXH Việt Nam đã tổ chức 5 đoàn công tác do tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc làm trưởng đoàn làm việc tại BHXH 9 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh) nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các nghị quyết về hỗ trợ từ BHTN. Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết theo quy định, việc hỗ trợ phải hoàn thành muộn nhất vào ngày 31-12 với số tiền giải ngân dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng.
Cảnh giác các hành vi lừa đảo
BHXH Việt Nam cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về việc có các đầu số khác nhắn tin, gọi điện và gửi đường link đăng nhập nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thông tin cá nhân của người dân. Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội Zalo. Khi người dân mất cảnh giác, đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng người dân đang sử dụng, sau đó các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900… gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN. Thủ đoạn này thường đánh vào tâm lý người nghe, hướng dẫn kê khai tài sản, chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng. Hiện tại, một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, đã có người dân mất cảnh giác, truy cập các link lừa đảo nêu trên và bị kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng cá nhân.
Theo congdoan.vn