Ngày 24.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị Đánh giá việc sắp xếp và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống Công đoàn dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị Đánh giá việc sắp xếp và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống Công đoàn. Ảnh: Bảo Hân
Vướng mắc vì chưa được phê duyệt vị trí việc làm
Theo dự thảo báo cáo kết quả thực hiện phương án số 473/PA-TLĐ ngày 25.5.2020 và đề xuất phương án sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tổ chức Công đoàn theo quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10.2.2023, Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh, gọn nhẹ và trong mỗi cơ sở GDNN, tiếp tục sắp xếp lại, đẩy mạnh tự chủ theo quy định pháp luật.
Kết quả là tổ chức hệ thống các cơ sở GDNN, giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Đến tháng 6.2024, về cơ bản, Tổng LĐLĐVN đã hoàn thành việc thực hiện mục tiêu và các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, còn 19 cơ sở GDNN thuộc hệ thống công đoàn, bao gồm 3 trường cao đẳng; 13 trường trung cấp; 3 trung tâm GDNN công đoàn.
Tuy nhiên, hầu hết các trường, trung tâm chưa được phê duyệt đề án vị trí việc làm cũng như chưa được giao chỉ tiêu biên chế. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên gặp nhiều vướng mắc.
Theo đó, kho bạc Nhà nước tỉnh không giải ngân việc thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên của các trường từ nguồn ngân sách Trung ương khi chưa có đề án vị trí việc làm được duyệt và quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho trường; ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực hiện phương án tự chủ tài chính; khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, bổ nhiệm cán bộ quản lý. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo còn thiếu, nhất là các ngành nghề trọng điểm; biên chế về viên chức, giáo viên, người lao động trong đơn vị chưa quy định rõ do cấp nào quản lý…
Yêu cầu cao nhất là tự chủ
Ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho biết, việc thành lập các đơn vị GDNN của tổ chức Công đoàn với mong muốn lớn, trong quá trình vận hành, một số trường phát triển rất tốt, nhưng một số trường không tốt, đặc biệt trong cơ chế quản lý, do vậy, cần phải sắp xếp lại các đơn vị GDNN thuộc tổ chức Công đoàn.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh, hiện nay, các đơn vị GDNN thuộc tổ chức Công đoàn đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để xác định nhiệm vụ của các đơn vị. “Hiện nay đã có quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cũng như các quy định về công tác dạy nghề, các chính sách khác tiếp tục thay đổi. Do vậy, nếu các đơn vị giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống công đoàn không kịp thay đổi, không tính toán phương án thì hoạt động sẽ không hiệu quả. Ngoài ra, còn áp lực về khoa học công nghệ, các ngành mới sẽ ra đời, kéo theo sự thay đổi về đội ngũ công nhân, từ đó đòi hỏi các đơn vị phải thích ứng” – Chủ tịch Khang cho biết.
Ông Nguyễn Đình Khang yêu cầu các ban tham mưu phải đánh giá lại việc thực hiện phương án 473, còn những vấn đề cần tiếp tục triển khai, yêu cầu cao nhất là tự chủ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng được phương án tự chủ, trong đó phải tự chủ về chương trình, nhân sự. Trong quá trình xây dựng phương án tự chủ, cần triển khai tốt việc xây dựng đề án vị trí việc làm, căn cứ theo thuyết minh của từng đơn vị.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khang cũng lưu ý tự chủ nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật; cần quản lý tài sản theo đúng quy định, nhất là phải đảm bảo tiêu chí, định hướng khi thành lập đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị phải cập nhật các chính sách mới về công tác dạy nghề để hoạch định kế hoạch hoạt động trong tương lai.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, hiện nhiều cơ sở GDNN hoạt động chưa hiệu quả, tìm cách để tồn tại.
Còn ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho rằng, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nhưng phải có cơ chế phù hợp. Để được như vậy thì phải chú trọng giáo viên, tránh nguy cơ “chảy máu” đội ngũ này; đồng thời phải gắn với phân quyền, giao tự chủ một cách toàn diện cho các trường; có chính sách đặc biệt liên quan đến người lao động khi họ đi học.
Góp ý xây dựng Nghị quyết về cơ sở Giáo dục nghề nghiệp của Công đoàn
Cùng ngày 24.9, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Nghị quyết “Đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả đào tạo của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tổ chức Công đoàn” với sự tham gia của đại diện các ban ngành và đại diện LĐLĐ tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Dự thảo Nghị quyết có 4 phần. Mục tiêu cụ thể năm 2029 đáng chú ý là hoàn thành việc rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN theo phương án đã được phê duyệt và 100% các cơ sở GDNN được phê duyệt phương án tự chủ tài chính, 100% các cơ sở GDNN tuyển sinh đạt chỉ tiêu được cơ quan có thẩm quyền cấp theo giấy đăng ký hoạt động GDNN… Năm 2030 phấn đấu có ít nhất 1 trường cao đẳng trở thành trung tâm đào tạo và thực hành chất lượng cao vùng.
Báo Lao động