Hướng đến mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) xác định công tác đầu tư, tài chính giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.
Những kết quả nổi bật của công tác đầu tư, tài chính của Petrovietnam
Kết quả tăng trưởng đạt được thời gian qua để Petrovietnam trở thành Tập đoàn kinh tế với tổng tài sản hợp nhất 1,01 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 531,9 ngàn tỷ đồng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đầu tư, tài chính. Tuy nhiên, so với các công ty dầu khí trong khu vực, Petrovietnam có quy mô còn nhỏ.
Công tác quản trị đầu tư của Tập đoàn có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, tuân thủ các quy định pháp luật. Tập đoàn xây dựng có hệ thống, tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng, áp dụng có kết quả Mô hình quản trị Danh mục đầu tư. Công tác hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ được coi trọng và cập nhật thường xuyên, phù hợp với thực tế và quy định pháp luật mới ban hành.
Hội nghị công tác đầu tư, tài chính của Petrovietnam năm 2024 |
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, xuất hiện nhiều yếu tố phức tạp mới, song bằng nỗ lực và sự quyết tâm, trong 3 năm 2021-2023 Petrovietnam đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành khai thác 36 dự án/công trình. Tập đoàn giải quyết có kết quả vướng mắc tồn đọng từ giai đoạn trước để hoàn thành và đưa vào vận hành NMNĐ Thái Bình II; hoàn thành đầu tư Dự án Kho cảng LNG 1 triệu tấn Thị Vải là Kho chứa LNG đầu tiên tại Việt Nam. Chuỗi dự án khí Lô B đã đạt được cột mốc quan trọng, được các bên đối tác nước ngoài phê duyệt FID và ký kết được các hợp đồng EPC. Petrovietnam tiếp nhận từ EVN Dự án Nhà máy điện khí Ô Môn III, Ô Môn IV để triển khai đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác tài chính đã bảo đảm nguồn vốn đầy đủ cho hoạt động đầu tư, giúp tạo tài sản mới và đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn: bình quân giai đoạn 2021-2023 doanh thu hợp nhất tăng 44% so với giai đoạn 2018-2020; chỉ số sinh lời ROA, ROE tăng trưởng tốt, tương ứng đạt 4,84% và 9,04%, vượt tương ứng 1,38% và 2,83% so với giai đoạn 2018-2020.
Tập trung vào các giải pháp nhằm tối ưu công tác đầu tư tài chính
Tại Hội nghị công tác đầu tư, tài chính năm 2024 của Petrovietnam diễn ra vào tháng 6, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV đã chỉ ra 08 nhóm giải pháp lớn Công ty Mẹ Tập đoàn và các đơn vị cần tập trung thực hiện đồng bộ. Đó là, phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống quản trị, mô hình kinh doanh; chuyển đổi số; nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ; phát triển thị trường; tối ưu công tác đầu tư tài chính; nâng tầm văn hóa doanh nghiệp.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, phát huy kết quả đã đạt được cùng với việc thực hiện những định hướng, mục tiêu tăng trưởng mới, Petrovietnam xác định tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Lãnh đạo Tập đoàn điều hành hội nghị công tác đầu tư, tài chính |
Trong đó, Tập đoàn cần tập trung nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị; cập nhật Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2050 xây dựng Petrovietnam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia; Tiếp tục triển khai quản trị danh mục đầu tư một cách sáng tạo, hiệu quả, đi vào thực chất; cập nhật danh mục đầu tư phù hợp với mục tiêu, định hướng mới theo Nghị quyết số 41, Kết luận số 76 của Bộ Chính trị; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng danh mục các dự án đầu tư, chú trọng các giải pháp nâng nhóm các dự án đang gặp khó khăn; định hướng cơ cấu và quản trị danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp khác với mục tiêu tối đa hiệu quả gắn liền với việc triển khai Đề án cơ cấu lại Tập đoàn; tổ chức các khóa đào tạo, trang bị và nâng cao kiến thức gắn liền với công việc chuyên môn cho cán bộ làm công tác đầu tư, tài chính; Nghiên cứu các xu thế chuyển dịch, thay đổi để dự báo, tính toán các kịch bản rủi ro và có giải pháp quản trị chủ động hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định/quy chế quản lý nội bộ trong công tác đầu tư của Tập đoàn; tập trung rà soát các quy định liên quan đến phân cấp ủy quyền của Petrovietnam, bảo đảm đồng bộ giữa công tác đầu tư, công tác đấu thầu và công tác tài chính; nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách phân cấp, giám sát đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, phù hợp với đặc thù, tính chất công việc.
Tập đoàn sẽ tiếp tục bám sát các Bộ/ngành để thúc đẩy việc ban hành các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn: cơ chế chính sách trong phát triển đồng bộ chuỗi dự án khí điện; cơ chế phát triển khai thác mỏ nhỏ, cận biên; đề xuất cơ chế trong Luật 69/2014/QH13 sửa đổi, bảo đảm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp có quyền quyết định phân phối lợi nhuận, trích Quỹ Đầu tư phát triển;…
Chuỗi Dự án khí điện Lô B – Ô Môn, một trong những dự án trọng điểm của Petrovietnam |
Ngoài ra, Petrovietnam sẽ thường xuyên cập nhật biến động của nền kinh tế, mô hình đầu tư tài chính của các dự án để có các giải pháp đối phó kịp thời, giảm thiểu các rủi ro, đảm bảo tiến độ các dự án, trong đó đặc biệt chú trọng các chuỗi dự án/dự án quy mô lớn, như Chuỗi dự án Lô B, Chuỗi dự án LNG Thị Vải, Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh, Dự án NCMR NMLD Dung Quất, NMNĐ Long Phú I…, bảo đảm hoàn thành Kế hoạch đầu tư năm 2024 tối thiểu ở mức 80%.
Thực hiện và hoàn thành điều chỉnh Kế hoạch đầu tư 5 năm 2021-2025 trong quý III/2024; tổ chức lập Kế hoạch đầu tư năm 2025 có sự tăng trưởng, nhưng có tính khả thi cao, trong đó bám sát tiến độ thực tế triển khai của dự án, bổ sung các cơ hội đầu tư để nghiên cứu, làm cơ sở thực hiện trong các năm tiếp theo; Tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã đưa vào kế hoạch nghiêm túc và quyết liệt với đột phá trong nhận thức và hành động để hoàn thành kế hoạch ở mức cao.
Trên cơ sở cập nhật điều chỉnh chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm, các đơn vị xây dựng phương án xử lý chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, xác định lợi nhuận để lại, tỷ lệ trích Quỹ ĐTPT; Quản trị tốt nguồn vốn chủ sở hữu, xác định quy mô nguồn vốn chủ sở hữu khả dụng, xây dựng kế hoạch sử dụng dài hạn cho công tác đầu tư; Tập trung thu hồi công nợ, cân đối khoản nợ phải thu và nợ phải trả, tăng dòng tiền thuần cho đơn vị; Xây dựng phương án tài chính với các nguồn vốn vay đa dạng, cơ cấu nguồn vốn tối ưu, tối ưu hóa lãi suất vay, thời hạn vay, các nguồn vốn vay phát triển ưu đãi khác kết hợp với vay thương mại trong nước và ngoài nước; Nghiên cứu cơ chế phối hợp, điều tiết nguồn vốn nhàn rỗi giữa các đơn vị trong Tập đoàn; bổ sung các công cụ phái sinh trong hoạt động đầu tư phù hợp với xu thế hiện đại và quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác quản lý các khoản đầu tư tài chính, các khoản vốn góp, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp, trong đó rà soát tổ chức công tác quản lý vốn đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp bằng quy chế, tập trung vào quy định đánh giá hiệu quả, kiểm soát rủi ro, nguyên tắc phân phối, trích lập quỹ.
Song song với hoạt động đầu tư, tài chính, Tập đoàn và các đơn vị cần thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn; Triển khai vận hành Hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP, bảo đảm dữ liệu “Đúng, Đủ, Sống, Sạch”. Hệ thống hóa dữ liệu về các nguồn lực của Petrovietnam làm cơ sở định hướng phân công, phù hợp với thế mạnh của các đơn vị, tránh chồng chéo và cạnh tranh nội bộ, tăng cường hợp tác liên kết nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực của các đơn vị thành viên; Xây dựng hệ thống dữ liệu với đầy đủ thông tin về trình độ, kinh nghiệm nguồn nhân lực trong Tập đoàn.
H.A (Tạp chí PetroTimes)