Thời gian qua, với việc luôn quan tâm và chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất đã góp phần quan trọng giúp Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khẳng định vai trò là nhà sản xuất urê hạt đục duy nhất và hàng đầu trong nước.
Năm 2012 vừa qua là năm đầu tiên PVCFC đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm đạm Cà Mau ra thị trường và cũng là năm PVCFC gặt hái được nhiều thắng lợi, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch, về đích trước 22 ngày. Sự kiện này đánh dấu quá trình nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) PVCFC.
Ngoài công tác quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất là yếu tố rất quan trọng giúp PVCFC khẳng định vai trò là nhà sản xuất urê hạt đục duy nhất và hàng đầu trong nước. Chính các hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã góp phần mang lại những hiệu quả đáng kể đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn nhân lực chất lượng cao của PVCFC.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã góp phần mang lại những hiệu quả đáng kể đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của PVCFC
Trong thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ CBCNV PVCFC phải đảm nhiệm nhiều vai trò, tuy nhiên, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất luôn được ban lãnh đạo PVCFC khuyến khích đầu tư, phát triển. Trong năm 2012, Hội đồng Khoa học PVCFC đã công nhận và đưa vào thực tiễn sản xuất tại Nhà máy Đạm Cà Mau tổng cộng 31 đề tài và sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật mang lợi ích cho PVCFC hàng trăm tỉ đồng. Những sáng kiến, sáng chế này đã được các kỹ sư trẻ trực tiếp vận hành, bảo dưỡng nghiên cứu, đề xuất nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục các lỗi về máy móc thiết bị, tối ưu hóa các thông số công nghệ trong giai đoạn vận hành, chạy thử.
Có thể nhận thấy rằng, ngay từ ban đầu, trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị chạy thử, hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến, sáng chế đã bắt đầu sôi động. Những chuyên gia, những kỹ sư trẻ có trách nhiệm với công việc đã rút ngắn thời gian chạy thử, thời gian dừng máy hạn chế tối đa so với các nhà máy sản xuất phân đạm khác. Sản phẩm ra đời ngay lập tức đáp ứng các thông số kỹ thuật, chất lượng sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đến với bà con nông dân.
Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đạm Cà Mau, việc nghiên cứu sản phẩm mới dựa trên lợi thế về công nghệ, thiết bị của Nhà máy Đạm Cà Mau và nguyên liệu sẵn có cũng đặc biệt được coi trọng. Thời gian qua đã có 2 đề tài nghiên cứu và đang triển khai thử nghiệm cũng như thăm dò thị hiếu người tiêu dùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm phân bón phù hợp với từng loại cây trồng trên từng vùng thổ nhưỡng.
Kỹ sư Đào Văn Ngọc – Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Khoa học kỹ thuật – sáng kiến – sáng chế của PVCFC khẳng định: “Chúng tôi nhận thức được rằng, việc cần thiết đẩy mạnh nghiên cứu khoa học mới tạo động lực để phát triển. Do vậy, PVCFC luôn chú trọng đầu tư về con người, cơ sở vật chất và kinh phí cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”.
Trong năm 2012 vừa qua, theo kỹ sư Đào Văn Ngọc, hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến sáng chế của PVCFC khá sôi động, trong đó tập trung vào nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu.
Sản phẩm đạm Cà Mau ra đời ngay lập tức đáp ứng các thông số kỹ thuật, chất lượng sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đến với bà con nông dân
“Bằng kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết và sự miệt mài nghiên cứu, tại Nhà máy Đạm Cà Mau đã xuất hiệu nhiều tập thể, cá nhân lao động tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động sáng tạo, từ giai đoạn giám sát công tác xây lắp đến giai đoạn tham gia chạy thử thành công và giai đoạn tiếp nhận vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau an toàn, ổn định và hiệu quả. Đến nay, đội ngũ nhân lực trẻ, chất lượng cao của Nhà máy Đạm Cà Mau đã nghiên cứu và đưa ra rất nhiều sáng kiến phục vụ cho sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm” – Kỹ sư Đào Văn Ngọc bộc bạch.
Là thành viên có nhiều sáng kiến nhất trong năm 2012, kỹ sư Nguyễn Duy Hải – Phó ban Quản lý vận hành sản xuất chia sẻ: “Từ sự khích lệ, động viên thích đáng, tạo điều kiện hết mức của lãnh đạo PVCFC cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và cũng để đáp ứng yêu cầu công việc, trong quá trình vận hành đòi hỏi phải cải tiến nhiều về mặt kỹ thuật nên chúng tôi đã tìm tòi các giải pháp thay đổi một số chi tiết thiết kế, qua đó đã cải thiện được chất lượng sản phẩm đáp ứng với tiêu chuẩn công bố, giảm thời gian dừng tạo hạt để vệ sinh, tăng hiệu quả kinh tế. Cũng chính sự nhìn nhận và khen thưởng của lãnh đạo đã tạo thêm động lực cho anh em chúng tôi không ngừng phát huy sáng tạo”.
Nói về những thành tích về nghiên cứu khoa học của tập thể CBCNV trong năm qua, TS Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc PVCFC kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật – sáng kiến – sáng chế của công ty cho biết thêm: “Hoạt động nghiên cứu phát triển và tư duy sáng tạo, phát huy sáng kiến có ý nghĩa quan trọng, có tính chiến lược trong sự phát triển của PVCFC. Do đó, cần phải được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện về cơ chế, về hạ tầng kỹ thuật như phòng thí nghiệm, công cụ, kinh phí… Những cá nhân, tập thể có ý tưởng, có sáng kiến, có kết quả nghiên cứu đều sẽ được khen thưởng, ghi nhận, đánh giá và tôn vinh một cách xứng đáng”.
Theo Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, trong thời gian tới PVCFC sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào này, coi đó là hoạt động cốt lõi, trọng tâm trong lao động sản xuất để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu suất của các thiết bị, tiết giảm năng lượng và vật tư tiêu hao để không ngừng mang lại lợi ích kinh tế cho PVCFC và nhất là cho xã hội.
Với những sáng kiến, sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012, PVCFC đã quyết định chi thưởng gần 1,3 tỉ đồng cho các cá nhân có đóng góp. Số tiền tuy không lớn nhưng là sự động viên, khích lệ tinh thần cho tập thể CBCNV và khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, phát huy sáng kiến, sáng chế trong toàn thể công ty ngày càng được nhân rộng, góp phần mang lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVCFC.
Lan Anh – Thế Vinh