Ngày 27.3, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ”. Mục đích của hội thảo nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật BHXH, phù hợp với yêu cầu, điều kiện hiện nay.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Cần tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động
Bà Ngô Thị Liên – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội – cho biết, vấn đề được công nhân lao động đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là rút BHXH 1 lần.
Theo đó, dự thảo đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần. Phương án 1, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (trước 1.7.2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ.
Bà Liên nêu kiến nghị cơ quan BHXH cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần; cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.
Về nội dung này, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) – cho biết, quan điểm của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra định hướng: Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
“Mục tiêu của chính sách BHXH là để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Cần thiết phải tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức vì một xã hội tốt đẹp, bảo hiểm xã hội bao phủ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau” – TS Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Đảm bảo chế độ thai sản cho lao động nữ
Đối với chế độ thai sản, các quy định trong dự thảo luật đã quan tâm đến lao động nữ thông qua việc quy định riêng một mục trong Chương V đối với người tham gia BHXH bắt buộc; Chương VI đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Các ý kiến đề nghị bổ sung mức hưởng của đối tượng người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, mang thai hộ, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi; nghiên cứu quy định tăng số lần khám thai cho lao động nữ; tăng thời gian nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con…
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho biết: “Theo thống kê, số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần chủ yếu là nữ. Đối tượng không được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội chủ yếu là nữ. Hay nói cách khác, lao động nữ tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương trong phạm vi của đạo luật này.
Vì vậy, việc góp ý các vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết, từ đó đề xuất các quy định đảm bảo tính khả thi, đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ”.
Ông Hiểu nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, nên việc xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội phải bám theo mục tiêu này, đảm bảo đạo luật hiện đại, tiến bộ, công bằng, khả thi.
Theo laodong.vn