18/08/2016 12:24:02

Đẩy mạnh công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ trong tình hình mới

Thời gian qua, công tác nữ công nói chung, công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật nói riêng đã được các cấp Công đoàn trong toàn Ngành chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận, góp phần cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về công tác phụ vận, Nghị quyết 6b của Tổng LĐLĐVN về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ CNH, HĐH đất nước và Nghị quyết 782-NQ/TV ngày 24/12/2010 của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về tăng cường công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, hoạt động công đoàn nói chung, hoạt động nữ công nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức trước tình hình giá dầu giảm sâu kéo dài, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có các quy định liên quan đến lao động và công đoàn, chính thức có hiệu lực, đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, trong đó có lao động nữ.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, Ban Nữ công các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật mới có liên quan đến lao động nữ như: Bộ Luật Lao động; Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 01 tháng 10 năm 2015 Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Trong bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn một số nội dung Nghị định số 85/2015/NĐ-CP.

Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ gồm: Đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động (Điều 1, chương I).

Về đối tượng áp dụng:

  1. Lao động nữ.
  2. Người sử dụng lao động có sử dụng lao động nữ.
  3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan (Điều 2, chương I).

Về từ ngữ được sử dụng trong Nghị định:

  1. Người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ là người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  2. a) Sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động;
  3. b) Sử dụng từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động;
  4. c) Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.
  5. Nơi có nhiều lao động nữ được xác định như sau:
  6. a) Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi tắt là khu công nghiệp) có từ 5.000 lao động nữ trở lên đang làm việc trong các doanh nghiệp và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn khu công nghiệp;
  7. b) Xã, phường, thị trấn …
  8. Phòng vắt, trữ sữa mẹ: là một không gian riêng biệt rộng tối thiểu 6m2, có nguồn nước sạch, có nguồn điện, bảo đảm vệ sinh, được trang bị tủ lạnh, ghế, bàn; khăn giấy hoặc khăn lau, máy hút sữa, bình tiệt trùng (nếu có thể). (Điều 3, chương I).

Quy định về đại diện của lao động nữ: Đại diện của lao động nữ theo quy định tại Khoản 2 Điều 154 Bộ luật Lao động được xác định như sau:

  1. Trường hợp đã thành lập tổ chức công đoàn thì đại diện của lao động nữ là công đoàn cơ sở;
  2. Trường hợp chưa thành lập tổ chức công đoàn thì đại diện của lao động nữ là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nếu được tập thể lao động nữ có yêu cầu. Trường hợp không có yêu cầu thì người sử dụng lao động lấy ý kiến của trên 50% lao động nữ tại doanh nghiệp;
  3. Công đoàn cơ sở quy định tại Khoản 1 và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều này thực hiện quyền, trách nhiệm trong việc tổng hợp và phản ánh ý kiến của lao động nữ đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ khi người sử dụng lao động tham khảo ý kiến (Điều 4, chương I).

Quy định về quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ:

  1. Quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ theo quy định tại Khoản 1 Điều 153 Bộ luật Lao động như sau:
  2. a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;
  3. b) Nhà nước bảo đảm bình đẳng về các lĩnh vực quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này trong quan hệ lao động, chính sách ưu đãi, xét giảm thuế.
  4. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động:
  5. a) Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ;

b) Thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật (Điều 5, chương I).

Về cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ:

  1. Người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.
  2. Khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ (Điều 6, chương II).

Về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ:

  1. Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
  2. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
  3. a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
  4. b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
  5. c) Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
  6. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
  7. a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
  8. b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
  9. Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
  10. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động (Điều 7, chương II).

Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai:

  1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
  2. Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
  3. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (Điều 8, chương II).

Quy định về việc giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo:

  1. Căn cứ điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ.
  2. Khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo (Điều 9, chương II).

Về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai việc tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ như sau:

  1. Quy hoạch xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp các khu công nghiệp đã hình thành nhưng chưa có quy hoạch nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cần quy hoạch bổ sung để xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo;
  2. Xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo phù hợp với nhu cầu gửi trẻ;
  3. Thực hiện quản lý hoạt động của nhà trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định của pháp luật;
  4. Có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo (Điều 10, chương II).

Quy định về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động

  1. Người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác, nếu đủ điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật nhà ở.

  1. Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ như sau:
  2. a) Được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  3. b) Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính. (Điều 11, chương II).

Căn cứ điều kiện thực tế, cùng với việc đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ, Ban Nữ công các đơn vị cầng phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, phòng/ban liên quan đề xuất, kiểm tra, giám sát việc thực hện chính sách, luật pháp đối với lao động nữ, trẻ em tại đơn vị mình; tích cực tham mưu cho lãnh đạo Công đoàn thương lượng với NSDLĐ đưa vào Thỏa ước lao động tập thể những chính sách có lợi hơn cho nữ so với luật định, góp phần tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới./.

                              Lương Thị Hồng Nhung (Phó Ban Tuyên giáo – Nữ công, CĐDK)