26/05/2022 9:27:53

Cuộc chiến với siêu bão Molave

Giàn khai thác bán chìm Đại Hùng 01 của Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) là địa chỉ “đỏ” trong công tác khai thác dầu khí của PVEP. Giàn Đại Hùng 01 là “nhân chứng sống” khi trải qua biết bao sóng gió để lập nên những thành tích vẻ vang.

Trong bài viết này, chúng tôi xin kể về cuộc chiến với siêu bão Molave vào tháng 10/2020.

Cho đến bây giờ, anh Lã Anh Hào – Phó Trưởng phòng Điều hành sản xuất, cán bộ phụ trách công tác kéo giàn đi bảo dưỡng ở Dung Quất và đưa trở lại mỏ kết nối khai thác thành công ngày 25/12/2020 vẫn không thể quên được những giờ phút “căng như dây đàn” khi cơn bão Molave ập vào.

“Ngày 28/10/2020, bão Molave đổ bộ vào miền Trung, hướng chính là Quảng Ngãi. Bây giờ khi nhớ lại, mình vẫn chỉ thấy lùng bùng tiếng gió rít, tiếng sóng gào, tiếng răng rắc của mái tôn khu nhà xưởng bị bão quần tơi tả. Và ngoài kia, ngay sát bờ biển, giàn Đại Hùng 01 hiên ngang hứng chịu mọi đợt tấn công của siêu bão Molave, có lúc gió giật đến cấp 14. Trong “đại bản doanh” của PVEP POC tại Dung Quất, mọi người nén từng hơi thở, lắng nghe tiếng gió để phán đoán tình hình, rồi im lặng nhìn nhau. Những trao đổi của những người chịu trách nhiệm cũng chỉ là những tiếng thầm thì trong siêu bão”.

Đêm đó là một đêm rất dài, là “đêm trắng” của những người lính dầu khí, không chỉ ở Dung Quất, mà ở Hà Nội, Vũng Tàu, cả Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có những lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đang sốt ruột chờ đợi báo cáo cập nhật diễn biến ngoài Dung Quất. Đêm đó cũng là “đêm trắng” với cả những người vợ xa chồng, người mẹ xa con khi ngóng thông tin siêu bão đổ bộ vào Quảng Ngãi, nơi có người thân đang làm việc.

Chạy đua với thời gian

Ngày 25/10/2020, theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã chuyển thành bão số 9 mang tên Molave, dự kiến ngày 28/10 sẽ vào Quảng Ngãi, nhìn bản đồ dự báo hành trình của bão, đường đi xuyên thẳng vào vị trí neo đậu của Đại Hùng 01.

Những thông tin về siêu bão Molave liên tục được cập nhật và cảnh báo, ngày càng mạnh lên. Giám đốc PVEP POC Lê Đức Tuệ trong lòng “nóng” như lửa đốt, ngay chiều 25/10 lập tức bay ra Quảng Ngãi. Cùng thời điểm đó, Phó Tổng Giám đốc PVEP Vũ Minh Đức cũng bay từ Hà Nội vào để thị sát tình hình và chỉ đạo chung công tác phòng chống bão cho giàn Đại Hùng 01.

Cuộc chiến với siêu bão Molave

Giàn Đại Hùng 01

Anh Đức, anh Tuệ và Ban Điều hành triển khai hội ý khẩn và xây dựng các kịch bản để đối phó với siêu bão Molave. Phương án tối ưu là khẩn trương kéo giàn thoát khỏi khu vực ảnh hưởng của siêu bão để về Cam Ranh.

Sau khi báo cáo lãnh đạo Petrovietnam và lãnh đạo PVEP, phương án được chấp thuận, ngay trong đêm, PVEP POC đã huy động tất cả nhân sự thực hiện hàng loạt công việc kỹ thuật chuẩn bị kéo giàn, điều động 2 tàu kéo từ Vũng Tàu đến cảng Hào Hưng. Từ thời điểm này, điện thoại của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và Tổng Giám đốc PVEP Trần Quốc Việt bắt đầu “nóng ran” bởi tiếp nhận các thông tin về “Gấu Lớn”.

Mặt khác, với diễn biến khó lường của siêu bão, để dự phòng trường hợp xấu nhất không kéo giàn đi được, Giám đốc Lê Đức Tuệ đã âm thầm cùng một số cộng sự có chuyên môn sâu về hàng hải, thảo luận chuẩn bị phương án đối phó với siêu bão ngay tại cảng Hào Hưng. Trong đó có anh Lã Anh Hào – Phó Trưởng phòng Điều hành Sản xuất, vốn xuất thân là một sĩ quan hải quân. Để triển khai công tác chuẩn bị cho phương án này, anh em đã tiến hành khảo sát luồng và đáy luồng khu vực cảng Hào Hưng, gia cố thêm đệm cao su trên phần đế giàn và nơi kè chắn sóng, chuẩn bị dây thép đủ lớn để nối xích buộc vào cầu cảng.

Đến trưa ngày 26/10, siêu bão Molave di chuyển theo hướng Tây, tiếp tục mạnh lên. Cảng vụ Quảng Ngãi liên tục yêu cầu các phương tiện đang neo đậu tại vịnh Dung Quất lập tức rời đi tránh bão. PVEP POC đã sẵn sàng cho kéo Đại Hùng 01 rời cảng Hào Hưng, chỉ chờ tàu kéo từ Vũng Tàu ra. Tốc độ xử lý công việc được đẩy lên cao hơn, vì chỉ còn chừng 40 giờ nữa là bão đến.

Ý tưởng lóe lên trong tuyệt vọng

Trong nhật ký của anh Lã Anh Hào đã ghi lại những dòng kỷ niệm:

“19 giờ ngày 26/10: Anh Đức, anh Tuệ chủ trì họp ngay tại giàn, rà soát, sắp đặt công việc cho từng người, bộ phận. 21 giờ ngày 26/10: PVEP POC nhận thông báo từ PTSC POS về việc 2 tàu kéo HD79 và TC Queen không thể ra Quảng Ngãi, sóng biển quá dữ dội, 2 tàu đang phải tránh bão tại Nha Trang. Không có 2 tàu kéo đó, không một phương tiện nào đủ sức để áp tải Đại Hùng 01 nặng xấp xỉ 10 nghìn tấn trên biển”.

Phương án tối ưu nhất đưa Đại Hùng 01 thoát khỏi siêu bão đã không thành công. Bao công sức chuẩn bị, giờ coi như đã đổ sông đổ bể.

Không ai biết rằng ngay thời điểm đó, Giám đốc Lê Đức Tuệ và các cộng sự đã kích hoạt ngay phương án thứ hai, tìm cách để giàn ở lại vùng biển Quảng Ngãi, sẵn sàng đương đầu với siêu bão. Ngày 27/10, Lãnh đạo PVEP POC đưa ra phương án neo đậu Đại Hùng 01 gần cảng Hào Hưng để tránh bão. Lãnh đạo cảng Hào Hưng phản đối, vì nếu phương án này thất bại, hậu quả không thể lường được. Cảng Hào Hưng yêu cầu PVEP POC di chuyển Đại Hùng 01 ngay lập tức ra khỏi khu vực cảng, càng xa càng tốt. Lúc này, việc kéo giàn ra phao số 0 không thể thực hiện được do không có tàu kéo đủ công suất hỗ trợ, chưa kể điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi, trên giàn lúc đó còn toàn bộ một ca làm việc với mấy chục con người, nên ngoài an toàn của giàn, còn là an toàn của con người, là tính mạng của anh em.

Sau nhiều thuyết phục, trình bày một cách cặn kẽ cách thức neo đậu, phân tích và đánh giá diễn biến của bão Molave, các bên đã thống nhất quyết định chọn phương án kéo Đại Hùng 01 ra phía ngoài, cách cầu cảng Hào Hưng 15m và cho “ngồi” trên đáy luồng cảng. Đây chính là kế hoạch vô cùng sáng tạo, chưa từng có tiền lệ, dù có phần mạo hiểm nhưng xác suất thành công rất đáng kể. Xuất thân là một cựu chiến binh từng có kinh nghiệm cho “ngồi” tàu đổ bộ, lại nhiều năm phụ trách hàng hải và đã thực hiện nhiều chiến dịch đưa giàn đi bảo dưỡng, nên với kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, sau khi thực nghiệm đo mức nước và khảo sát đáy biển khu vực ngoài cảng Hào Hưng, anh Lã Anh Hào khẳng định: Phương án khả thi!

Một bản cam kết được trao tận tay Giám đốc Lê Đức Tuệ, rằng nếu để xảy ra các hư hỏng, sự cố mà “Gấu Lớn” mất kiểm soát gây ra trong cơn bão, PVEP POC sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đền bù thiệt hại. Bản cam kết được chuyển về “tổng hành dinh” để bộ phận pháp lý nghiên cứu, đồng thời báo cáo Tổng Giám đốc PVEP Trần Quốc Việt xin chỉ đạo.

Anh Tuệ sau này kể lại, thời điểm đó, dù xin ý kiến chỉ đạo về một phương án mạo hiểm, có xác suất rủi ro, không biết có được chấp thuận hay không, nhưng với tâm thế của người đứng đầu tại thực địa, ở vào hoàn cảnh bão đổ bộ còn hơn chục giờ đồng hồ, PVEP POC đã xác định tâm thế sẵn sàng ký cam kết, sẵn sàng chịu trách nhiệm, vì anh tin phương án sẽ thành công, tin vào năng lực của đội ngũ tư vấn phương án neo đậu, tin vào sức chịu đựng của “Gấu Lớn”, tin vào báo cáo khảo sát luồng đáy tại khu vực cảng Hào Hưng. Anh và đồng nghiệp đã chọn cho ‘‘Gấu Lớn’’ vị trí “ngồi” núp sau đê chắn sóng, đáy là bãi cát bằng phẳng.

Ngay sau khi được sự đồng ý của Cảng vụ Quảng Ngãi, cảng Hào Hưng, PVEP POC lập tức dùng tàu lai kéo giàn ra cách cầu cảng 15m, tiến hành dằn ballast để “Gấu Lớn” chủ động “ngồi” đúng vị trí đã được đo đạc độ sâu và khảo sát đáy trước đó, lãnh đạo PVEP POC cho dừng toàn bộ hệ thống giàn (shutdown) và quyết định di tản toàn bộ nhân viên trên giàn về bờ.

Nhưng, có 4 người xin ở lại “sống chết” với giàn. Giám đốc Lê Đức Tuệ hiểu, anh em sẽ lo lắng hơn khi không trực tiếp xử lý nếu sự cố xảy ra với giàn, đó còn là tình cảm nhiều năm gắn bó, xem giàn là ngôi nhà thứ hai của mình. Bất kể thời tiết thế nào, kể cả trong những cơn bão, Đại Hùng 01 chưa khi nào vắng bóng người. Nhưng lần này, bão Molave được dự báo là “ngoài sức tưởng tượng”, giàn lại không được kết nối với chân đế, quá nguy hiểm. Chiều tối, tiếng gió bắt đầu rít. Ngồi trong giàn, nghe rõ tiếng sóng ầm ầm đánh vào. Dù có niềm tin “Gấu Lớn” sẽ chịu được bão, nhưng anh Tuệ quyết định: “Tất cả mọi người phải rời giàn, về đất liền tránh bão, an toàn vẫn là quan trọng nhất”.

18h00, chiếc xuồng cứu sinh chở nhóm cuối cùng rời giàn, sóng đã cao hàng chục mét, bập bềnh mãi mới cập được bến.

Hồi hộp vỡ òa trong chiến thắng

6 giờ ngày 28/10, bão tiến sát bờ biển Quảng Ngãi, mưa lớn, gió giật mạnh, sức gió đo được 125km/h. Đến 11 giờ trưa, siêu bão Molave đổ bộ vào Quảng Ngãi, cuồng phong diễn ra trong nhiều giờ, mưa lớn mù trời… Nhiều anh em đặt tay lên ngực cầu nguyện.

Từng giờ, từng giờ qua đi.

Căng thẳng nhất chính là sự chờ đợi. Giám đốc Tuệ liên tục quan sát Đại Hùng 01 từ CCTV, yên tâm phần nào khi thấy vị trí giàn như lúc ballast trước bão, hai xích neo số 5, số 7 kết nối với cầu cảng bằng cáp thép không dịch chuyển. Thông tin liên tục truyền về Tập đoàn, Tổng Công ty PVEP, những “tư lệnh” các cấp như đồng chí Lê Mạnh Hùng, đồng chí Trần Quốc Việt cũng luôn bám sát diễn biến, đưa ra những lời động viên và chỉ đạo sát sao để anh em thêm tinh thần, quyết tâm vượt qua siêu bão.

Đó chính là khoảnh khắc của thước phim quay chậm trong “đêm trắng”. Không ai bảo ai, nhưng trong cuộc chiến với siêu bão Molave ở thời điểm này, mọi người đều chung một niềm tin chiến thắng.

Sáng sớm ngày 29/10, khi những cơn cuồng phong qua đi, mọi người thở phào, siết chặt tay nhau chúc mừng khi nhìn qua CCTV, “Gấu Lớn” vẫn ở đó, vững như bàn thạch, dù sóng vẫn đánh trùm lên giàn, tung bọt trắng xóa. Mọi người không kìm được sự vui mừng khi gặp lại “Gấu Lớn”. Nhưng anh Tuệ xác định, thời điểm này chưa đến lúc, cần tiến hành ngay các công việc tiếp theo vì theo dự báo thời tiết, cơn bão số 10 có tên Goni đã xuất hiện, phải ngay lập tức di chuyển Đại Hùng 01 ra khỏi rốn bão miền Trung. Tất cả lại khẩn trương bắt tay vào công việc cho giàn nổi lên, đánh giá lại toàn bộ giàn, kiểm tra trang thiết bị, thuê cả thợ lặn để kiểm tra các thiết bị dưới biển, may mắn làm sao không phát hiện bất thường đáng kể, hệ thống năng lượng bình thường.

Ngày 1/11/2020, tàu kéo đến, ai vào việc nấy, nhanh nhẹn, khẩn trương, chính xác. Một ngày sau, “Gấu Lớn” đã ra đến khu vực đảo Phú Quý, ngoài tầm ảnh hưởng của bão số 10.

Chiến thắng siêu bão Molave ở cảng Hào Hưng tháng 10/2020 đã góp phần quan trọng trong thành công của chiến dịch biển 2020 của PVEP POC, đóng góp rất quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch khai thác của PVEP nói riêng và Petrovietnam nói chung trong năm 2020. Sự kiện này còn là dấu mốc minh chứng cho sự phát triển về năng lực, chuyên môn và bản lĩnh vững vàng của con người PVEP trước những thời điểm quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của cả một dự án, công trình dầu khí!

Nguyễn Hùng Sơn