18/09/2014 4:14:21

CTAT – nơi thể hiện trí tuệ Dầu khí

Trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất), Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (CTAT) – Viện Dầu khí là một trong các nhà thầu Việt Nam đã làm chủ công nghệ chống ăn mòn cho các thiết bị và hệ thống đường ống… góp phần tiết kiệm chi phí, giảm thời gian 4 ngày cho đợt bảo dưỡng tổng thể của NMLD Dung Quất.  

Làm chủ công nghệ

Khi nhà máy lọc dầu hoạt động, hàng chục phân xưởng với cả ngàn thiết bị cùng lúc vận hành sẽ tỏa ra một lượng nhiệt vô cùng lớn. Hệ thống đường ống dẫn nước biển có nhiệm vụ cung cấp nước làm mát cho toàn bộ nhà máy nên có vai trò cực kỳ quan trọng trong vận hành. Do vỏ các thiết bị trao đổi nhiệt và đường ống dẫn nước biển thường được chế tạo bằng thép cacbon lại tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước biển xâm thực mạnh nên nguy cơ ăn mòn rất lớn, đặc biệt là ăn mòn lỗ (pitting).

Ngoài quá trình ăn mòn bên trong, nguy cơ ăn mòn bên ngoài các đường ống, công trình ngầm cũng rất lớn. Bảo vệ chống ăn mòn bằng lớp phủ kết hợp với bảo vệ catot là phương pháp hữu hiệu cho phép chống ăn mòn hiệu quả và triệt để. Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ – Viện Dầu khí Việt Nam là một trong các đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực ăn mòn và bảo vệ kim loại, đã thực hiện khảo sát và đánh giá hiệu quả hệ thống bảo vệ catot chống ăn mòn cho 27km đường ống ngầm, đã đưa ra các khuyến cáo kịp thời giúp cho hệ thống bảo vệ catot hoạt động an toàn và hiệu quả.

CTAT - nơi thể hiện trí tuệ Dầu khí

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm phòng thí nghiệm của CTAT

Trong khuôn khổ kiểm định Cảng xuất sản phẩm (Jetty) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, CTAT cũng đã thực hiện nội dung kiểm tra hoạt động của toàn bộ hệ thống bảo vệ catot chống ăn mòn cho hơn 2.000 cọc thép của Cảng Xuất sản phẩm. Báo cáo kiểm định cảng của liên danh nhà thầu mà CTAT đứng đầu có độ tin cậy cao, được đơn vị thẩm tra độc lập chấp nhận, đối tác đánh giá cao và đã được Cục Hàng hải phê duyệt kết quả kiểm định.

Trong quá trình bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 2014 vừa qua, một số anot hy sinh nhôm được sử dụng để bảo vệ chống ăn mòn bên trong thiết bị trao đổi nhiệt và đường ống dẫn nước biển đã bị hòa tan hết trong quá trình vận hành, cần phải thay thế gấp. CTAT đã khảo sát hiện trạng và tìm ra nguyên nhân dẫn đến tăng tốc độ hòa tan một số anot, chủ động đề xuất Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thay mới các anot hy sinh hoạt động kém hiệu quả và sửa chữa các điện cực so sánh nhằm theo dõi điện thế bảo vệ công trình một cách chính xác. Được sự đồng ý của BSR chỉ trong vòng 1 tuần CTAT đã sản xuất các anot hy sinh, cần thay thế theo yêu cầu của nhà máy, đảm bảo chất lượng và tiết kiệm thời gian so với nước ngoài 10-15 ngày.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lê Hiền, Phó trưởng phòng Chống ăn mòn cho biết thêm, một vấn đề khá nan giải mà CTAT đã thành công là đánh giá chính xác hiện trạng của hệ thống thiết bị tách xúc tác cyclone, nguyên nhân dẫn đến các hư hỏng và đề xuất các biện pháp khắc phục. Sau khi phát hiện hư hỏng, CTAT đã cử ngay chuyên gia vào NMLD Dung Quất khảo sát thực tế, quan sát trực quan, tìm hiểu chế độ vận hành, môi chất làm việc của cyclone, lấy mẫu và phân tích các sản phẩm ăn mòn.

Khảo sát dưới lớp cách nhiệt bị nứt và bong tróc, phần kim loại và đường hàn bên dưới có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng như đường hàn bị nứt, bề mặt kim loại có hiện tượng ăn mòn hóa học ở nhiệt độ cao tạo thành các lớp vảy giòn, có thể bong ra từng mảng. Các chuyên gia của CTAT đã phân tích, đánh giá hiện trạng, đưa ra khuyến cáo và các biện pháp gia cường tại các vị trí bị thép bị ăn mòn sâu, bọc lại lớp cách nhiệt đảm bảo chất lượng, tránh hiện tượng nứt, bong tróc hoặc xuống cấp trong quá trình vận hành sau này.

Bảo vệ độ bền vững công trình

Cách đây 30 năm, nghiên cứu chống ăn mòn bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những nghiên cứu sinh đầu tiên học tập tại Liên Xô (cũ). Công trình quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ chống ăn mòn kim loại được nhiều người biết đến là đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 của Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy. Sau hàng chục năm nghiên cứu, ứng dụng, CTAT là một trong những trung tâm hàng đầu Việt Nam đã thực sự làm chủ công nghệ chống ăn mòn, sản xuất thiết bị và trực tiếp thực hiện cho các công trình dầu khí trên cả nước.

Trong 10 năm qua, CTAT đã thực hiện gần 40 dự án của các đơn vị trong và ngoài nước, chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2015 có 10 dự án đang được CTAT thực hiện các công tác chống ăn mòn. Trong đó, nổi bật là các công tác như đánh giá, lựa chọn hệ sơn phủ phù hợp với công trình Đại Hùng, mô phỏng, đánh giá hiện trạng của hệ thống bảo vệ catot, tối ưu hóa quá trình phân bố dòng bảo vệ cho toàn công trình của Dự án Lớp phủ đánh giá và mô hình hóa cực âm bảo vệ (Coating Evaluation and Modeling Cathodic Protection) cho Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP – POC); đánh giá hiện trạng ăn mòn trên toàn giàn Cá Ngừ Vàng, cung cấp các giải pháp chống ăn mòn bên trong cho toàn giàn, định hướng phối hợp giám sát thử nghiệm bơm hóa phẩm chống ăn mòn cho Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long và Hoàn Vũ (Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC); nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp chống ăn mòn cho một số nhà máy điện điển hình của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), xây dựng phông ăn mòn cho các nhà máy điện giúp Tập đoàn định hướng sửa chữa nhà máy điện cũ và phát triển các dự án điện mới cho PVN…

Từ những ngày đầu, lĩnh vực ăn mòn đã được CTAT định hướng là lực lượng nòng cốt, mũi nhọn cần đẩy mạnh phát triển. Trung tâm đã tập trung xây dựng và đầu tư hệ thống trang thiết bị ăn mòn hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, đào tạo và tuyển dụng đội ngũ cán bộ khoa học chuyên nghiệp nhằm đáp ứng mọi yêu cầu trước mắt và lâu dài cho ngành Dầu khí Việt Nam. Với sự ủng hộ của Viện Dầu khí cũng như PVN, CTAT đã được đầu tư hệ thống thiết bị chuyên dụng phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu ăn mòn trong phòng thí nghiệm cũng như thiết bị thử nghiệm, đánh giá, theo dõi ăn mòn tại hiện trường như thiết bị thử nghiệm ăn mòn ở điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao, hệ thiết bị điện hóa nghiên cứu ăn mòn tại phòng thí nghiệm, thiết bị theo dõi ăn mòn trong lòng giếng khoan, hệ thiết bị khảo sát hệ thống bảo vệ catot tại hiện trường, hệ thiết bị siêu âm B-Scan, C-Scan, các phần mềm mô phỏng ăn mòn và chống ăn mòn… Mặt khác, trung tâm cũng chú trọng đến con người, vừa đào tạo chuyên sâu, kết hợp tuyển dụng những cán bộ được đào tạo ở nước ngoài, có trình độ chuyên môn tốt. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã dần có chiều sâu và từng bước khẳng định chất lượng dịch vụ đem lại cho các đối tác.

NMLD Dung Quất, các giàn khoan khai thác dầu khí trên biển của Việt Nam, các công trình nhiệt điện của dầu khí… đang có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Bởi vậy, sẽ không quá khi nói rằng, bằng trí tuệ, bản lĩnh của những con người dầu khí, CTAT đã và đang là những người bảo vệ đáng tin cậy cho độ bền vững của các thiết bị và công trình PVN.

Tùng Dương