13/09/2022 10:52:03

Cốt cách văn hoá ở BSR

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ở Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), văn hoá doanh nghiệp được xây dựng với phương châm phải làm sao “tự nhiên như hơi thở” như bản năng, để người lao động tự cảm nhận, hoà mình vào văn hoá chung.

Phản xạ văn hoá không điều kiện

BSR có được tầm vóc như ngày hôm nay là thành quả xây dựng của rất nhiều thế hệ đi trước. Kế thừa và phát huy những giá trị được hình thành từ quá khứ đến hiện tại và phát triển trong tương lai, lãnh đạo BSR đã thống nhất lựa chọn, triển khai xây dựng văn hóa BSR với 5 giá trị cốt lõi: “Chính trực – Chuyên nghiệp – Đoàn kết – Sáng tạo – Hiệu quả”.

Tạo ra một hệ giá trị cốt lõi giống như xây dựng một “hệ điều hành” chuẩn mực, đào tạo. Từ đó trau dồi cho anh em cán bộ công nhân viên sống cư xử làm việc theo hệ quy chiếu, tạo thành bản năng văn hoá trong mỗi con người. Hệ quy chiếu ấy là thước đo để mọi người ứng xử dựa trên các nguyên tắc đồng thuận chung bằng văn hoá, tri thức; dựa trên sự tôn trọng quy trình, tôn trọng quy chế, kỉ luật, tôn trọng mỗi cá nhân trong tập thể.

Cốt cách văn hoá ở BSR
Người lao động BSR và hệ giá trị cốt lõi của công ty.

Ở BSR có một Ban chỉ đạo về văn hoá doanh nghiệp, trong đó Chủ tịch HĐTV Nguyễn Văn Hội là Trưởng ban. Về quan điểm triển khai, ông Hội cho rằng, trước hết cần thấm nhuần văn hóa trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc, làm cho các giá trị văn hóa thể hiện rõ nét mọi hoạt động của tổ chức. Từ đó lan tỏa đến toàn thể người lao động, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động làm việc tin tưởng, tự hào và gắn bó với công ty. Các lãnh đạo công ty cần phát huy hơn nữa trách nhiệm nêu gương của bản thân trong tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên và làm gương thực hành văn hóa trong những việc làm thường xuyên, hàng ngày.

Quan điểm quản trị của lãnh đạo ở BSR là tập trung vào phát triển con người, xây dựng văn hoá ở từng cá nhân thành bản năng, thành phản xạ văn hoá không điều kiện. Sau đó sẽ gắn kết từng cá nhân để hình thành văn hoá doanh nghiệp đặc trưng. Khi nền tảng văn hoá tốt thì tất cả hành xử sẽ tự vào nề nếp, giống một hệ thống bánh răng tự ăn khớp với nhau. Đó là cách xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở BSR.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Công đoàn BSR chia sẻ rằng, trong hệ giá trị cốt lõi đó, cái sau là hệ quả của cái trước. “Làm gì cũng phải “chính trực”, khi làm việc bằng một cái tâm sáng thì kết quả sẽ tốt. Ngày hôm nay chưa tốt, nhưng ngày mai sẽ tốt hơn. Rồi tự nhiên sự “chuyên nghiệp” sẽ đến, và sau cùng là sự “hiệu quả”, ông Dũng lý giải về hệ giá trị cốt lõi mà BSR xây dựng và hướng tới.

Cốt cách văn hoá ở BSR
Ông Bùi Ngọc Dương – Tổng giám đốc BSR trao quà cho người lao động BSR khi tham gia giải chạy marathon.

Trong những năm vừa qua, người lao động BSR rất tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội. Hơn 250 tỷ đồng, đó là con số mà BSR đóng góp để xây dựng các hoạt động an sinh, xã hội. Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, đó là đơn vị đo lường được thể hiện một cách cơ học để minh hoạ cho một phần giá trị văn hoá doanh nghiệp của BSR. Cũng làm an sinh xã hội, nhưng cách người lao động BSR làm an sinh xã hội vẫn có những nét riêng, theo một phương cách tận tuỵ, “chính trực” và đầy nhân văn. Đó là cách người BSR tri ân, thể hiện trách nhiệm với thế hệ trước, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng… Dấu chân thiện nguyện của người lao động BSR in dấu khắp nơi khi họ xây dựng các công trình an sinh xã hội như trường học, trạm y tế… ở Tây Bắc, ở đồng bằng sông Hồng, ở ven biển miền Trung và cả Tây Nguyên. Người BSR coi đó là trách nhiệm, việc đó sẽ góp phần thắp sáng ước mơ học tập, ước mơ được khám chữa bệnh… cho đồng bào của mình. Đó là một phần trong cốt cách, văn hoá doanh nghiệp của BSR.

 nhân khoẻ, doanh nghiệp mạnh”

Đó là một câu trên bangron “Giải việt dã Mùa xuân” được BSR tổ chức năm 2020. Đó cũng là quan điểm phát triển doanh nghiệp tại BSR. Cá nhân khoẻ ở đây là khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Để làm được điều đó, BSR tạo ra môi trường thoải mái cho đội ngũ cán bộ, nhân viên bằng cách mở và duy trì hoạt động rất nhiều câu lạc bộ, đội nhóm thể thao như chạy bộ, cầu lông, khiêu vũ, bóng đá… Trung bình mỗi tháng, công ty đều có một sự kiện thể thao lành mạnh cho người lao động sau mỗi ca làm việc. Đời sống của cán bộ nhân viên là điều BSR đặc biệt quan tâm. Người lao động phải khỏe, phải vui thì mới nghĩ đến việc cống hiến cho doanh nghiệp. “Chúng tôi khuyến khích đội ngũ nhân viên của mình tập luyện thể dục thể thao. Đó là cách tốt nhất để duy trì sự tập trung, sức khỏe cho công việc và cuộc sống”, ông Bùi Ngọc Dương – Tổng Giám đốc BSR chia sẻ.

Cốt cách văn hoá ở BSR
Cá nhân khoẻ, doanh nghiệp mạnh.

Nhất quán với quan điểm văn hoá doanh nghiệp phải được triển khai từ lãnh đạo công ty, không chỉ cán bộ nhân viên, nhiều lãnh đạo của BSR như Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị hay Chủ tịch công đoàn cũng tham gia những hoạt động này. Theo ông Nguyễn Hải Âu – Thành viên HĐTV BSR, việc này giúp hình thành sự gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên, thông qua đó tạo ra nét văn hóa đặc trưng cho doanh nghiệp, bên cạnh sự kỷ cương, gắn kết và chuyên nghiệp.

Từ sức khoẻ, kỷ cương và sự gắn kết; BSR và người lao động đã vượt qua rất nhiều khó khăn trên con đường xây dựng và phát triển công ty. Hai năm 2020, 2021 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam khi Covid – 19 tàn phá chuỗi cung ứng và nền kinh tế. BSR cũng không là ngoại lệ. Khó khăn nhưng không khủng hoảng, BSR đã vượt qua thời điểm ấy bằng nền tảng văn hoá doanh nghiệp, bằng những phương cách quản trị biến động. Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, thời điểm khó khăn ấy là một bài test áp lực cao về năng lực chống chịu, khả năng làm việc của người lao động BSR trong môi trường ngặt nghèo. Nhưng nhờ sự cố gắng, đồng hành, thay đổi bản thân để thích nghi và bằng chất keo “văn hoá doanh nghiệp” tạo nên sự đoàn kết; BSR và người lao động của công ty đã vượt qua thời điểm khó khăn đó bằng một sự bình tâm, tích cực hiếm có.

Cốt cách văn hoá ở BSR
Ông Nguyễn Tấn Dũng – Chủ tịch Công đoàn BSR trao quà cho con em người lao động BSR có thành tích học tập tốt.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hơn nữa, nó chính là sức mạnh, là tài sản vô hình, là chất keo kết dính các thành viên trong doanh nghiệp, thúc đẩy họ nỗ lực, sáng tạo, đóng góp vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Xét trên khía cạnh này, BSR đang làm rất tốt việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Từ nền tảng văn hoá doanh nghiệp, BSR đã vượt qua khó khăn và đạt được những thành quả đáng tự hào về doanh thu, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Trong quý 6 tháng đầu năm 2022, BSR đạt doanh thu 87.865 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 10.636 tỷ đồng. Theo tính toán, lợi nhuận sau thuế của BSR trong 6 tháng đầu 2022 bằng 50% lợi nhuận sau thuế của cả giai đoạn 2009 – 2020. Đó là những thành quả nhờ nền tảng từ sự đoàn kết, chuyên nghiệp và hiệu quả từ từng cá nhân trong công ty – những thứ mà BSR xây dựng được trong việc phát triển văn hoá doanh nghiệp tại công ty.

Thanh Hiếu