Ngày 03/7/2021, Công ty Khí Cà Mau (KCM) tròn 15 năm thành lập. Kỷ niệm sự kiện quan trọng này trong những ngày cả nước đề cao công tác phòng chống đại dịch Covid, KCM xác định tập trung hoàn thành nhiệm vụ SXKD, bảo đảm an toàn đẩy lùi dịch bệnh.Chào mừng ngày vui của Công ty cũng như của toàn PV GAS và ngành công nghiệp Khí, Giám đốc KCM Nguyễn Văn Bé Ba đã có cuộc trao đổi trực tuyến để cùng nhìn lại chặng đường KCM – hành trình mang dấu ấn của những thành công nổi bật và ấm áp lòng nhân ái, sẻ chia trên vùng đất phương Nam chân chất, nghĩa tình.
PV: Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập KCM (03/7/2006 -03/7/2021), chúng ta cùng ôn lại sơ lược về lịch sử hình thành KCM – Đơn vị trẻ của PV GAS?
Giám đốc KCM Nguyễn Văn Bé Ba: KCM được thành lập ngày 3-7-2006 với tên gọi ban đầu là Xí nghiệp Khí Cà Mau thuộc Công ty Chế biến và kinh doanh các sản phẩm khí (nay là Tổng công ty Khí Việt Nam – PV GAS) với nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau bao gồm 298km đường ống biển và 27km đường ống bờ.
PM3 – Cà Mau bắt đầu thi công từ tháng 6-2005; ngày 29-4-2007 chính thức đón dòng khí đầu tiên vào bờ; ngày 15-5-2007 bắt đầu cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 1; ngày 28-5-2008 cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 2; ngày 15-9-2011 cấp khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau và ngày 6-12-2017 tiếp nhận quản lý, vận hành Nhà máy Xử lý khí Cà Mau. Nhà máy Xử lý khí Cà Mau là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện toàn bộ Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau.
Năm 2021 là kỷ niệm 15 năm thành lập KCM, từ số lượng cán bộ ban đầu chỉ có 6 người, đến nay đội ngũ CBCNV của KCM đã lên đến hơn 200 người với nhiều kinh nghiệm làm việc và hoàn toàn làm chủ công nghệ.
Một góc nhà máy Xử lý Khí Cà Mau |
PV: Trong hành trình 15 năm đó, đồng chí có thể nêu bật những thành tựu nổi bật của Công ty?
Giám đốc KCM Nguyễn Văn Bé Ba: Qua 15 năm xây dựng, hình thành và phát triển, đến nay hệ thống khí PM3-Cà Mau đã tiếp nhận hơn 22 tỷ m3 khí, cấp khí ổn định cho 2 nhà máy Điện với công suất 1.500MW, 1 nhà máy Đạm với công suất 800.000 tấn phân đạm/năm và 1 nhà máy xử lý khí để sản xuất 120.000 tấn LPG và 5.000 tấn Condensate 1 năm. Tính đến nay, hệ thống đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, KCM đã thành công trong việc xây dựng Văn hoá doanh nghiệp với 4 giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, sáng tạo, kết nối” là kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động của đơn vị. Nói đến KCM là mọi người sẽ nghĩ ngay đến một tập thể trẻ, khoẻ, năng động, nhiệt tình, làm hết sức, sống hết mình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hàng năm, KCM luôn là một trong những lá cờ đầu của Tổng Công ty Khí Việt Nam trong việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao cả về hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đoàn thể.
Công ty Khí Cà Mau phát triển Văn hóa doanh nghiệp “Chuyên nghiệp – Trách nhiệm – Sáng tạo – Kết nối” |
PV: KCM đã trưởng thành như thế nào từ những bước chập chững ban đầu đến vai trò chủ đạo, tiên phong trong ngành công nghiệp khí ĐBSCL?
Giám đốc KCM Nguyễn Văn Bé Ba: Khi mới thành lập và công trình đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau đang thi công, đội ngũ tiếp nhận vận hành công trình hầu như toàn bộ là các anh em mới ra trường hoặc chỉ tham gia vào các lớp dự án ngắn hạn, kiến thức có được chỉ thiên về lý thuyết, chưa có kinh nghiệm thực tế. Các tài liệu kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, học tập rất ít, hầu như không có. Lúc đó Internet cũng chưa phát triển như bây giờ. Các tài liệu phải đi xin đơn vị quản lý dự án để sao chụp lại rồi chuyền tay nhau nghiên cứu, tự tìm hiểu rồi khắc phục từng bước, vừa học vừa làm dần dần anh em trưởng thành hơn.
Sau đó, trong quá trình tham gia giám sát thi công, lắp đặt, đội ngũ nhân sự KCM dần dần làm chủ được công nghệ và đã tiếp nhận thành công công trình đường ống PM3-Cà Mau để cấp khí an toàn cho các nhà máy Điện, Đạm Cà Mau. Bên cạnh các khoá đào tạo, huấn luyện bên ngoài do các hãng cung cấp giải pháp công nghệ thực hiện, KCM chủ động tổ chức các khoá đào tạo nội bộ để những cán bộ có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn trực tiếp cho đội ngũ mới vào làm. Tri thức và kinh nghiệm được chia sẻ, lan toả trong toàn bộ CBCNV, góp phần duy trì và phát triển tiềm lực của KCM.
Năm 2017, KCM tiếp nhận vận hành thành công công trình Nhà máy Xử lý khí Cà Mau với công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng được đặt tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Công trình nhằm mục đích thực hiện chế biến sâu để gia tăng giá trị khí PM3, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Công trình Nhà máy xử lý Khí Cà Mau có công nghệ rất phức tạp so với công trình đường ống PM3-Cà Mau. Công ty Khí Cà Mau hiện nay có thể xem là mô hình thu nhỏ của Tổng Công ty Khí Việt Nam (Công ty Mẹ) khi có đầy đủ các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tổng Công ty như vận chuyển, chế biến, kinh doanh, quản lý dự án, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa…
KCM tổ chức hoạt động trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan môi trường (Ảnh chụp trước ngày 27/4) |
PV: Đồng chí có thể đánh giá về những đóng góp của KCM đối với sự phát triển của tỉnh nhà, một tỉnh nông nghiệp ở vùng địa đầu cực nam của đất nước?
Giám đốc KCM Nguyễn Văn Bé Ba: Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau hàng năm đóng góp khoảng 30-40% cho ngân sách tỉnh, góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh Cà Mau, trong đó có phần đóng góp của KCM. Trong suốt 15 năm qua, KCM luôn đồng hành với Chính quyền địa phương trong việc thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như tiếp sức đến trường, thăm hỏi các gia đình chính sách, các gia đình có công với cách mạng, trao tặng nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết,…
Người lao động KCM làm việc trên công trình khí |
Năm 2016, KCM bắt đầu triển khai chương trình “Gieo hạt giống tương lai” nhằm tài trợ học bổng cho các sinh viên giỏi ở Cà Mau đang theo học tại các trường Đại học trong cả nước. KCM còn phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Cà Mau triển khai chương trình hướng nghiệp cho học sinh cấp 3 ở Cà Mau. Các em học sinh sẽ đi tham quan các công trình khí và sẽ được các kỹ sư đang trực tiếp làm việc tại công trình Khí – Điện – Đạm Cà Mau chia sẻ kinh nghiệm lựạ chọn ngành nghề, nhu cầu nhân lực Cụm Khí – Điện – Đạm, cũng như các định hướng phát triển khoa học kỹ thuật trong tương lai.
KCM cũng là đầu mối của PV GAS tại miền Tây, tham gia tích cực vào rất nhiều chương trình xã hội ý nghĩa như xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kêt; hỗ trợ xây trường – trạm y tế – các chương trình phát triển nông thôn; tích cực hỗ trợ địa phương hoàn thành Ngày hội Bầu cử toàn dân tươi vui và an toàn; tham gia các chương trình phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch – tôn vinh những giá trị của Cà Mau và miền Tây Nam bộ… Đặc biệt, KCM hợp tác bền chặt với chính quyền, các lực lượng vũ trang và người dân duy trì các chương trình bảo vệ an ninh, an toàn đường ống và hệ thống khí; góp phần đem lại cuộc sống an vui và phát triển cho địa phương.
Phối hợp tuần tra bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống khí trên biển |
KCM có được thành công như ngày hôm nay là do đóng góp từ những bàn tay khối óc của các thế hệ lãnh đạo, của đội ngũ người lao động được hội tụ từ mọi miền Tổ quốc về đây để góp phần xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng giàu đẹp. Cùng với toàn thể chuỗi giá trị công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, PV GAS/KCM đã khẳng định thương hiệu, văn hóa Dầu khí tốt đẹp, hợp tác cùng phát triển với miền Tây cũng như cả nước.
Hoạt động an sinh xã hội của KCM |
PV: Là 1 trong 6 cán bộ đầu tiên được PV GAS cử đến Cà Mau để phát triển ngành công nghiệp Khí tại miền Tây Nam bộ; gắn bó với KCM ngay từ những ngày đầu đầy gian khó, đồng chí có thể chia sẻ kỷ niệm sâu sắc của mình ở nơi đây?
Giám đốc KCM Nguyễn Văn Bé Ba: Trước khi xuống Cà Mau làm việc, tôi cũng như hầu hết các cán bộ đầu tiên của KCM hoàn toàn không biết gì về Cà Mau, chưa hề đặt chân đến đây. Đi ô tô lúc sáng sớm ở Vũng Tàu nhưng chiều tối mịt mới đến Cà Mau. Cảm giác đường đi cứ xa thăm thẳm. Lúc mới xuống thì đường sá, công trình xã hội ở Cà Mau không được khang trang như bây giờ. Muốn ra đến trạm tiếp bờ để giám sát thi công phải đi 3 loại phương tiện: Ô tô, xe máy và vỏ lãi. Người dân địa phương thấy sự xuất hiện của các anh cán bộ, công nhân lao động mặc áo xanh, áo đỏ, áo vàng cũng rất thích thú và nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Người dân có vỏ lãi đi lại nhưng chưa bao giờ họ nghĩ sẽ chạy thuê cho chúng tôi, rồi một số nhà dân nấu cơm cho anh em công trường. Không khí cứ hóa hức, rộn rã, chan hòa như vậy.
Điều tôi cảm nhận sâu sắc ở Cà Mau, đó là cái tình của vùng đất này. Sự chân chất, thật thà của người dân; sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang, các đối tác… cùng chung tay chăm lo cho công trình Khí – Điện – Đạm. Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu đi làm công tác xã hội ở Cà Mau nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/07/2007. Đoàn chúng tôi khoảng 15 người đi thăm nhà Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, kế hoạch chỉ đến thăm và tặng ít quà. Nhưng khi nói lời tạm biệt thì cả gia đình níu lại, không cho về và mời cả đoàn dùng cơm trưa. Phần quà bỗng chốc trở nên nhỏ bé so với số tôm cua cá mà gia đình mời cả đoàn, như chào đón những đứa con. Đó là kỷ niệm và ấn tượng để đời cho tôi, trở thành quan điểm “trở về với gia đình thân yêu” khi tổ chức các chương trình an sinh xã hội tại Cà Mau.
Tỏa sáng thành công, gắn kết tình người |
Bước đến cột mốc 15 năm thành lập, tập thể người lao động KCM trân trọng tri ân toàn thể các thế hệ lãnh đạo và CBCNV đã tạo dựng một tên tuổi công ty từ những ngày đầu tiên; trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ hiệu quả, kịp thời của Ban Lãnh đạo PV GAS cũng như Tập đoàn và các cấp cao, sự đồng lòng đồng sức của các đơn vị đồng nghiệp và đối tác; cùng sự hỗ trợ to lớn của Chính quyền và nhân dân địa phương. Thành công tỏa sáng của KCM ngày hôm nay tại miền Tây Nam bộ là thành tựu chung của tất cả chúng ta, người lao động KCM xin được chia sẻ niềm vui và hứa nỗ lực hơn nữa vì những mục tiêu tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã chia sẻ và chúc mừng KCM tuổi 15 rực rỡ!
Trong 15 năm, PM3 – Cà Mau đã tiếp nhận hơn 22 tỉ m3 khí, cấp khí ổn định cho 2 nhà máy điện với công suất 1.500 MW, 1 nhà máy đạm với công suất 800.000 tấn phân đạm/năm và 1 nhà máy xử lý khí để sản xuất 120.000 tấn LPG và 5.000 tấn condensate mỗi năm. PM3 – Cà Mau đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 12 nghìn tỉ đồng.
Mai Phương