Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2021 đến nay liên tiếp tác động mạnh mẽ tới đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân, lao động (CNLĐ) cả nước, nhất là CNLĐ tại các khu công nghiệp (KCN). Là tổ chức đại diện quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ), thời gian qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có đổi mới mạnh mẽ, với nhiều hoạt động hướng về NLĐ. Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm CNLĐ tại Thái Nguyên
PV: Qua bốn lần bùng phát, dịch Covid-19 đã tấn công vào KCN, các cấp công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, thiết thực đối với đoàn viên, NLĐ. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Làn sóng dịch bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4 đến nay đã tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động (CNLĐ) nhất là CNLĐ tại các khu công nghiệp. Bên cạnh 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, đến nay tại 25 tỉnh, thành phố phía Nam đã có gần 11 nghìn F0, gần 90 nghìn F1 và hơn 200 nghìn F2 là CNVCLĐ. Hàng triệu CNLĐ cả nước phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do đang cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày. Đời sống, việc làm của đoàn viên, CNLĐ, nhất là tại các doanh nghiệp bị phong tỏa gặp rất nhiều khó khăn.
Sát cánh với người lao động, các cấp công đoàn đã tích cực, chủ động vào cuộc từ sớm, phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng hành cùng Chính phủ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tham gia duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã sớm quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hàng chục nghìn cán bộ công đoàn các cấp ngày đêm bám trụ cơ sở, theo sát chăm lo cho CNLĐ ở các tâm dịch. Các cấp Công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho người lao động. Hàng chục nghìn suất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên, người lao động. Xuất hiện nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu quả, như: Tổ an toàn Covid-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động… Mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách đã đóng góp ba ngày lương để ủng hộ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19.
Đến nay, các cấp Công đoàn đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, NLĐ là 1,061,979 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn. Trong đó, Tổng Liên đoàn chi hơn 19,3 tỷ đồng; công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở chi 423,813 tỷ đồng hỗ trợ 867.972 đoàn viên, NLĐ; chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch là 390,9 tỷ đồng; chi từ nguồn xã hội hóa và người sử dụng lao động hỗ trợ qua tổ chức công đoàn tại cơ sở là 227,966 tỷ đồng.
PV: Được biết, một số nội dung tổ chức công đoàn kiến nghị đã được cơ quan chức năng tiếp thu, đưa vào nội dung Nghị quyết 68/NQ-CP. Từ thành công này, tổ chức công đoàn đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý nào trong quá trình tham mưu, đề xuất chính sách pháp luật liên quan đến CNLĐ? Đến nay, công tác triển khai hỗ trợ CNLĐ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên,NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đã đạt những kết quả cụ thể ra sao? Còn có những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Từ thực tế tham gia giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ lần thứ nhất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, tổ chức Công đoàn đã nhận thấy một số bất cập làm cho hiệu quả không cao, chưa sát với yêu cầu thực tế. Thực tiễn đó là căn cứ để Tổng Liên đoàn chủ động nghiên cứu, có kiến nghị kịp thời để chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong đợt dịch thứ 4 này sát hợp hơn. Rất mừng là nhiều ý kiến xác đáng của tổ chức Công đoàn đã được tiếp thu trong Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tính khả thi, nhận được sự đồng tình của tuyệt đại đa số người lao động.
Kinh nghiệm cho thấy một chính sách tốt là một chính sách bắt nguồn từ thực tiễn, từ sự lắng nghe, thấu hiểu cơ sở, đặt mình vào vị trí của người lao động. Quá trình lắng nghe này phải thường xuyên, tích cực, đa chiều, chủ động, ngay cả khi chính sách đã được ban hành để từ đó điều chỉnh kịp thời khi quá trình triển khai gặp khó khăn. Bởi diễn biến của dịch bệnh rất nhanh chóng, khó lường và thực tiễn thường phong phú, đa dạng mà chính sách không dễ bao quát, dự báo hết được. Cán bộ Công đoàn cần có đủ trình độ, năng lực để có thể phát hiện cũng như nghiên cứu, tham mưu “hoá giải” được những bất cập khi chính sách chưa sát với đời sống đoàn viên, người lao động. Thời gian qua, lực lượng cán bộ làm chính sách của các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực, có những tham mưu đúng và trúng, được người lao động hết sức hoan nghênh.
Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg, chúng tôi cho rằng đây là chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và doanh nghiệp trong quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, tham gia tổ chức, giám sát việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ này để người lao động được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất. Tinh thần chỉ đạo là công đoàn các cấp phải chủ động vào cuộc ngay từ đầu để cùng doanh nghiệp lập danh sách, hồ sơ bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Qua nghe ý kiến phản ánh từ cơ sở, chúng tôi thấy chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương theo Nghị quyết 68/NQ-CP đang vướng mắc về hồ sơ do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người lao động không thể ký văn bản thỏa thuận nghỉ việc, hoặc không thể đi công chứng, chứng thực các giấy tờ cá nhân. Do đó, Tổng Liên đoàn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn để khắc phục những bất cập này. Tổng Liên đoàn cũng đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Đối với việc triển khai Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn, đây là một chính sách mới, tạo thế chủ động cho các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương trong việc xác định đối tượng và mức chi cụ thể cho từng trường hợp bằng nguồn tài chính Công đoàn tích lũy của các đơn vị nên việc triển khai rất kịp thời. Tính riêng kết quả triển khai Quyết định 2606/QĐ-TLĐ, các cấp Công đoàn đã chi gần 195 tỷ đồng hỗ trợ cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó số tiền chi hỗ trợ trực tiếp cho gần 242 nghìn đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là gần 139 tỷ đồng.
PV: Tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tap, khó lường, là người đứng đầu tổ chức bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, đồng chí có nhắn gửi gì tới toàn thể CNVCLĐ cả nước?
Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Trong “cuộc chiến” phòng chống dịch Covid-19 đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, cán bộ, đoàn viên và người lao động là một trong những nhân tố quyết định để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Do đó, tôi mong muốn và đề nghị đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. Đồng lòng với Chính phủ: “ai ở đâu ở đấy”, không di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú cho tới khi hết giãn cách; tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, các quy định về cách ly y tế, giãn cách xã hội. Đoàn viên, CNVCLĐ không hoang mang lo lắng, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước; quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp, địa phương và đất nước; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Ở những nơi có đủ điều kiện sản xuất, mỗi người lao động hãy làm việc hăng say, tăng năng suất, đảm bảo an toàn, vì cuộc sống của chính mình, vì doanh nghiệp vượt khó, vì đất nước phát triển.
Tôi xin chúc đoàn viên, CNVCLĐ cả nước có thật nhiều sức khỏe, tinh thần lạc quan, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đầy lùi Covid-19 để cuộc sống của chúng ta sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo congdoan.vn