Công nhân thu nhập thấp và cuộc sống gần như không có tích luỹ. Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết như vậy tại hội nghị trực tuyến ký kết Chương trình xây dựng đời sống văn hoá, tập luyện thể dục, thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động giai đoạn 2021-2026 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch diễn ra vào ngày 12.10.
“Qua dịch bệnh COVID-19, chúng ta thấy rõ việc này. Khi không đi làm, hoặc dừng, hoãn làm việc thì gần như công nhân không có thu nhập. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc công nhân tiếp tục duy trì quan hệ lao động” – ông Ngọ Duy Hiểu nói và cho biết thêm, nhiều công nhân dù phải làm việc căng thẳng kéo dài nhưng vẫn mong muốn làm thêm.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc báo cáo với Quốc hội cho phép kéo dài tối đa thời giờ làm việc một tháng vượt trần 40 giờ và tất các ngành sẽ được cho phép làm thêm từ 200-300 giờ/năm.
“Khi chúng tôi lấy ý kiến người lao động thì có hơn 80% số công nhân đồng ý vượt trần làm quá 40 giờ/tháng và đồng ý làm thêm từ 200-300 giờ/năm. Đây là thông tin rất đáng lưu ý. Lý do chính công nhân lý giải là do cuộc sống quá khó khăn, lương thấp” – ông Ngọ Duy Hiểu thông tin.
Vẫn theo ông Ngọ Duy Hiểu, công nhân đang có rất ít thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình con cái, thụ hưởng các giá trị văn hoá cũng như học tập nâng cao trình độ. Nhiều công nhân gửi con về cho ông bà ở quê hoặc gửi ở những nơi chăm sóc, giáo dục trẻ, những điểm trông giữ trẻ không đảm bảo điều kiện an toàn, chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, ông Ngọ Duy Hiểu cũng nêu lên bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi khám bệnh cho công nhân; tình trạng bà mẹ đơn thân, phụ nữ nạo phá thai; công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động khi tuổi còn khá trẻ (35-40 tuổi); một bộ phận mắc các bệnh hiểm nghèo, mãn tính, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động…
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết, đại dịch COVID-19 tác động rất nặng nề đến mọi đối tượng trong xã hội, trong đó công nhân là đối tượng rất dễ bị tổn thương và đang hết sức khó khăn. Công nhân bị tác động cả về việc làm, thu nhập, cuộc sống gia đình, cả về thể chất và tinh thần.
“Công nhân có tỉ lệ đa số là di cư. Vừa qua, dòng người hồi hương đặt ra những vấn đề rất đáng quan tâm, trong đó làm thế nào để duy trì cuộc sống, quan hệ lao động, đưa công nhân quay lại với doanh nghiệp. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang có văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn, các chính sách thu hút để kéo người lao động trở lại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Công đoàn chỉ là một kênh, còn nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp là hết sức cần thiết” – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – phát biểu tại hội nghị trực tuyến ký kết chương trình xây dựng đời sống văn hoá, tập luyện thể dục, thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động giai đoạn 2021-2026 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Ngọ Duy Hiểu đưa ra nhận định, một bộ phận công nhân về quê khó quay trở lại, có thể dẫn đến tình trạng một số địa phương thiếu lao động, nhưng một số địa phương tăng số người thất nghiệp. Khi công nhân quay trở lại doanh nghiệp, việc giải quyết chế độ chính sách, tiếp tục duy trì hợp đồng lao động, vấn đề lương thưởng, phương án lao động mới có thể dẫn đến tranh chấp lao động. Người lao động có thể bị lôi kéo, tác động, gây phức tạp tình hình doanh nghiệp và an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán khi mà một bộ phận người lao động có thể không có việc làm, thiếu việc làm, thu nhập thấp hoặc khó khăn, có thể bị một số đối tượng lôi kéo.
Theo laodong.vn