25/08/2017 10:31:55

Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Ngày 29/11/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có hiệu lực từ 01/02/2017, trong đó có nhiều điểm mới góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đơn vị và doanh nghiệp.

Đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 – sau đây viết tắt là đơn vị, doanh nghiệp) có tổ chức công đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (BCH công đoàn cơ sở) phối hợp với người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp thành lập Ban Thanh tra nhân dân (Ban TTND) của đơn vị, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 72 Luật Thanh tra năm 2010 và khoản 2, 3 và 4 Điều 22 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP.

          Về tổ chức của Ban Thanh tra nhân dân

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, Ban TTND ở đơn vị, doanh nghiệp có từ 3 đến 9 thành viên. Căn cứ vào số lượng người lao động, BCH công đoàn cơ sở dự kiến số lượng thành viên Ban TTND để trình Hội nghị người lao động (Hội nghị NLĐ) quyết định. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp có tính đặc thù hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh phân tán thì BCH công đoàn cơ sở quyết định số lượng thành viên Ban TTND phù hợp nhiều hơn số lượng nêu trên, đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

          Việc bầu Ban TTND căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng người lao động và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, BCH công đoàn cơ sở trao đổi thống nhất với người đứng đầu doanh nghiệp về dự kiến số lượng và cơ cấu người đề cử bầu thành viên Ban TTND. Danh sách đề cử bầu thành viên Ban TTND phải có số dư ít nhất từ 10 đến 20% so với số thành viên được bầu. Hội nghị bầu thành viên Ban TTND phải đảm bảo có mặt trên 50% số đại biểu được triệu tập; việc bầu thành viên Ban TTND được Hội nghị tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín; người được trúng cử làm thành viên Ban TTND phải có trên 50% số đại biểu tham dự Hội nghị tín nhiệm và được lựa chọn theo thứ tự số phiếu tín nhiệm từ cao xuống thấp.

Về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Theo quy định tại Điều 75 Luật Thanh tra và Điều 34 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, BCH công đoàn cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn Ban TTND xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và xác định phạm vi giám sát, tổ chức giám sát theo quy định tại Điều 29 và Điều 31 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, trọng tâm hướng vào các việc sau đây: Những nội dung đã được Nghị quyết Hội nghị NLĐ thông qua; những vụ việc gây bức xúc trong đơn vị, doanh nghiệp hoặc các hành vi vi phạm quyền, lợi ích của người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp; những vụ việc liên quan đến hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp, liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động qua theo dõi, phản ánh phát hiện có vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Minh Hồng tặng Cờ thi đua Bộ Công thương cho PVMTC tại Hội nghị người lao động năm 2017 

Ban TTND thực hiện giám sát thông qua các hình thức: Tổ chức thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin phản ánh từ các nguồn do người lao động phản ánh trực tiếp; qua hòm thư góp ý về các nội dung trong phạm vi giám sát; qua nghiên cứu văn bản tài liệu liên quan đến nội dung giám sát do người đứng đầu cung cấp. Ban TTND tổng hợp, phân tích đối chiếu với các quy định pháp luật, quy định, quy chế nội bộ để đánh giá việc thực hiện; đề xuất kiến nghị với người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp xem xét giải quyết theo đúng trình tự quy định pháp luật.

Ít nhất trước 5 ngày tiến hành cuộc giám sát, phải gửi kế hoạch cuộc giám sát đến BCH công đoàn cơ sở, người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp để người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp chỉ đạo đối tượng được giám sát tạo điều kiện cho Ban TTND thực hiện nhiệm vụ; gặp gỡ người phụ trách, điều hành bộ phận được giám sát trao đổi về phạm vi nội dung giám sát; đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; phân công thành viên đọc, nghiên cứu tài liệu, đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, quy chế, quy định của đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến nội dung giám sát; tiến hành trao đổi, đối thoại với người có trách nhiệm tại địa điểm giám sát để làm rõ vấn đề còn thiếu thông tin; lập báo cáo giám sát: Đánh giá mức độ việc chấp hành quy định pháp luật, quy định nội bộ, xác định mặt được, mặt tồn tại, thiếu sót về công tác quản lý, điều hành của bộ phận được giám sát, đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục thiếu sót, tồn tại. Nội dung báo cáo cuộc giám sát phải được ít nhất trên 70% thành viên tham gia cuộc giám sát tán thành. Báo cáo cuộc giám sát kèm bản kiến nghị phải được BCH công đoàn cơ sở xác nhận trước khi gửi người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp xem xét, giải quyết.

Giám sát người đứng đầu xem xét, giải quyết các kiến nghị của Ban TTND: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Ban TTND. Khi nhận được kết quả giải quyết kiến nghị của của người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp gửi tới, Ban TTND thông báo công khai kết quả giải quyết kiến nghị theo hình thức quy định tại quy chế thực hiện dân chủ ở đơn vị, doanh nghiệp. Trường hợp kiến nghị không được xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban TTND có quyền kiến nghị người đứng đầu đơn vị cấp trên trực tiếp của đơn vị, doanh nghiệp xem xét, giải quyết, xử lý trách nhiệm. Trường hợp người đứng đầu đơn vị cấp trên không xem xét, giải quyết thì Ban TTND có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết, xử lý trách nhiệm.

BCH công đoàn cơ sở hướng dẫn Ban TTND thực hiện quy định tại Điều 32 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, trọng tâm vào các việc sau đây: Phải nghiên cứu và xác định đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và phạm vị xác minh, địa điểm, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc xác minh. Phân công thành viên nghiên cứu nội dung xác minh, các quy định hiện hành của Nhà nước, của đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến nội dung xác minh; Đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung xác minh; trao đổi, đối thoại với người có trách nhiệm liên quan đến nội dung xác minh để làm rõ;  khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cần phải xử lý ngay thì lập biên bản và kiến nghị người đứng đầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm giải quyết.

Căn cứ các quy định pháp luật của Nhà nước, quy định nội bộ của đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến nội dung xác minh, các tài liệu, chứng cứ và thông tin thu thập được; tổng hợp, phân tích xác định rõ nội dung xác minh đã thực hiện các quy định đến mức nào, vấn đề nào thực hiện đúng, vấn đề nào thực hiện chưa đúng, vấn đề nào thực hiện trái quy định; nguyên nhân vi phạm; đề xuất kiến nghị biện pháp giải quyết. Lập báo cáo xác minh và bản kiến nghị biện pháp giải quyết, đề nghị BCH công đoàn cơ sở xác nhận bản kiến nghị và gửi cho người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vào đơn vị, doanh nghiệp mình thanh tra, kiểm tra có đề nghị Ban TTND cử thành viên tham gia việc thanh tra, kiểm tra thì Chủ tịch công đoàn cơ sở, đại diện BCH công đoàn cơ sở mời Trưởng ban TTND quán triệt và giao thực hiện các việc sau: Lựa chọn, cử thành viên Ban TTND có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung thanh tra, kiểm tra để tham gia cuộc thanh tra, kiểm tra của cấp trên tại đơn vị, doanh nghiệp mình; Quán triệt cho thành viên Ban TTND chấp hành nhiệm vụ do Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra giao cho với trách nhiệm cao nhất và chuẩn bị tài liệu, thông tin Ban TTND đang quản lý cung cấp cho đoàn thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu. Báo cáo với Ban TTND về kết quả việc tham gia cuộc thanh tra, kiểm tra của mình; những vấn đề học tập, thu hoạch được từ việc tổ chức cuộc thanh tra, kiểm tra của đoàn thanh tra, kiểm tra cấp trên tại đơn vị, doanh nghiệp mình để phổ biến cho các thành viên còn lại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban TTND.

Để hoạt động của Ban TTND có nền nếp, trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả, Ban TTND phải xây dựng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, gồm những nội dung chính sau: Nguyên tắc hoạt động; Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban TTND; Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, Phó ban (nếu có) và các thành viên Ban TTND trong thực hiện nhiệm vụ được giao; Mối quan hệ giữa Ban TTND với người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp; Mỗi quan hệ giữa Ban TTND với BCH công đoàn cơ sở; Mối quan hệ  giữa Ban TTND với người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp v.v..

Trách nhiệm của BCH công đoàn cơ sở xem xét giải quyết kiến nghị của Ban TTND

Đối với kiến nghị liên quan đến nội dung giải quyết việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích chi, thu ngân sách và các khoản đóng góp, quỹ phúc lợi của người lao động thuộc phạm vi giám sát của Ban TTND thì BCH công đoàn yêu cầu Ban TTND cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến từng nội dung của kiến nghị, đồng thời nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Ban TTND: Khi thấy đủ cơ sở theo quy định pháp luật và quy định của đơn vị, doanh nghiệp mình thì làm văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị mình xem xét, giải quyết và theo dõi việc xem xét, giải quyết; Khi có nội dung kiến nghị chưa đủ cơ sở để kiến nghị thì đề nghị Ban TTND bổ sung tài liệu, chứng cứ để củng cố lập luận cho nội dung kiến nghị đó, nếu không có tài liệu, chứng cứ bổ sung thì thống nhất với Ban TTND loại nội dung đó ra khỏi bản kiến nghị.

Đối với kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, tổ chức hoạt động Ban TTND và những vấn đề khác, BCH công đoàn cơ sở cần kịp thời giải quyết, hoặc kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết để tạo điều kiện, kịp thời động viên, biểu dương, khích lệ hoạt động của Ban TTND.

Nguyễn Tá – CĐ DKVN