01/12/2023 9:15:23

Công đoàn Vietsovpetro: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là cốt lõi để tổ chức công đoàn lớn mạnh

Tại diễn đàn “Đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) tổ chức ngày 30/11, đồng chí Hoàng Phúc Long, Ủy viên Ban Thường vụ CĐ DKVN, Chủ tịch Công đoàn Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã có tham luận, đóng góp ý kiến thảo luận nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn.

Công đoàn Vietsovpetro: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là cốt lõi để tổ chức công đoàn lớn mạnh
Người lao động Vietsovpetro đang thực hiện công đoạn cuối trước khi hạ thủy chân đế (Ảnh: Trần Ngọc Thịnh)

Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được thành lập vào ngày 19/6/1981, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Sau 42 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã khai thác được 248 triệu tấn dầu, cung cấp về bờ gần 40 tỷ m3 khí, doanh thu đạt trên 87 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước Việt Nam gần 57 tỷ USD. Vietsovpetro tự hào đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước, được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng.

Công đoàn Vietsovpetro: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là cốt lõi để tổ chức công đoàn lớn mạnh
Người lao động Vietsovpetro tiếp tục hành trình mới (Ảnh: Hoàng Thị Lâm Như)

Đến năm 1982, Công đoàn Vietsovpetro được thành lập. Trong suốt quá trình hoạt động, Công đoàn Vietsovpetro luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của Vietsovpetro. Các thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động Vietsovpetro luôn tự hào được làm việc trong môi trường lao động quốc tế đoàn kết, hữu nghị, tin cậy và bền vững. Đặc biệt, các chế độ phúc lợi cho người lao động ở Vietsovpetro đều được xây dựng ở mức tốt hơn so với quy định của luật pháp Việt Nam và luôn được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Có được điều này ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì Ban Chấp hành Công đoàn các cấp có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là sự đóng góp của đội ngũ cán bộ công đoàn Vietsovpetro.

Công đoàn Vietsovpetro hiện nay có 17 công đoàn cơ sở thành viên trực thuộc với 7.237 đoàn viên và tổng số cán bộ công đoàn là 848 người, hoạt động kiêm nhiệm. Đội ngũ cán bộ công đoàn Vietsovpetro có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết, nhiệt tình với công việc, yêu thích hoạt động công đoàn và đều giữ vị trí chủ chốt trong các phòng ban, đơn vị. Chính những yếu tố đó đã góp phần giúp cho hoạt động của Công đoàn Vietsovpetro thuận lợi, đạt được nhiều thành tích, luôn là đơn vị tốp đầu trong phong trào hoạt động của CĐ DKVN.

Để có được kết quả như hiện nay, Công đoàn Vietsovpetro đã có quá trình tổng kết thực tiễn, phân tích đánh giá và đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của mình, và điều cốt lõi được rút ra là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn tại đơn vị.

Công đoàn Vietsovpetro: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là cốt lõi để tổ chức công đoàn lớn mạnh
Đồng chí Hoàng Phúc Long – Ủy viên Ban Thường vụ CĐ DKVN, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro trình bày tham luận

Trước đây, khi đến kỳ đại hội, tổ công đoàn, công đoàn bộ phận và ngay cả công đoàn cơ sở thành viên thường có xu hướng lựa chọn các đồng chí có thâm niên làm việc lâu năm, nhiệt tình với công việc, hòa đồng với mọi người để đề cử bầu vào Ban Chấp hành Công đoàn, bầu làm Chủ tịch Công đoàn, không quan trọng vị trí công tác. Đồng thời, cấp ủy cùng cấp cũng thường đồng thuận với các nhân sự được đề cử nên dẫn đến trường hợp có đồng chí chủ tịch công đoàn đơn vị chỉ là kỹ thuật viên, do đó khi thực hiện công việc gặp hạn chế về giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với cấp ủy, lãnh đạo cùng cấp; hạn chế về kỹ năng tổ chức, nói trước đám đông; không có nhiều thông tin kịp thời về các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị để xây dựng chương trình hoạt động phù hợp nên có nhiều lúc bị động, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động công đoàn; tập trung nhiều vào hoạt động bề nổi văn hóa, thể thao, hiếu hỉ…; việc tham gia vào công tác quản lý cùng chính quyền, đề xuất các chính sách nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động ở đơn vị còn hạn chế.

Sớm nhận thấy những bất cập đó, Ban Chấp hành Công đoàn Vietsovpetro đã đưa ra các biện pháp kịp thời. Đầu tiên là tham mưu cho Đảng ủy Vietsovpetro ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, trong đó tập trung thay đổi nhận thức của cấp ủy các cấp trong việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn của đơn vị; Công đoàn Vietsovpetro trực tiếp tham gia vào công tác chỉ đạo quy hoạch cán bộ công đoàn cấp dưới, lựa chọn các đồng chí có phẩm chất, năng lực công tác, uy tín và khả năng quy tụ đoàn viên, người lao động, am hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và một tiêu chí quan trọng là giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng, ban, đơn vị. Song song với đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên với các chuyên đề thiết thực, gắn với thực tế hoạt động của Vietsovpetro, kết hợp hài hòa giữa các chuyên đề trang bị kiến thức chuyên môn về công tác công đoàn và các chuyên đề phát triển kỹ năng mềm cho cán bộ công đoàn.

Kết quả cho đến nay, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trong Vietsovpetro đều là các đồng chí trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt, tâm huyết với hoạt động công đoàn, tất cả các đồng chí Chủ tịch các công đoàn cơ sở thành viên đều giữ vị trí từ trưởng phòng ban trở lên, có nhiều đồng chí là phó giám đốc đơn vị, rất thuận lợi trong công tác nắm bắt thông tin của đơn vị để triển khai hoạt động phù hợp, có điều kiện chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động đến ban lãnh đạo, kịp thời cho ý kiến tham gia vào việc kiểm tra, giám sát thực hiện, cũng như có đủ thông tin đề xuất các chế độ, chính sách có lợi cho người lao động.

Nhận định từ thực tế, đội ngũ cán bộ công đoàn có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động công đoàn. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn và nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW “về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới”, đề ra nhiệm vụ, giải pháp về “xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; “Bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động”.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII cũng đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-TLĐ ngày 11/1/2019 “về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới”, trong đó xác định cụ thể tiêu chuẩn của cán bộ công đoàn: Cán bộ công đoàn phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình công tác công đoàn, có kiến thức quản lý kinh tế – xã hội, luật pháp, hiểu biết về chuyên môn và ngành nghề, nắm vững lý luận và kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn, có năng lực hoạt động thực tiễn, trung thực, được quần chúng tín nhiệm.

Công đoàn Vietsovpetro: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là cốt lõi để tổ chức công đoàn lớn mạnh
Đồng chí Hoàng Phúc Long – Ủy viên Ban Thường vụ CĐ DKVN, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro trình bày tham luận tại diễn đàn

Từ thực tế xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn tại đơn vị, Công đoàn Vietsovpetro đã đề xuất 8 giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ công đoàn trong hoạt động của mình. Từ đó có giải pháp vận động các nhân sự có khả năng, tâm huyết là cán bộ chủ chốt của đơn vị tham gia công tác công đoàn để giới thiệu, đề đạt với cấp ủy.

Thứ hai, tăng cường trao đổi, đề xuất để thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy các cấp và người sử dụng lao động về công tác cán bộ công đoàn. Làm cho họ hiểu rõ và nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ công đoàn đối với hoạt động của đơn vị trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều khó khăn thách thức đặt ra với tổ chức công đoàn; từ đó có sự chỉ đạo, lãnh đạo và hỗ trợ trong công tác lựa chọn, quy hoạch và giới thiệu nhân sự tham gia công tác công đoàn, nhất là các đồng chí giữ các vị trí lãnh đạo của phòng ban, đơn vị có tâm, có tầm và nhiệt huyết.

Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, quy hoạch cán bộ công đoàn. Kịp thời kiện toàn, củng cố Ban Chấp hành khi có sự biến động nhân sự. Cần xem xét lựa chọn những đồng chí có nhiệt tình, tâm huyết với phong trào và hoạt động công đoàn, có uy tín với đoàn viên và người lao động, có khả năng tuyên truyền vận động thuyết phục đoàn viên, người lao động tham gia vào tổ chức và các hoạt động thực tiễn của công đoàn, có bản lĩnh để quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám hành động và chịu trách nhiệm trước mọi công việc.

Thứ tư, chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn. Tập trung bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch; kỹ năng đàm phán, thương lượng, đối thoại của cán bộ công đoàn cơ sở theo hướng đào tạo, bồi dưỡng gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho tổ trưởng, tổ phó công đoàn; căn cứ vào nhu cầu, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động thực tiễn của cán bộ công đoàn.

Thứ năm, xây dựng các chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ công đoàn. Bố trí cán bộ chuyên trách hợp lý, quan tâm đặc biệt đến chế độ lương, thưởng, phụ cấp, khen thưởng trong điều kiện cụ thể, bảo đảm đủ hấp dẫn để cán bộ gắn bó lâu dài và toàn tâm toàn ý cho công việc, qua đó thu hút được cán bộ giỏi tham gia vào công tác công đoàn. Xây dựng chế độ phụ cấp phù hợp để khuyến khích, động viên được cán bộ công đoàn kiêm nhiệm.

Thứ sáu, thường xuyên sâu sát, nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng trực tiếp, bảo đảm quyền lợi gắn với trách nhiệm, vì sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, tạo được quan hệ lao động hài hòa, ổn định; từ đó giúp cán bộ công đoàn thuận lợi trong công tác thu hút, tập hợp, gắn kết đoàn viên, người lao động với công đoàn.

Thứ bảy, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào công tác quản lý, triển khai các hoạt động công đoàn giúp cán bộ công đoàn giải quyết công việc nhanh, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ đoàn viên; nâng cao năng suất, hiệu quả xử lý công việc; xây dựng báo cáo số kịp thời, đa chiều, linh động, chủ động; cập nhật thông tin về đoàn viên sâu sát, chính xác, nhanh chóng hỗ trợ cán bộ công đoàn các cấp ra các quyết định chỉ đạo điều hành.

Cuối cùng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn cấp trên đối với công tác cán bộ của công đoàn cấp dưới. Kịp thời khen thưởng, động viên, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ cán bộ công đoàn cấp dưới để tạo sự tin tưởng và động lực để cán bộ công đoàn phấn đấu, làm việc.

Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng; vừa khẳng định vị thế, vai trò, tiếng nói của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; vừa hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ổn định; đồng thời sẽ góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Thanh Thùy