Chiều 2.12, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12.3.2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết) đã có buổi làm việc với Đảng Đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).
Đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương – làm Trưởng đoàn Khảo sát, chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hải Nguyễn
Đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương – làm Trưởng đoàn Khảo sát, chủ trì buổi làm việc.
Tham dự Đoàn khảo sát còn có các đồng chí: Phạm Tất Thắng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Bùi Quang Huy – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Dũng – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Về phía Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Hải – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; Phan Văn Anh – Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Ngọ Duy Hiểu – Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN…
Công đoàn đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp
Tại buổi làm việc, thay mặt Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN, đồng chí Trần Thanh Hải đã báo cáo với Đoàn khảo sát kết quả 20 năm triển khai Nghị quyết trong tổ chức Công đoàn.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo đồng chí Trần Thanh Hải, sau gần 20 năm triển khai Nghị quyết, Công đoàn Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn lồng ghép tuyên truyền về Nghị quyết trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên, người lao động (NLĐ); tích cực nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, bồi dưỡng tác phong công nghiệp, thực hiện “trí thức hóa công nhân”; thực hiện chính sách, pháp luật về lao động đối với NLĐ; tham gia giải quyết việc làm, tiền lương và thu nhập, điều kiện làm việc, BHXH, BHYT, chính sách nhà ở cho NLĐ; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và giải quyết tranh chấp lao động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân (GCCN)…
Đặc biệt, giai đoạn 2020 – 2022, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm của NLĐ, các cấp công đoàn đã tập trung vào một số nội dung chăm lo cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ bị mất việc làm, thiếu việc làm; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng và triển khai phương án sử dụng lao động, các giải pháp, biện pháp an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Trên cơ sở dự báo những thuận lợi, khó khăn trong bối cảnh mới, quán triệt quan điểm, mục tiêu đề ra, Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN cũng đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW trong các cấp Công đoàn trong thời gian tới…
Tập trung nguồn lực cho công đoàn cơ sở
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, trong 20 năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước tình hình đó, Công đoàn Việt Nam đã quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong đó, Công đoàn Việt Nam đã tập trung chăm lo đoàn viên, NLĐ khu vực ngoài nhà nước; cùng với chăm lo còn tích cực bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ; tập trung nguồn lực tài chính để công đoàn cơ sở chăm lo trực tiếp cho NLĐ (75% kinh phí công đoàn); hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở kỹ năng đàm phán, thương lượng, tuyên truyền… nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp thông qua các bản thoả ước lao động tập thể; tham gia vào xây dựng chính sách, tiền lương cho NLĐ; tích cực hội nhập quốc tế…
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, hiện nay, việc quan tâm tới đời sống, vật chất, tinh thần của NLĐ còn thấp, trong đó có chính sách về nhà ở cho NLĐ còn nhiều bất cập. Do đó, việc đảm bảo nhà ở cho NLĐ phải được tập trung nhiều nhất và phải được quan tâm hàng đầu. Để giải quyết được nhu cầu nhà ở cho NLĐ thì phải sửa đổi Luật Nhà ở, để thu hút sự tham gia đầu tư, xây dựng của nhiều thành phần.
“Hiện nay, 90% NLĐ đang phải thuê trọ, do đó trước mắt phải xây dựng ban hành được quy chuẩn về khu nhà trọ phải đảm bảo về diện tích căn hộ, gần trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa… Nếu đáp ứng được các tiêu chí trên thì có thể nâng cao được chất lượng sống, đời sống văn hoá tinh thần cho NLĐ và con của họ” – đồng chí Nguyễn Đình Khang nêu ý kiến.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá, báo cáo của Đảng Đoàn Tổng LĐLĐVN và ý kiến của các uỷ viên Đảng Đoàn Tổng LĐLĐVN… thể hiện rõ nét những hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong 20 năm thực hiện Nghị quyết.
Đồng thời, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp công đoàn tiếp tục tăng cường tuyên truyền truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam; tăng cường giám sát phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn; đào tạo bồi dưỡng, hỗ trợ kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ; nhận diện và đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề tác động của công nghiệp 4.0, mạng xã hội đến lực lượng NLĐ…
Theo laodong.vn