Chiều 24/6 tại TP Đà Lạt, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí và Công đoàn Dầu khí Việt Nam”.
Về dự hội nghị có đồng chí Phạm Thị Thanh Hồng, Hàm trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nghiêm Thùy Lan, UVBCHTLĐ, UVBTV Tập đoàn, Chủ tịch CĐ DKVN; đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch TT công đoàn; các đồng chí trong Ban thường vụ CĐ DKVN; các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Ban VSTBPN) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên, Chủ tịch, PCT, Trưởng, phó Ban Nữ công và nữ cán bộ chuyên trách Công đoàn trực thuộc Công đoàn Dầu khí VN.
Từ phải qua: Đồng chí Phạm Thị Thanh Hồng, Hàm trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan và Phó chủ tịch Trần Ngọc Dũng điều hành hội thảo |
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Lương Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Ban tuyên giáo – Nữ công, Công đoàn DKVN nêu rõ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện có tổng số 64.883 CNVC-LĐ, trong đó có 14.355 nữ (chiếm tỉ lệ 22,1%). Thời gian qua, trên tất cả các lĩnh vực công tác, lực lượng lao động nữ đã có những đóng góp rất tích cực vào sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí và Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Chiến lược Quốc gia và Chương trinhg hành động Quốc gia về bình đẳng giới; các Nghị quyết, chương trình hành động của Tổng Liên đoàn LĐVN về công tác Bình đẳng giới; Nghị quyết 782/NQ-TV của Đảng ủy Tập đoàn; Chương trình hành động VSTBPN của Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam từng giai đoạn… , công tác bình đẳng giới (BĐG) tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp Ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn, Ban VSTBPN, lãnh đạo Công đoàn và trực tiếp là tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, sáng tạo của đội ngũ hơn 500 cán bộ nữ công các cấp. Cùng với việc tăng cường tỷ lệ nữ trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, hầu hết các đơn vị quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục trong nữ CNVCLĐ bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; đưa vào TULĐ tập thể các chính sách có lợi hơn cho nữ so với luạt định; đẩy mạnh lồng ghép giới trong các hoạt động Công đoàn, tổ chức các hội thảo, hội nghị đối thoại giữa cán bộ nữ với lãnh đạo Tập đoàn và rất nhiều phong trào khác nhằm tạo điều kiện để chị em bình đẳng với nam giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, tuyên truyền giáo dục, đào tạo bồi dưỡng và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Do vậy, công tác cán bộ nữ của toàn ngành dầu khí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nữ đảng viên 2.500/14.355 người (tỉ lệ 17,4%); tỉ lệ cán bộ nữ tham gia Đảng uỷ Tập đoàn là 6/45 (chiếm 13%); nữ tương đương với Phó Tổng giám đốc Tập đoàn (Chủ tịch CDDK) là 1/17 người; cán bộ nữ thuộc diện Tập đoàn quản lý là 50/391 người (chiếm 12,78%); cán bộ nữ lãnh đạo cấp phòng/ban tại các đơn vị thành viên Tập đoàn là 2.460 người (tỉ lệ 18%); cán bộ nữ tham gia BCH Công đoàn Dầu khí là 6/37 (chiếm 16%); tỉ lệ cán bộ nữ là Chủ tịch Công đoàn cơ sở là 6/41 (14,6%).
Đồng chí Nguyễn Phạm Hải Yến, Trưởng ban nữ công Vietsovpetro phát biểu tại hội thảo |
Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí và Công đoàn Dầu khí Việt Nam”, với mong muốn là nơi trao đổi, lắng nghe nhiều hơn nữa những chia sẻ, những tâm tư nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của nữ công nhân viên chức lao động nói lên tiếng nói và quan điểm của mình, vì sự tiến bộ và phát triển chung của phụ nữ ngành Dầu khí. Đồng thời, thông qua hội thảo bày tỏ mong muốn lãnh đạo Tổng Liên đoàn LĐVN, Tập đoàn tiếp tục có những chính sách tốt hơn nữa để tăng cường đội ngũ cán bộ nữ có nhiều đóng góp hơn nữa đối với sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai.
Các đại biểu đã nghe các tham luận từ Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và Ban nữ công các đơn vị xoay quanh các vấn đề: tình hình công tác nữ công tại các đơn vị, những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm; vai trò của Ban thường vụ và người thủ lĩnh công đoàn đối với công tác nữ công, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay; thúc đẩy bình đẳng giới góp phần vào sự phát triển bền vững của đơn vị, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và CĐ DKVN; vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững của các đơn vị trong Tập đoàn; kinh nghiệm của công đoàn đơn vị trong việc thông qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” để phát hiện, giới thiệu nữ CNV-LĐ tham gia lãnh đạo, quản lí; vai trò của đội ngũ cán bộ nữ công đối với hoạt động công đoàn và công tác bình đẳng giới tại đơn vị…
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hồng, Hàm trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao chủ đề của Hội thảo, đánh giá công tác BĐG tại Tập đoàn DKVN và CĐ DKVN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Khẳng định, thời gian công tác BĐG tại PVN luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, sâu sát và tạo điều kiện, do vậy, ngày càng nhiều chị em được đề bạt vào các cấp lãnh đạo, quản lí tại Tập đoàn, CĐ DKVN và các đơn vị thành viên. Không những thế, chị em ngành dầu khí luôn có nhiều điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, có điều kiện học hỏi, được đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tăng quyền trong xã hội, được chồng con thấu hiểu và chia sẻ… Đó là những kết quả quan trọng trong công tác BĐG mà Tập đoàn và CĐ DKVN đã đạt được, và hứa hẹn thời gian tới công tác BĐG trong ngành Dầu khí sẽ đạt những kết quả cao hơn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan đánh giá cao tất cả các tham luận tại hội thảo, các tham luận được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, xuất phát từ thực tế tình hình cũng như kinh nghiệm thực hiện công tác bình đẳng giới tại mỗi đơn vị trong thời gian qua.
Chủ tịch Nghiêm Thùy Lan nhấn mạnh, trong thời gian tới, đề nghị các đồng chí lãnh đạo công đoàn, Ban nữ công tập trung vào các nhiệm vụ chính. Đó là bám sát các nội dung, chỉ tiêu để ra trong chương trình hành động BĐG giai đoạn 2016 -2020 của Tập đoàn DKVN và CĐ DKVN; tăng cường phối hợp với Ban VSTBPN của đơn vị để triển khai công tác phát triển phụ nữ; phải bồi dưỡng nâng cao nhận thức về BĐG cho nam giới trong ngành Dầu khí.
Đồng thời, lãnh đạo CĐ, Ban nữ công chú trọng tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện những nữ tiêu biểu, có năng lực để giới thiệu cho cấp ủy xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt nữ lao động vào các vị trí lãnh đạo, quản lí. Giảm bớt định kiến giới, giúp chị em tự tin, xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm giới… Tham gia tốt các phong trào thi đua lao động giỏi – lao động sáng tạo, phong trào Hai giỏi, nữ lao động cần tăng cường nghiên cứu, có nhiều sáng kiến, hiến kế cho công tác công đoàn, công tác BĐG của đơn vị, của ngành.
Song song, CĐ, Ban nữ công tiếp tục tuyên truyền tầm quan trọng của gia đình, những thách thức đối gia đình thời hiện đại, qua đó nâng cao nhận thức cho CNVC-LĐ nói chung cũng như nữ CNVC-LĐ nói riêng, góp phần xây dựng gia đình dầu khí văn minh, hạnh phúc… là tiền đề quan trọng để người lao động yên tâm công tác, góp sức cùng xây dựng đơn vị, xây dựng Tập đoàn ngày càng phát triển bền vững.
Thiên Thanh