08/06/2013 5:17:59

Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Trách nhiệm cao, tận tụy sáng tạo

Cho đến nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã xây dựng được một ngành công nghiệp dầu khí tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu đến đầu tư kinh doanh phân phối sản phẩm dầu khí và phát triển dịch vụ dầu khí cả ở trong và ngoài nước, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ hiện đại và đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, năng lực điều hành chuyên nghiệp, trách nhiệm cao, Petrovietnam hiện đang duy trì mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20% trong giai đoạn 2008-2013, chiếm khoảng 20% GDP của cả nước, đóng góp cho ngân sách quốc gia chiếm trung bình 18-20% tổng thu ngân sách của Nhà nước. Tạo nên những thành tựu xuất sắc đó, phải kể đến sự đóng góp hết sức to lớn, tận tụy và sáng tạo của đội ngũ lao động mà Tổ chức tập hợp, hội tụ và phát huy với vai trò đầu tàu là Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

1

Đội ngũ không ngừng lớn mạnh quyết định sự tăng trưởng bền vững

Ngành Dầu khí Việt Nam là một ngành công nghiệp mới và trẻ so với nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam, nhưng có tính đặc thù là đòi hỏi phải có hệ thống công nghệ hiện đại kỹ thuật cao và luôn đổi mới theo hướng tiên tiến, hiện đại và đối mặt với nhiều rủi ro. Lực lượng lao động dầu khí phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao chủ yếu tập trung trong 5 lĩnh vực truyền thống cốt lõi là tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, chế biến sản phẩm hóa dầu, sản xuất nhiệt điện khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành. Tính đến thời điểm này, Petrovietnam đã có trên 68.400 cán bộ công nhân và người lao động. Trong số đó, số người đã có trình độ trên đại học chiếm khoảng 4%, số người tốt nghiệp các trường đại học cơ bản ở trong nước và nước ngoài chiếm 40,1%, số người tốt nghiệp các trường cao đẳng và trung cấp nghề chính quy chiếm 14,6%, công nhân được đào tạo tại các trường kỹ thuật chuyên ngành chiếm 36,3%. Nói chung, đội ngũ lao động trong toàn Tập đoàn được bố trí sắp xếp phù hợp với trình độ chuyên môn, làm việc trong môi trường lao động linh hoạt, an toàn, có sự hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với sự phát triển của ngành Dầu khí, hệ thống tổ chức Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) trong nhiệm kỳ vừa qua cũng liên tục được phát triển, mạnh mẽ vững chắc và có nhiều đổi mới, phù hợp với đặc điểm điều kiện, tình hình hoạt dộng của một đơn vị kinh tế mạnh, đồng thời đảm bảo điều kiện để các cấp công đoàn trong ngành hoạt dộng có hiệu quả. Thực hiện chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, Petrovietnam đã không ngừng đổi mới tổ chức và thực hiện tái cấu trúc các đơn vị. Đồng thời, trong năm 2010, Tập đoàn đã tiếp nhận một số đơn vị từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và từ Bộ Công Thương. Theo đó, CĐ DKVN và các công đoàn trực thuộc đã nhanh chóng kiện toàn, tổ chức sắp xếp lại để thích ứng với đặc điểm tình hình tổ chức hoạt động của bộ máy chuyên môn. Cho đến nay, hệ thống tổ chức công đoàn trong toàn ngành Dầu khí gồm 30 công đoàn trực thuộc, trong đó có 9 công đoàn cấp trên cơ sở, 21 công đoàn cơ sở trực thuộc, 173 công đoàn cơ sở các cấp trong toàn ngành; số đoàn viên phát triển mới trong giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 11-2012 là 21.800 đoàn viên, nâng tổng số lên 61.991 đoàn viên (tính đến tháng 11-2012), chiếm 90,6% tổng số lao động trong toàn Tập đoàn.

Cùng với việc xây dựng phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở cơ sở, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn. Cán bộ giỏi thì mới có phong trào hay. Xác định ý nghĩa đó, Công đoàn Dầu khí đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm cán bộ công đoàn các cấp ở các khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Quãng Ngãi, Cần Thơ… Ngoài ra, Công đoàn còn phối hợp với Trường đại học Công đoàn tổ chức được 2 lớp học phần Lý luận và Nghiệp vụ công đoàn tại 2 khu vực cho 74 cán bộ, đoàn viên công đoàn, đồng thời phối hợp với Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo 56 người dẫn chương trình MC và những cán bộ hoạt động phong trào xuất sắc, tiêu biểu.

Đại diện bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của người lao động

Các cấp công đoàn trong toàn ngành đã luôn tích cực, chủ động phối hợp với chuyên môn trong việc tham gia xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt dộng của đơn vị, chủ dộng tham gia xây dựng các cơ chế chính sách, nhằm đảm bảo việc làm và thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Nhiệm kỳ IV vừa qua là giai đoạn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên tích cực thực hiện công tác tái cấu trúc, đổi mới doanh  nghiệp. Trong quá trình đó, công đoàn các cấp đã tích cực tham gia với chuyên môn trong việc xây dựng lại các quy chế, quy định, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động, đồng thời tham gia đào tạo, đào tạo lại góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hằng năm, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tổ chức Đại hội Công nhân viên chức, Hội nghị Người lao động. Từ các diễn đàn này, công nhân viên chức và người lao động được trực tiếp tham gia vào việc xây dựng nội quy, quy chế của đơn vị, đặc biệt là được trực tiếp tham gia thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể… Trước khi ký kết chính thức, công đoàn các đơn vị lấy ý kiến góp ý của người lao động với mục tiêu sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định…  phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với cách làm đó, người lao động đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, có lợi hơn như chế độ thăm hỏi, tặng quà cho người lao động khi ốm đau, nằm viện, nghỉ thai sản, tặng quà ngày sinh nhật, khi kết hôn và các dịp lễ tết; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hằng năm và khám chuyên khoa cho lao động nữ; thanh toán tiền lương cho người lao động đến tuổi nghỉ chế độ mà chưa sử dụng hết ngày nghỉ phép trong năm… Một số đơn vị có điều kiện đã mua bảo hiểm sinh mạng, bảo hiểm con người cho người lao động của đơn vị mình. Đối với các cán bộ hưu trí trong ngành, công đoàn cũng dành nhiều sự quan tâm, nhất là những cán bộ khó khăn về nhà ở. Số tiền ủng hộ cho đối tượng này mỗi năm vài tỉ đồng.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam còn thường xuyên tổ chức có hiệu quả  phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao, đặc biệt là thi đua hoàn thành vượt thời hạn các công trình trọng điểm của quốc gia như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và 9 dự án, công trình trọng điểm khác. Những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, đặc biệt là công nhân lao động trực tiếp đều được khen thưởng kịp thời mỗi khi đạt thành tích cao. Chỉ riêng năm 2012, Công đoàn đã biểu dương 492 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong 5 năm (2007 – 2012); tôn vinh 44 cá nhân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010 và 2012. Liên tiếp trong 4 năm liền (2008 – 2012), Công đoàn tổ chức Lễ tôn vinh các danh hiệu tiêu biểu của tổ chức công đoàn vào dịp kỷ niệm thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam 16/12 cho 511 cán bộ công đoàn tiêu biểu, 277 lãnh đạo tiêu biểu của tổ chức Công đoàn và 35 chuyên gia nước ngoài có công đóng góp cho hoạt động của tổ chức Công đoàn Dầu khí; tôn vinh 198 gia đình dầu khí tiêu biểu xuất sắc.

Mở rộng hoạt động đối ngoại với dấu ấn đậm nét sáng giá

Cùng với việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không ngừng mở rộng phát triển ra các nước trên thế giới, Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, tạo điều kiện tiếp cận với Liên hiệp công đoàn thế giới, công đoàn ngành nghề trong khu vực và trên toàn thế giới. Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là những nơi có hoạt dộng dầu khí cũng như các đơn vị trong ngành đặt các cơ sở, nhà máy, dự án với nội dung phong phú hiện được nâng cao rõ rệt. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ IV vừa qua, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác với 21 Công đoàn các đơn vị trong Bộ Công thương và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2011, Công đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức gia nhập Công đoàn Hóa chất, Năng lượng và Mỏ Quốc tế (ICEM), nay là tổ chức Công đoàn Công nghiệp Thế giới, đã tham dự các kỳ hợp của ICEM và đặc biệt là đại hội Công đoàn Hóa chất, Năng lượng và Mỏ Quốc tế, Công đoàn Công nghiệp thế giới, tạo cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh mối quan hệ đầy triển vọng với công đoàn các nước, học hỏi kinh nghiệm hoạt dộng cũng như nâng cao trình dộ cho cán bộ công  đoàn cả về nghiệp vụ, ngoại ngữ; đã ký hợp tác với Công đoàn Dầu khí Nga, Công đoàn Dầu khí Hàn Quốc, Công đoàn Năng lượng công nghiệp hóa chất Uzbekistan, Công đoàn Dầu khí Nhật Bản, đang triển khai thủ tục gia nhập Công đoàn Mỏ- Năng lượng-Hóa chất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong nhiệm kỳ IV, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức cho 12 đoàn đi các nước  tham quan học tập; 7 đoàn tham dự các Hội nghị ICEM; đồng thời tổ chức đón tiếp 6 đoàn công đoàn ngành nghề tới thăm và làm việc. Công đoàn đã phối hợp với Tập đoàn tổ chức đưa đoàn vận động viên đi dự Hội thi Thể thao ASCOPE Games 23, 24 tại Singapore và Thái Lan giữa các Công ty Dầu khí Quốc gia các nước khu vực Đông Nam Á; tham gia chương trình Lễ hội múa dân gian tại Canada. Các hoạt động này đã góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và hình ảnh Petrovietnam nói riêng đến với bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại Đại hội ICEM lần thứ V vào tháng 11-2011 ở Buenos Aires (Argentina), tổ chức công đoàn ngành nghề có lịch sử trên 20 năm này đã chính thức kết nạp Công đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 151. Hiện tại số thành viên của ICEM đặt lên hàng đầu trong chương trình hành động là tập hợp các tổ chức công đoàn ngành, nghề năng lượng các nước, nhằm bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích kinh tế xã hội, môi trường văn hóa của người lao động, ủng hộ các tổ chức thành viên trong cuộc đấu tranh chống mọi hình thức bóc lột lao động và tăng cường tình đoàn kết quốc tế giữa những người lao động trên toàn thế giới. Ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của ICEM, lãnh đạo Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những cuộc tiếp  xúc, hội đàm, gặp gỡ và thỏa thuận hợp tác với nhiều tổ chức công đoàn các nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan, Triều Tiên, Canada, Mỹ… Đặc biệt, là thỏa thuận trao đổi kinh nghiệm, thông tin, nghiên cứu và tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao hoạt động công đoàn cũng như các chương trình trao đổi giữa hai tổ chức sẽ được tiến hành theo cơ chế luân phiên hằng năm. Thường vụ Ban chấp hành khóa IV cũng đã tham dự Hội nghị Ban chấp hành ICEM tại Australia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… từ nhiều tổ chức công đoàn ngành, nghề thuộc các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên lề Hội nghị, lãnh đạo Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Công đoàn Năng lượng, Dầu mỏ Nhật Bản, Đài Loan, Australia; gặp gỡ tiếp xúc với các quan chức cấp cao ICEM như Chủ tịch, Tổng thư ký ICEM Châu Á – Thái Bình Dương; hội đàm về quan hệ hợp tác với các công đoàn năng lượng, dầu mỏ các nước và thiết lập mối quan hệ hợp tác, chương trình hợp tác với các tổ chức công đoàn các nước trong tương lai gần. Có thể nói hoạt động hợp tác quốc tế của Công đoàn Dầu khí Việt Nam khóa IV được bè bạn quốc tế đánh giá cao bởi thái độ chân thành, sự tham gia đầy trách nhiệm và hợp tác hiệu quả hướng tới tương lai.

Nguyễn Hồng Phối