13/05/2015 4:49:52

Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn góp phần tích cực vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp

 Đ/c Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch CĐ DKVN

Nhằm tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 22-CT/TW, Kết luận số 96-KL/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 71/KH-TLĐ ngày 16/12/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong toàn hệ thống công đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, vai trò của tổ chức công đoàn và hành động, góp phần tích cực vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Thông qua việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới của tổ chức công đoàn; phát triển đoàn viên, củng cố tổ chức xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động về mọi mặt như tham gia quản lý doanh nghiệp, xây dựng các quy chế, quy định, nội quy, chế độ chính sách… nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động.

PVGas

Giao ước thi đua “Hoàn thành 153km ống cho dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 1”

Tổ chức hoạt động công đoàn phải thiết thực, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao với phương châm hướng về cơ sở, về đoàn viên công đoàn, về người lao động. Không ngừng nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên, hạn chế các mâu thuẫn phát sinh và tranh chấp lao động từ quan hệ lao động; Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp chỉ đạo, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng quan hệ lao động.

Một số giải pháp thực hiện:

1. Đổi mới phương thức học tập, quán triệt tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với loại hình doanh nghiệp.

– Các cấp Công đoàn cần chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên và NLĐ về các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp để đoàn viên và người lao động nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 22-CT/TW, với Nghị quyết số 20-NQ/TW Khóa X và Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/11/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Phát động và tổ chức thực hiện sâu rộng trong đoàn viên và người lao động phong trào học tập, tự đào tạo nhằm nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp tại các cấp công đoàn và doanh nghiệp.

– Đẩy mạnh các phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, Văn hóa dầu khí”. Chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp triển khai thực hiện nếp sống văn hoá trong công nhân, lao động tại doanh nghiệp, công trình, nhà máy, trên giàn khoan,… Phát triển và nhân rộng mô hình “Tổ Công nhân tự quản”, “Tủ sách pháp luật tại doanh nghiệp, văn phòng, cơ quan, đơn vị làm việc và khu nhà ở công nhân”.

– Phối hợp với chuyên môn đồng cấp đánh giá thực trạng quan hệ lao động giữa NSDLĐ với NLĐ, giữa chuyên môn với tổ chức công đoàn trong toàn ngành và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012, kiểm tra và giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật công đoàn tại các đơn vị theo định kỳ hoặc đột xuất.

2. Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động.

– Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công đoàn trong việc tham gia với chuyên môn cùng cấp xây dựng chế độ chính sách, lao động, việc làm, tiền lương, nhà ở, BHXH, BHYT, BHTN, bảo hộ lao động và quyền và nghĩa vụ của NLĐ; tham gia với NSDLĐ xây dựng và giám sát việc thực hiện thang bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, tuyển dụng đào tạo,… theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường tổ chức đối thoại giữa công đoàn, NLĐ với NSDLĐ để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên và người lao động, bảo đảm hài hoà lợi ích của doanh nghiệp – nhà nước – người lao động.

– Tập trung nghiên cứu, xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TULĐTT và chương trình tư vấn pháp luật” của Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như các cấp Công đoàn. Trong đó, chú ý đến việc đại diện tập thể người lao động chủ động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TULĐTT, nâng cao chất lượng TULĐTT đảm bảo các chính sách chế độ cho người lao động nhất là chế độ tiền lương, thưởng và các khoản BHXH, BHYT, BHTN…

– Kiện toàn tổ chức tư vấn pháp luật (TVPL), phát triển đa dạng các hình thức TVPL và nâng cao chất lượng, trợ giúp pháp lý, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên và người lao động trong quan hệ lao động. Tiếp tục phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng các loại hình tổ chức TVPL, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ TVPL cho cán bộ làm công tác TVPL. Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ đoàn viên và NLĐ khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ bị xâm phạm, phát huy hiệu quả công tác TVPL, hòa giải đề phòng tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự quy định.

– Nắm bắt tình hình công nhân, lao động, chủ động tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động và đình công thông qua đối thoại, thương lượng, hòa giải tại các cấp công đoàn, doanh nghiệp và giải quyết tại toà án; hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động gặp khó khăn nhân dịp Lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, ngày truyền thống của Tập đoàn DKVN, Tháng Công nhân và các ngày thành lập đơn vị,…

– Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, pháp luật BHXH, BHYT và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NLĐ; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn; kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, khắc phục hậu quả, ngăn ngừa vi phạm; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

– Chủ động tham gia, phối hợp với cơ quan chuyên môn cùng cấp, cơ quan nhà nước trong sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc; đảm bảo các quyền,lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ trong sắp xếp lại cơ cấu doanh nghiệp; quản lý BHXH, BHYT; giải quyết khiếu nại tố cáo của NLĐ hoặc tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.

– Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ; Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN hàng năm; tham gia điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ cho người lao động khi bị tai nạn lao động,...

3. Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn.

– Tham mưu cho Ban Thường vụ thực hiện có hiệu quả Chương trình “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 – 2018” và Chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn” của Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp Công đoàn.

– Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; trong đó đặc biệt chú trọng, nâng cao năng lực của Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp và phát huy vai trò của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

– Quan tâm xây dựng đội ngũ và đổi mới công tác cán bộ. Xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ công đoàn, làm cơ sở cho việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và sử dụng cán bộ; gắn công tác đào tạo với sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt cán bộ trưởng thành từ công nhân, cán bộ nữ. Đề xuất với Đảng có chính sách thu hút cán bộ giỏi, có năng lực làm công tác công đoàn. Thực hiện thường xuyên quy định việc cử cán bộ của công đoàn cấp trên đi thực tế cơ sở, nhất là những đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đông đoàn viên và NLĐ.

– Thực hiện tốt công tác phân công, phân cấp quản lý cán bộ trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ công đoàn các cấp theo đúng qui định của Đảng, Tổng Liên đoàn LĐVN và Công đoàn Dầu khí Việt Nam.