04/05/2015 12:53:36

Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Tăng cường chất lượng tư vấn Pháp luật

Những năm vừa qua, sự biến động của nền kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh mẽ đối với người lao động Dầu khí. Để có thể đối phó tốt với các biến động trên, hỗ trợ người lao động những kiến thức về Chính sách Pháp luật mới nhất, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức các đợt tập huấn tư vấn chính sách pháp luật. Từ đây, các cán bộ công đoàn sẽ là những hạt nhân tại các đơn vị, điểm tựa cho hơn 5 vạn cán bộ công nhân viên của ngành Dầu khí có thể tìm đến mỗi khi cần được hỗ trợ về việc làm, bảo hiểm, y tế.

Hoạt động trọng tâm

Thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch công tác năm 2015, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định chương trình công tác chính sách pháp luật là hoạt động trọng tâm nhằm bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ công đoàn và chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Chính vì vậy, chương trình tập huấn chính sách pháp luật đã tập trung chuyên sâu, trao đổi kinh nghiệm nâng cao kiến thức pháp luật của cán bộ công đoàn trong việc vận dụng các văn bản pháp luật để tư vấn cho đơn vị, công đoàn và người lao động.

Cuối tháng 4 vừa qua, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn Pháp luật (TVPL) Trường Đại học Luật  tổ chức khóa tập huấn công tác chính sách pháp luật năm 2015 cho 60 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Chuyên trách Tư vấn Pháp luật Công đoàn của 29 đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập huấn về chính sách pháp luật đã trở thành hoạt động thường niên của Công đoàn Dầu khí Việt Nam, với chất lượng và các chuyên đề ngày càng hấp dẫn có tính định hướng rất cao và sát thực tế đối với cán bộ công đoàn chuyên trách về tư vấn pháp luật tại cơ sở.

IMG_9691

 Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha phát biểu khai mạc tập huấn Chính sách Pháp luật 2015

Phát biểu tại khóa Tập huấn, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Mạnh Kha nhấn mạnh: “Các diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế xã hội nước ta trong những năm vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến các quan hệ lao động và người sử dụng lao động tại các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chính vì vậy Công đoàn Dầu khí Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn chính sách pháp luật của cán bộ công đoàn. Năm 2015, Công đoàn Dầu khí sẽ đặc biệt quan tâm đến bồi dưỡng, nâng cao trình độ tư vấn, chính sách, pháp luật cho các cán bộ công đoàn chuyên trách, những người trực tiếp làm việc với người lao động để có thể giải thích, hỗ trợ người lao động được nhanh, chính xác và yên tâm hơn khi làm việc tại các đơn vị. Để đảm bảo lợi ích và quyền lợi hợp pháp cho người lao động, đồng thời tư vấn cho người sử dụng lao động có thể đảm bảo đúng luật, hợp lý hợp tình chính là công việc có vai trò cầu nối của cán bộ công đoàn. Chính vì vậy, công tác tư vấn pháp luật sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động công đoàn Dầu khí. Cán bộ công đoàn phải khẳng định vai trò cầu nối giữa lãnh đạo các đơn vị và người lao động, hướng tới xây dựng môi trường lao động sản xuất kinh doanh lành mạnh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị trong năm 2015”.

Các nội dung chính của khóa tập huấn gồm nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật và khả năng vận dụng pháp luật trong hoạt động của công đoàn, các quy định và hướng dẫn mới thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động 2012 về lao động, tiền lương. Đặc biệt là một số điểm mới, cần lưu ý khi thực hiện của Luật việc làm năm 2013, Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung 2014.

Góc nhìn mới về quan hệ lao động

Ngày 01/5/2013, Bộ luật Lao động năm 2012 chính thức có hiệu lực bước đầu góp phần định hướng cho việc khắc phục những hạn chế nêu trên. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động chỉ điều chỉnh lao động có quan hệ lao động, nhiều quy định trong Bộ luật chưa cụ thể, chưa khắc phục những hạn chế và điều chỉnh toàn diện quan hệ xã hội về việc làm. Do đó, để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời hoàn thiện chính sách pháp luật về việc làm nhằm tạo cơ hội việc làm, đảm bảo việc làm bền vững và an toàn cho mọi người lao động trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề thúc đẩy việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, và nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động, cần phải xây dựng và ban hành Luật Việc làm để điều chỉnh toàn diện quan hệ về việc làm và thị trường lao động.

Luật việc làm quy định về 5 nội dung chính như hỗ trợ tạo việc làm đã quy định 6 chính sách hỗ trợ  tạo việc làm trực tiếp bao gồm tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động khu vực nông thôn; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên và chương trình việc làm công. Thông tin thị trường lao động quy định về thông tin thị trường lao động và trách nhiệm quản lý thông tin thị trường lao động; thu thập, cung cấp, phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động. Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề. Dịch vụ việc làm thì quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Tổ chức dịch vụ công về việc làm) và Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Đặc biệt, bảo hiểm thất nghiệp đã quy định rõ hơn về các đối tượng, chế độ, Quỹ và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc điều chỉnh mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động khi lược bớt những yêu cầu về bảo hiểm tự nguyện.

 IMG_9693

Toàn cảnh Tập huấn Chính sách Pháp luật Công đoàn Dầu khí 2015 tại Thái Bình

Mặt khác, đối tượng của bảo hiểm thất nghiệp trong Dự án Luật mở rộng đối với người lao động có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và mọi người sử dụng lao động. Đối với người lao động không có quan hệ lao động Dự án Luật dự kiến sẽ thực hiện theo cơ chế tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, mức đóng, mức hỗ trợ, phương thức đóng, thời gian đóng, trình tự thủ tục và lộ trình thực hiện. Chế độ của bảo hiểm thất nghiệp trong Luật việc làm được mở rộng hơn như thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất kinh doanh.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trường Đại học Luật Hà Nội, Luật việc làm có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện một “ý chí” nhất quán của nhà nước ta là “dần buông” việc quản lý mối quan hệ lao động. Trong đó, những vấn đề liên quan đến việc làm được căn cứ bởi sự thỏa thuận trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là thỏa ước lao động tập thể. Bởi vậy, vai trò của tổ chức công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn làm công tác tư vấn chính sách pháp luật ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có loại hình lao động đặc thù như ngành Dầu khí.

Có thể nói, Luật Việc làm được ban hành, sẽ thúc đẩy các quan hệ xã hội về việc làm ngày càng phát triển, góp phần giải phóng năng lực của mọi người lao động cho phát triển kinh tế và xã hội, tạo ngày càng nhiều việc làm có năng suất, chất lượng, hiệu quả và góp phần duy trì, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế song song với đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thành Công (theo Năng lượng Mới)