Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang quyết liệt thực hiện công tác tái cấu trúc, các đơn vị phải thu gọn tổ chức, mô hình sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại lao động. Trong quá trình tái cấu trúc, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức Công đoàn Dầu khí để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, đặc biệt công tác tư vấn chính sách pháp luật để giải quyết những mâu thuẫn lao động tại các đơn vị là rất quan trọng và kịp thời.
Chủ động vào cuộc
Tái cấu trúc PVN là quá trình, bước đi quan trọng để không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, với mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện được tốt quá trình này, đòi hỏi tất cả hệ thống tổ chức của doanh nghiệp như Đảng ủy, Ban lãnh đạo, Tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên và người lao động (NLĐ) đều phải vào cuộc và đồng tâm thực hiện thì mới thành công và đạt được các mục tiêu đề ra.
Kế hoạch tái cấu trúc của PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện. Trong đó, năm 2014 và 2015 là những năm bản lề của kế hoạch này, PVN và các đơn vị thành viên đang tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến NLĐ, chủ thể của các doanh nghiệp. Bởi vậy, giai đoạn tái cấu trúc này Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) và các cấp công đoàn trong toàn ngành, đặc biệt là công đoàn cơ sở đã xác định vai trò, trách nhiệm tham gia tích cực với chuyên môn, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, hạn chế những tranh chấp lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm thiểu những ảnh hưởng đến hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam
Trong quá trình tái cấu trúc Tập đoàn, đặc biệt tập trung tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn, CĐ DKVN đã nắm rõ chủ trương để đưa vào chương trình kế hoạch công tác, tích cực tham gia và thay mặt NLĐ, nói lên tiếng nói của NLĐ, đóng góp các ý kiến, kiến nghị với Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn, đặc biệt góp ý kiến tại các cuộc giao ban với các đơn vị có liên quan đến vấn đề tái cấu trúc và liên quan đến NLĐ.
CĐ DKVN đã chủ động hướng dẫn chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc bám sát nhiệm vụ kế hoạch, lộ trình tái cấu trúc của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, tổ chức tốt công tác tuyên truyền đến NLĐ để nắm rõ chủ trương này, đồng thời phối hợp với chuyên môn xây dựng phương án nhân sự, tổ chức sắp xếp bố trí lại lực lượng lao động, tham gia và đề nghị giải quyết đảm bảo các chế độ chính sách đối với NLĐ, quan tâm đến những lao động dư dôi, thôi việc, nghỉ chế độ hoặc chuyển đơn vị. Mặt khác, các cấp công đoàn trong Tập đoàn tích cực tham gia để đảm bảo đúng quy trình và đúng pháp luật trong quá trình thực hiện, hạn chế tranh chấp lao động. CĐ DKVN đã tổ chức các lớp tập huấn chính sách pháp luật có hiệu quả, trong đó có nội dung về vai trò của các cấp công đoàn trong quá trính tái cấu trúc doanh nghiệp, nhằm giúp cán bộ công đoàn trong toàn ngành nắm vững chuyên môn và chủ trương, phương pháp, bám sát những nội dung trọng tâm để tham gia, đi sâu, đi sát với NLĐ và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Từ thực tiễn ở cơ sở, thời gian qua, trong ngành đã có xuất hiện những kiến nghị của NLĐ tập trung chủ yếu về việc thực hiện chế độ chính sách, pháp luật, liên quan đến quyền và lợi ích, nghĩa vụ của NLĐ, CĐ DKVN đã trả lời giải đáp, tư vấn pháp lý, làm rõ kịp thời các vấn đề nảy sinh trong các đơn vị, CĐ DKVN cũng đã có đợt làm việc với tất cả các công đoàn trực thuộc có sự tham gia của lãnh đạo đơn vị nhằm tìm hiểu, lắng nghe và phối hợp giải quyết những vướng mắc và đề xuất của đơn vị. Đối với các đơn vị khó khăn, đời sống việc làm, thu nhập, chế độ của NLĐ bị ảnh hưởng, CĐ DKVN đã kịp thời, động viên NLĐ, đồng thời hỗ trợ công đoàn cơ sở có những biện pháp khắc phục và tham gia để cải thiện tình hình.
Vượt lên thử thách
Tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Chính phủ trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ “tái cấu trúc” là một thuật ngữ mới bao gồm toàn bộ những từ chuyên môn trước đây như “sắp xếp lại tổ chức”, “cổ phần hóa, chuyển đổi doanh nghiệp”, “sáp nhập, chia tách doanh nghiệp”, “thay đổi mô hình quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp”…
Trong 3 năm qua, PVN mặc dù vẫn tăng trường với tỷ lệ cao nhưng vẫn còn những đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ đặc biệt khó khăn như Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty Đóng tàu Dung Quất (DQS), Công ty CP Hóa dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTex)…
Trước tình hình đó, lãnh đạo CĐ DKVN rất quan tâm để có sự hỗ trợ cao nhất, động viên, đẩy mạnh phong trào sản xuất tại các đơn vị khó khăn. Cùng với các công đoàn cơ sở tìm cách tháo gỡ những vấn đề như việc làm của NLĐ, chấm dứt chậm trả lương, thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ cho NLĐ. Đặc biệt là các dịp lễ, tết CĐ DKVN đã dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt đối với các đơn vị khó khăn. Từ đó, ổn định tư tưởng, tâm trạng, đảm bảo cuộc sống cho NLĐ. CĐ DKVN đã hỗ trợ tích cực đến NLĐ của PVC, PVTex, DQS, EIC về thị trường, công nghệ, sắp xếp bố trí nhân lực… để từng bước giải quyết khó khăn cho đơn vị.
Tập huấn chính sách pháp luật cho các cán bộ Công đoàn Dầu khí 2014
Nợ lương, thiếu việc làm, sắp xếp tổ chức, điều chuyển nhân sự, chế độ trợ cấp, bảo hiểm xã hội… là những vấn đề, tình huống đang được NLĐ quan tâm. Để giải quyết những việc này, CĐ DKVN đã vào cuộc thực hiện tuyên truyền luật pháp, đưa ra các phương hướng chính xác để NLĐ thấu hiểu và làm đúng. Khi xảy ra tranh chấp lao động tại các đơn vị, Ban Chính sách Pháp luật của CĐ DKVN đã thực hiện tư vấn, tham gia giải quyết, xử lý mọi khúc mắc. Thời gian qua, CĐ DKVN đã luôn có hồi đáp, xử lý các công văn đề nghị tư vấn, định hướng cho các công đoàn cơ sở kịp thời, đúng pháp luật đối với các vấn đề khó khăn của NLĐ. Các đơn vị đã từng bước ổn định tư tưởng, tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn, giúp NLĐ tìm công việc mới hoặc cải tiến, nâng cao chất lượng công việc.
Đánh giá về công tác tư vấn pháp luật tại đơn vị, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch CĐ DKVN nhấn mạnh, các công đoàn cơ sở trong Tập đoàn đã luôn chủ động, tích cực tham gia phối hợp cùng với chuyên môn đồng cấp tiến hành xây dựng phương án nhân sự, bố trí sắp xếp việc làm, xây dựng bàn hành các chính sách về tiền lương, phúc lợi, vấn đề hợp đồng lao động, tham gia với lãnh đạo các đơn vị để đưa ra các quyết định liên quan đến NLĐ và đảm bảo tính pháp lý các vấn đề trong quan hệ lao động, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Các cấp Công đoàn trong toàn Tập đoàn đã không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, tuyên truyền cho NLĐ về chính sách pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân. Mặt khác, ngành Dầu khí là lĩnh vực hoạt động đặc thù, phần lớn NLĐ phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, nặng nhọc và có nhiều rủi ro…, do vậy được sự quan tâm của Tập đoàn và các cấp đơn vị, chính sách của NLĐ Dầu khí luôn được quan tâm và được đảm bảo, Công đoàn các cấp đã tích cực tham gia, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, động viên một cách thiết thực và không ngừng cải thiện đời sống, tinh thần của NLĐ. Từ đó NLĐ luôn nỗ lực, hăng say làm việc và tự hào được làm việc tại PVN và luôn cống hiến hết mình vì sự phát triển của đơn vị và Tập đoàn.
Có thể nói, công đoàn là đại diện cho NLĐ để hướng tới xây dựng quan hệ hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động, để cán bộ công nhân viên gắn bó, cùng với doanh nghiệp vượt qua những thách thức của nền kinh tế thị trường, xây dựng một đơn vị vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ tác cơ cấu PVN.
Thành Công