Trong những năm gần đây Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Tập đoàn) phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn như khủng hoảng tài chính, giá dầu giảm mạnh cùng những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Tập đoàn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, tâm tư nguyện vọng của cán bộ công nhân viên chức lao động (NLĐ).
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp đơn vị, các cấp Công đoàn trong toàn Tập đoàn đã ra sức tìm mọi giải pháp để thúc đẩy SXKD trên mọi lĩnh vực, tạo việc làm cho NLĐ và vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm như sản lượng khai thác, doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận, các chỉ tiêu sản xuất khí, điện, đạm, xăng dầu…
Toàn cảnh Hội thảo
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vai trò của các cấp Công đoàn cũng đóng góp tích cực vào kết quả SXKD của toàn Tập đoàn, luôn sát cánh cùng NLĐ và Tập đoàn để động viên khích lệ NLĐ giữ vững bản lĩnh tinh thần, không ngừng đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động, với phương châm thiết thực nhất vì sự phát triển của Tập đoàn, vì sự ổn định việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ và không ngừng nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng công trình, sản phẩm, dịch vụ, giảm giá thành sản xuất, sản phẩm, tiết giảm chi phí, góp phần quan trọng vào sự ổn định phát triển của Tập đoàn.
Để thực hiện tốt hơn nữa các chế độ chính sách, các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật BHXH, Luật BHYT,… cùng các văn bản hướng dẫn của Nhà nước và Tổng Liên đoàn LĐVN hiện nay thì công tác chế độ chính sách và thực hiện pháp luật luôn đặt lên hàng đầu khi tham gia các quan hệ lao động. Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức buổi hội thảo về tình hình thực hiện công tác chính sách pháp luật, chương trình phúc lợi đoàn viên và thực hiện “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn” trong Tập đoàn DKQGVN tại TP. Đà Lạt nhằm trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh công tác hoạt động công đoàn cũng như việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ của từng đơn vị, nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn tham gia xây dựng các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ.
Về tham dự hội thảo có đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn LĐVN; đồng chí Mai Lương Anh, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng; Ban lãnh đạo Công đoàn DKVN; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng/Phó và cán bộ các Ban/Văn phòng Công đoàn Dầu khí Việt Nam; các đồng chí Chủ tịch/Phó Chủ tịch Công đoàn và Cán bộ công đoàn Phụ trách công tác CSPL các Công đoàn trực thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đ/c Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn DKVN báo cáo đề dẫn, định hướng nội dung Hội thảo chính sách pháp luật
Hội thảo đã báo cáo tình hình thực hiện công tác chính sách pháp luật, chương trình phúc lợi đoàn viên và thực hiện “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn” trong Tập đoàn hiện nay; các ý kiến tham luận, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hoạt động công đoàn, tổ chức năm vì lợi ích đoàn viên cùng các kiến nghị và đề xuất của đại biểu, đặc biệt là ý kiến phát biểu của đại diện Lãnh đạo Ban Quan hệ Lao động của Tổng Liên đoàn LĐVN và đề ra các giải pháp để thực hiện trong thời tới của các cấp Công đoàn như sau:
- Các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Lãnh đạo đơn vị tổ chức các hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và giữ vững đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt mối quan hệ lao động hài hòa trong đơn vị.
- Triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên đang được Tổng Liên đoàn LĐVN sâu rộng nhằm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn và NLĐ. Các cấp công đoàn cần chủ động nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn đoàn viên, NLĐ về các thoả thuận hợp tác theo công văn số 147/CĐDK-CSPL ngày 14/3/2017 của Công đoàn DKVN và các thỏa thuận hợp tác khác mà Tổng Liên đoàn LĐVN đã ký kết.
- Chỉ đạo thực hiện “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn” theo hướng dẫn số 250/HD-CĐDK ngày 19/4/2017 của Công đoàn DKVN và hướng dẫn số 284/TLĐ ngày 09/3/2017 của Tổng Liên đoàn LĐVN. Cụ thể:
– Chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn (đoàn viên) thông qua tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan đến người lao động (NLĐ) nói chung, cần chú ý những quy định có lợi hơn cho NLĐ là đoàn viên. Chú trọng đề xuất chính sách về tiền lương, tiền thưởng, chính sách BHXH, BHYT và BHTN; chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.
Đ/c Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn LĐVN phát biểu tại hội thảo
– Chăm lo lợi ích cho đoàn viên, NLĐ thông qua thương lượng, ký kết TƯLĐTT như đề xuất, thương lượng đưa vào TƯLĐTT những điều, khoản có lợi cho NLĐ so với quy định của pháp luật về lao động, trong đó có điều, khoản quy định ưu tiên hơn đối với đoàn viên so với NLĐ chưa là đoàn viên. Chỉ ký TƯLĐTT khi thương lượng đạt được các điều, khoản có lợi hơn quy định của pháp luật lao động hiện hành cho NLĐ của đơn vị. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều khoản trong TƯLĐTT đã ký kết và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT.
– Chăm lo lợi ích cho đoàn viên thông qua đối thoại, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động (NSDLĐ) tổ chức đối thoại; lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đoàn viên để chuẩn bị nội dung đối thoại, phân loại nội dung ưu tiên đối thoại và đề nghị NSDLĐ đối thoại đột xuất đối với những vấn đề bức xúc của đoàn viên cần giải quyết ngay. Công đoàn có trách nhiệm tham gia xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, nhất là những quy chế trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên và NLĐ, như: Nội quy lao động; Quy chế tiền lương, tiền thưởng, thi đua khen thưởng, sử dụng quỹ phúc lợi, đào tạo, tuyển dụng v.v…
– Thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên” như thông qua các cơ sở vật chất hiện có của tổ chức Công đoàn: Các cấp công đoàn cần hướng dẫn, tổ chức cho đoàn viên tham gia và được hưởng những ưu đãi thông qua các cơ sở vật chất, các thiết chế công đoàn đã và đang chuẩn bị hình thành, xây dựng như: Nhà trẻ, mẫu giáo, siêu thị công đoàn, các thiết chế văn hoá, thể thao,…
– Thông qua hoạt động xã hội, từ thiện của Công đoàn. Hoạt động xã hội của tổ chức Công đoàn cần tập trung trước hết dành cho đoàn viên, với Chương trình “Nhà ở mái ấm Công đoàn Dầu khí”, “Mái ấm tình thương” tập trung hỗ trợ đoàn viên đang khó khăn về nhà ở, đủ điều kiện theo quy định. Hỗ trợ khó khăn, thăm hỏi ốm đau, bệnh tật, hiếu hỉ cho đoàn viên và NLĐ theo quy chế hoạt động của Quỹ tương trợ Dầu khí và chăm lo cho NLĐ đã nghỉ hưu.
– Chăm lo lợi ích tinh thần, quyền lợi chính trị cho đoàn viên. Lợi ích tinh thần cho đoàn viên là việc đoàn viên tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; thăm quan, nghỉ mát, vui chơi, giải trí; khi các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động trên, cần chú ý ưu tiên đoàn viên, chồng hoặc vợ, con đoàn viên được ưu tiên tham gia trước; đối với các hoạt động tinh thần nêu trên phải đóng phí, công đoàn cần có cơ chế, chính sách miễn, giảm đối với đoàn viên. Đảm bảo các quyền lợi chính trị cho đoàn viên, nhất là tạo điều kiện cho đoàn viên được có nhiều cơ hội và điều kiện học tập, nâng cao trình độ chính trị; công đoàn chủ động bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp; công đoàn cần chủ động có ý kiến đề xuất với cấp Ủy đảng, NSDLĐ xem xét, bố trí đề bạt chức danh lãnh đạo, quản lý là đoàn viên khi đang có sự cân nhắc lựa chọn giữa các đối tượng khác nhau trong đó có đoàn viên. Tạo điều kiện và cơ hội cho đoàn viên được tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; thu hút đoàn viên tham gia các phong trào thi đua do công đoàn tổ chức, nhất là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, từ đó mở ra cơ hội thăng tiến cho đoàn viên.
- Đẩy mạnh công tác tập huấn công tác chính sách pháp luật để nắm bắt các văn bản pháp luật mới, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tập đoàn. Các cấp Công đoàn cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hoạt động của tổ chức công đoàn đồng thời tham gia giải quyết kịp thời những kiến nghị, vấn đề bức xúc, liên quan đến quyền lợi, chế độ chính sách của NLĐ tại các đơn vị.
- Tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động SXKD toàn Tập đoàn cũng như tâm tư của NLĐ tại đơn vị từ đó giải pháp trong SXKD, hỗ trợ kịp thời cho NLĐ có thu nhập thấp, việc làm không ổn định, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm.
Với các nội dung và giải pháp trên, các Công đoàn trực thuộc sẽ có cơ sở xây dựng chương trình và kế hoạch thực hiện công tác chính sách pháp luật, chương trình phúc lợi cho đoàn viên, thực hiện “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn” trong thời gian tới, thực hiện mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa NSDLĐ và NLĐ và thực hiện tốt chức năng bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn và NLĐ.
Nguyễn Văn Sỹ – Phó ban Chính sách Pháp luật