Đồng hành cùng những thăng trầm trong tiến trình lịch sử đất nước, các thế hệ “những người đi tìm lửa” với bản lĩnh, trí tuệ, sự kiên trì đã quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí, mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hoàn chỉnh và đồng bộ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm chính thức Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới khu công nghiệp dầu khí Baku, Azerbaijan. Tại đây, Người đã đề nghị với các nhà lãnh đạo Azerbaijan: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku…”.
Sau lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm, ngành Dầu khí Việt Nam mở ra kỷ nguyên mới. Đồng hành cùng những thăng trầm trong tiến trình lịch sử đất nước, các thế hệ “những người đi tìm lửa” với bản lĩnh, trí tuệ, sự kiên trì đã quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí, mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hoàn chỉnh và đồng bộ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Khẳng định vị thế của một tập đoàn kinh tế trụ cột, đầu tàu, tiên phong trong nền kinh tế quốc dân, Petrovietnam đã có những bước tiến thần tốc. Từ vị trí người học việc, người làm thuê nay đã làm chủ được những công nghệ thăm dò, khai thác tiên tiến nhất trên giới, có những thành tựu kỹ thuật to lớn, làm thay đổi cả kiến văn về cấu tạo địa chất mỏ dầu trên thế giới. Chúng ta đã xây dựng được một ngành dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ, khép kín từ tìm kiếm, thăm dò khai thác, đến tàng trữ, vận chuyển và chế biến sâu.
Những thành tựu vĩ đại của ngành Dầu khí trong hơn 60 năm qua mà chủ lực là Petrovietnam có được còn nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ trong tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo mọi điều kiện để phát triển và sự chăm lo, đùm bọc của nhân dân. Trong đấy là những nghị quyết, nghị định, quyết định quan trọng, là “sợi chỉ đỏ” mở đường cho ngành Dầu khí và Petrovietnam.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Chính trị đã có quyết định quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của ngành Dầu khí, với việc ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW ngày 9/8/1975 về triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là cơ sở để ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam – tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước.
Ngày 7/7/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000. Ngày 19/1/2006, Bộ Chính trị có Kết luận số 41 và ngày 9/3/2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386 phê duyệt chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025.
Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Nghị quyết đã khẳng định vai trò to lớn của Petrovietnam là doanh nghiệp chủ lực của ngành Dầu khí Việt Nam – trong việc xây dựng phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, trước những biến động chưa từng có trong tiền lệ mà Tập đoàn phải đối diện trên thị trường dầu mỏ thế giới, cuộc khủng hoảng kép vì dịch bệnh, giá dầu… khiến việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 41 chưa đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 23/7/2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.
Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 76 đã tạo điều kiện để phát triển ngành Dầu khí nhanh, bền vững, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, yêu cầu của quá trình chuyển dịch năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng xanh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh biển, đảo, an toàn môi trường sinh thái.
Phát huy lợi thế, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên dầu khí quốc gia, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dầu khí ở nước ngoài. Đầu tư phát triển một số trung tâm công nghiệp năng lượng quốc gia quy mô lớn, tích hợp chuỗi giá trị dầu khí, năng lượng truyền thống trong nước và nhập khẩu gắn với phát triển các nguồn năng lượng mới. Phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp dầu khí có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, trong đó Petrovietnam đóng vai trò dẫn dắt.
Kết luận 76 cũng xác định lĩnh vực điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí là cốt lõi, phải ưu tiên đi trước trong thúc đẩy triển khai các hoạt động dầu khí. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thăm dò, khai thác tận thu tại các khu vực nước nông, truyền thống; tận dụng kết nối các mỏ nhỏ, cận biên; mở rộng hoạt động dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ để gia tăng trữ lượng; nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò các đối tượng hydrocarbon phi truyền thống.
Tiếp tục triển khai các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí ở nước ngoài với lộ trình phù hợp, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động dầu khí, nâng cao hệ số thu hồi dầu khí; khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và kế hoạch triển khai các dự án thu hồi, lưu trữ, xử lý carbon.
Kết luận 76 nhấn mạnh phải bảo đảm vai trò nền tảng và phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp khí gắn với cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, từng bước hội nhập thị trường khu vực và quốc tế. Có cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khí trong dài hạn; đẩy nhanh khai thác các mỏ khí trong nước gắn với các chuỗi dự án khí – điện theo hướng bảo đảm lợi ích tổng thể quốc gia.
Song song với đó là phải đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp điện khí, điện gió, điện mặt trời ngoài khơi, ven biển; triển khai thí điểm dự án sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi; sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh, năng lượng tái tạo gắn với lợi thế của ngành Dầu khí. Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước, sớm triển khai các dự án nhiệt điện LNG đã được phê duyệt. Xây dựng các trung tâm năng lượng quốc gia tích hợp khí, LNG – điện – lọc hóa dầu, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế…
Về công nghiệp chế biến dầu khí, Kết luận 76 yêu cầu cần tăng cường chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm dầu khí, hiệu quả tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; ưu tiên phát triển các nhà máy lọc, hóa dầu đang hoạt động hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu, đầu tư các dự án hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất mới gắn với trung tâm chế biến dầu khí, trung tâm năng lượng tái tạo; chuyển đổi nhiên liệu, sản phẩm theo hướng xanh hóa, giảm phát thải CO2 …
Đối với công nghiệp chế tạo, dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, dầu khí chất lượng cao, Kết luận 76 đặt ra yêu cầu phải theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa và năng lực tự chủ, trở thành lĩnh vực mũi nhọn của ngành Dầu khí. Lịch sử ngành Dầu khí trong hơn nửa thế kỷ qua đã tập trung khai thác tài nguyên làm giàu cho đất nước. Thế nhưng, đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, sẽ cạn kiệt. Vì vậy, tài nguyên của ngành Dầu khí, của Petrovietnam ở thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ là con người. Con người có thể “tạo ra các động lực mới”, Con người có thể “làm mới các động lực cũ” và tiếp tục phát triển bền vững Tập đoàn.
Với những “động lực mới” từ Kết luận 76 mang lại, với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu” và với phương châm “bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ”, quản trị biến động, chắc chắn Petrovietnam sẽ có những bước đột phá, vượt qua rào cản, thách thức để trở thành tập đoàn công nghiệp – năng lượng quốc gia và vươn tới những đỉnh cao mới và bước vào kỷ nguyên mới./.
Nguyễn Như Phong