24/08/2023 8:28:35

Có một văn hóa “biết ơn” tại Petrovietnam

Hơn 20 năm làm nghề, lần đầu tiên tôi tham một dự hội nghị tổng kết cuộc thi nội bộ về văn hóa doanh nghiệp mà nghe được nhiều lời tri ân đến như vậy. Điều đặc biệt là những lời “cảm ơn” này được nói ra một cách rất chân thành và đầy hứng khởi.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển hơn 60 năm. Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, Tập đoàn đã liên tục trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Trong đó, có những thời điểm niềm tin của người dầu khí đối với Tập đoàn gần như chạm đáy theo cuộc khủng hoảng giá dầu thế giới. Ấy vậy nhưng tình yêu của người dầu khí vẫn âm ỉ trong mỗi người lao động, những tổn thương trước búa rìu dư luận được chính người trong cuộc tự cảm nhận, tự vấn lại những khuyến điểm của mình.

Có một văn hóa “biết ơn” tại Petrovietnam

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tặng biểu trưng cho Nhạc sĩ Đào Tiến.

Cuộc “đại phẫu” bắt đầu từ trong tiềm thức của người dầu khí được triển khai với tên gọi “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” để làm sống lại những truyền thống vượt khó, tinh thần đối mặt với thách thức, kiên trung với nhiệm vụ của Đảng, nhân dân giao phó được phát động, triển khai sâu rộng từ Công ty Mẹ đến các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Cùng với cuộc chiến thay đổi tư duy là một loạt những phương án, giải pháp quản trị mới được Đảng ủy – Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn đưa vào áp dụng trong thực tế như tăng cường quản trị, đặc biệt là quản trị biến động, kiểm soát hiệu quả đối với từng phân ngành trong Tập đoàn từ khâu tìm kiếm thăm dò khai thác đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, công nghiệp điện,… đến dịch vụ.

Chưa hết, để ứng phó với dịch Covid-19, toàn Petrovietnam đã liên tục tập trung xây dựng 22 chuỗi giá trị trong ngành Dầu khí, tăng tính liên kết và nâng cao khả năng cạnh tranh của các đơn vị trong Tập đoàn. Đặc biệt, việc xử lý các dự án chậm tiến độ trong ngành như Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1… được lãnh đạo Tập đoàn, người lao động toàn ngành Dầu khí tập trung tâm sức tháo gỡ vướng mắc và hoàn thành dự án theo đúng cam kết với Chính phủ. Đến nay, Nhà máy Đình Vũ đã được đưa ra khỏi danh sách các dự án yếu kém ngành Công Thương, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 và đặc biệt là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành đưa vào sản xuất đúng vào thời điểm cả nước thiếu điện trong mùa khô năm 2023, đóng góp tích cực cho an ninh năng lượng quốc gia.

Điểm lại những thăng trầm của Tập đoàn trong thời gian qua để thấy rằng vì sao cuộc thi có tính nội bộ như “Tôi yêu Petrovietnam” lại được người lao động trong Tập đoàn tham gia nhiệt tình đến như vậy. Cuộc thi diễn ra trong 4 ngày, ngày đầu tiên chỉ có hơn 2 nghìn lượt người tham gia, đến khi cuộc thi kết thúc thì có đến hơn 23 nghìn lượt người tham gia “dự thi”. Trong đó, 800 người dự thi đáp đúng toàn bộ 50/50 câu hỏi trắc nghiệm.

Có một văn hóa “biết ơn” tại Petrovietnam

Lãnh đạo Petrovietnam và các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng các cá nhân, tập thể đoạt giải cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam”.

Mang theo sự tò mò, tôi tìm gặp anh Lê Tuấn Nghĩa – Ban Tài chính Kế toán Tập đoàn, người đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam” để đề nghị anh bật mí về bí quyết dự thi. Anh Nghĩa bật cười hào hứng cho biết, là một cán bộ nhân viên có 15 năm gắn bó với Tập đoàn, cùng các đồng nghiệp trải qua nhiều gian nan trắc trở nên khi tham gia cuộc thi này anh chị em trong ban rất hào hứng. Đến khi Ban Tổ chức thông báo đoạt giải tôi cũng không hề biết mình được giải gì để rồi vỡ òa khi Ban Tài chính – Kế toán Tập đoàn đạt cả hai giải Đặc biệt cá nhân – tập thể của cuộc thi.

Cùng nội dung câu hỏi trên, chị Trương Thị Thanh Hà – Văn phòng Tập đoàn người đoạt giải Nhất của cuộc thi cho biết thêm, trong suốt những ngày diễn ra cuộc thi, chị và nhóm của mình đã phân tích kỹ các nội dung trong “bộ đề thi”, tìm đọc lại bộ lịch sử ngành Dầu khí, lược sử Petrovietnam… và tham gia thi với tinh thần học hỏi, bằng kiến thức, sự hiểu biết và yêu mến với Petrovietnam.

Trong không khí phấn khởi từ cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam”, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã nhắc lại lịch sử ra đời của ngành Dầu khí Việt Nam, từ chuyến thăm khu Công nghiệp Dầu khí tại Ba Cu của Bác Hồ vào ngày 23/7/1959, lời tiên tri và mong ước của Người về ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, quyết tâm của Đảng, Chính phủ thành lập ngành Dầu khí năm 1961 cho đến nay. Trải qua bao gian khó, thăng trầm với sự cống hiến hy sinh của lớp lớp thế hệ người dầu khí để có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh như ngày hôm nay. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng bộc bạch, cuộc thi này là dịp để người dầu khí thể hiện lòng biết ơn Bác, với các thế hệ đi trước, với lịch sử và với chính chúng ta – những người lao động dầu khí.

Có một văn hóa “biết ơn” tại Petrovietnam

Người lao động Dầu khí tích cực, hào hứng tham gia cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam”

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu chúng ta không yêu nơi làm việc, tổ chức mà chúng ta gắn bó thì không thể tạo nên sức mạnh, sự kiên trung trước khó khăn thử thách. Lãnh đạo Tập đoàn đã nỗ lực định hướng phát triển Tập đoàn trong tương lại, trong đó tiếp tục củng cố xây dựng văn hóa Petrovietnam, củng cố lại hệ giá trị cốt lõi của Tập đoàn là “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”. Đặc biệt, mục đích cốt lõi của Petrovietnam là tập đoàn dầu khí quốc gia mang trên mình sứ mệnh của dân tộc, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trên con đường đi lên hùng cường.

Tại chương trình có một khách mời khá đặc biệt là nhạc sĩ Đào Tiến. Ông là người phổ nhạc cho bài thơ của chính Tổng Giám đốc Petrovietnam tạo nên ca khúc Tự hào Petrovietnam. Phát biểu tại buổi lễ, nhạc sĩ Đào tiến bày tỏ niềm xúc động trước những thành tựu và tình cảm của người dầu khí. Ông thừa nhận rằng mình đã rất may mắn được làm một người con của ngành Dầu khí và phổ nhạc cho bài thơ “Tự hào Petrovietnam”. Ông bày tỏ niềm tự hào, vui mừng trước những thành tựu của Tập đoàn, trước khát vọng phát triển, dựng xây đất nước của Petrovietnam trong thời đại mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị còn được nghe chuyên đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp của TS Giản Tư Trung – Chủ tịch sáng lập Viện quản lý PACE. TS Giản Tư Trung đã đem đến cho người dầu khí một cái nhìn mới về văn hóa, những câu hỏi đáng suy ngẫm cho mỗi người về cách sống, cách làm người và sự cần thiết của sự thay đổi tư duy, trau dồi văn hóa của mỗi cá nhân.

Với tác giả bài viết tham dự sự kiện này, được hòa mình vào tập thể những người dầu khí, tôi nhận thấy rằng, thật sự khi cùng vượt qua những thách thức, gian nan, thì những lời tri ân chân thành còn là lời hứa tiếp tục sống và cống hiến tốt hơn cho tương lai.

Thành Công