30/11/2023 9:35:44

Chuyện về xây dựng Đảng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Kỳ 3 – Suy ngẫm từ “Tự soi, tự sửa”

“Do bắt đúng bệnh”, “cắt đúng thuốc” nên thời gian qua, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã lãnh đạo toàn diện, tạo nên những thành tích ấn tượng; thành công vượt qua ”khủng hoảng kép”.

Như người ta đã nói, trong “nguy” có “cơ”. Chính giai đoạn đại khủng hoảng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) bắt đầu từ năm 2015 đến 2017 là giai đoạn nguy ngập nhất.

Và thời điểm ấy, thậm chí đã có ý kiến hồ nghi về sự tồn tại của Tập đoàn Dầu khí? Rồi thậm chí đòi xem xét lại sự đóng góp của Tập đoàn Dầu khí đối với quốc gia trong việc khai thác dầu khí. Thậm chí có cả những vị còn nói kiểu bạc mồm: “Có mỗi chọc mũi khoan xuống hút dầu lên mà còn lỗ”.

Và như người ta nói, “giậu đổ bìm leo”, một loạt các dự án đầu tư ra nước ngoài chưa mang lại hiệu quả như dự án Junin 2 (Venezuela), dự án Lô 67 (Peru)… đã được “đào bới xới lộn” và dĩ nhiên, các cơ quan có trách nhiệm đã nhanh chóng vào cuộc. Chỉ có điều, các cơ quan này chưa xem xét đến một việc, đó là tính rủi ro trong công tác đầu tư của ngành khai thác dầu khí.

Truyền thông thì được dịp suy diễn theo kiểu nói lấy được. Rồi theo trào lưu dân túy, có vị lãnh đạo thời đó, nay đã nghỉ hưu, cũng lên tiếng phủ nhận vai trò của mình trong giai đoạn ấy.

Những điều đó, cùng với chuyện một số lãnh đạo cao cấp bị bắt, bị xử lý; cộng với giá dầu lao dốc thê thảm đã khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như một con sông bị cạn nước. Và khi nước đã cạn, người ta sẽ nhìn thấy hết rác rưởi, cây que cột cọc nằm đọng dưới đáy sông… mà đã bao lâu rồi, dòng sông đầy ắp nước che đi tất cả!

Vậy là từ cuối năm 2018, khi đồng chí Trần Sỹ Thanh được điều về làm Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Tập đoàn, bắt đầu vào công cuộc đại cải tổ Tập đoàn; và thực chất, đây là một cuộc “dọn dẹp lại lòng sông”.

Tôi không thể nào quên được vào những năm tháng ấy, khi đi dự những buổi họp tổng kết năm, dự những buổi hội thảo về vai trò của Tập đoàn Dầu khí trong nền kinh tế quốc dân. Ở đâu cũng chỉ thấy những gương mặt buồn, những lời nói nặng về hình thức, sáo rỗng và không ai dám đi vào thực chất là “tại sao như vậy?” hay nêu ra được những giải pháp cụ thể “để xử lý việc này, trước mắt phải làm gì, sau đó phải làm gì?”.

Trong các bài phát biểu chỉ “rặt” những từ đại ngôn, nào là phải đoàn kết, phải quyết tâm, phải phát huy trí tuệ tập thể; nào là phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, của…

Trước tình hình ấy, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã có một quyết định cực kỳ quan trọng, mang tính đột phá đó là: Song song với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì phải cải tổ bộ máy tổ chức Tập đoàn theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Mà khi đã sắp xếp, thu gọn lại đầu mối thì chắc chắn sẽ có những người bị mất chức, bị hạ chức và dĩ nhiên quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng; và thế nào cũng sinh ra khiếu kiện vượt cấp hoặc những phản ứng tiêu cực.

Kỳ 3 - Suy ngẫm từ “Tự soi, tự sửa”
Cán bộ, kỹ sư người lao động dầu khí thực hiện nghi lễ chào cờ trên giàn khoan

Chính vì thế, Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn nhận thấy quan trọng nhất là phải động viên tư tưởng, giáo dục, thuyết phục đảng viên thấy được việc cải tổ lại bộ máy điều hành trong từng đơn vị là cấp bách và cần thiết. Tập đoàn chỉ tồn tại được khi có một bộ máy tinh, gọn, hiệu quả và có những người đứng đầu có phẩm chất tốt, có năng lực điều hành và phải quy tụ được anh em, hay nói một cách khác là phải có “chất thủ lĩnh”.

Những đợt sinh hoạt Đảng được tổ chức liên tục và đi vào thực chất, tránh nói những lời sáo rỗng, cải lương. Quan trọng nhất là từng đảng viên phải thấu hiểu được sự cần thiết phải cải tổ bộ máy, và mỗi đảng viên nêu ra được những hành động cụ thể của mình, của chi bộ.

Do đặc thù công việc, có không ít chi bộ phải sinh hoạt bằng hình thức online. Tôi đã được chứng kiến một buổi sinh hoạt Đảng của một chi bộ tại một công ty liên doanh với nước ngoài. Tại công ty này, người nước ngoài không cần biết có Chi bộ Đảng hay không, mà họ chỉ quan tâm tới Công đoàn. Cho nên việc tổ chức sinh hoạt Đảng phải làm ngoài giờ, và dĩ nhiên, chẳng có văn phòng để ngồi với nhau. Thế là sinh hoạt online và có đảng viên vừa lái xe đi tuần tra trong nhà máy, vừa sinh hoạt Đảng qua chiếc điện thoại. Nhưng điều ngạc nhiên, đó là những phát biểu của đảng viên đều rất đi vào thực chất và xoáy thẳng vào từng vấn đề mà cấp trên yêu cầu phải có giải pháp.

Tôi cũng đã được chứng kiến một buổi sinh hoạt Đảng trong những ngày đại dịch Covid-19, theo chủ đề “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), tất nhiên cũng bằng hình thức online. Buổi sinh hoạt Đảng sôi nổi đến mức, đồng chí Phạm Việt Anh – Bí thư Đảng ủy đã phải cho kéo dài thời gian sinh hoạt đến gần 2 tiếng đồng hồ. Và trong buổi sinh hoạt đó, các đảng viên chỉ xoáy vào 3 vấn đề: Thứ nhất, đảng viên phải gương mẫu chấp hành kỷ cương, kỷ luật lao động; Thứ hai, người lãnh đạo Đảng trong từng chi bộ phải là những đảng viên gương mẫu nhất trong tất cả mọi việc, đặc biệt là trong cuộc sống; Thứ ba, phải chống bằng được hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng”. Buổi sinh hoạt Đảng này, tôi không nghe thấy những từ sáo rỗng hay hô hào “phải thế này thế kia”. Và có cảm giác rằng, sau mỗi buổi sinh hoạt Đảng, sức mạnh tinh thần của cán bộ đảng viên trong đơn vị tăng lên gấp bội.

Chính tinh thần gương mẫu của đảng viên, mà đứng đầu là các bí thư, đã tạo ra được sự đồng thuận với các chủ trương, quyết sách trong việc tái cơ cấu lại bộ máy quản lý từ Công ty mẹ tới từng đơn vị thành viên. Một cuộc cải tổ bộ máy lớn chưa từng có với hàng trăm đầu mối được sáp nhập hoặc thay đổi, rất nhiều cán bộ phải rời bỏ vị trí mình đang làm để nhận công việc khác có khi thấp hơn, thu nhập kém hơn… Ở Công ty mẹ, từ 36 đầu mối giảm xuống còn 17, và hàng chục cán bộ phải thay đổi vị trí. Ấy vậy mà không có khiếu kiện, không có tình trạng lãn công, hoặc gây mất đoàn kết nội bộ. Đảng viên đi đầu trong việc thực hiện, và các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh cũng vào cuộc… Mọi người đều thấu hiểu “Phải cải tổ để tồn tại và phát triển”.

Giai đoạn 2020-2023, trước những biến động trên thế giới, nổi bật nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát và xung đột địa chính trị tại một số khu vực, đặc biệt là xung đột giữa Nga – Ukraine đã gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, dẫn đến giá năng lượng trồi sụt bất thường theo xu hướng bất ổn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực…; lạm phát tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa… làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục đối diện với những khó khăn như: Xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh, mạnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển mỏ khí và huy động khí, sản xuất điện của Tập đoàn thấp; Các mỏ dầu khí lớn ở khu vực truyền thống đã qua thời kỳ khai thác ổn định đang trên đà suy giảm sản lượng tự nhiên; các lô, mỏ nhận lại từ nhà thầu nước ngoài chưa có cơ chế vận hành; Việc đầu tư cho tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng ở trong nước gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư, cùng với việc tìm kiếm, triển khai các dự án tốt ở nước ngoài ngày càng khó khăn, cạnh tranh khốc liệt; Thị trường kinh doanh các sản phẩm chiến lược (Khí, LPG, xăng dầu, điện, đạm…), các dịch vụ chủ lực (cung cấp giàn khoan, vận tải lỏng…) diễn biến xấu, không ổn định. Thậm chí ở thời điểm tháng 4/2020, giá dầu xuống mức -37 USD/thùng là điều chưa từng có trong lịch sử ngành dầu khí thế giới. Ở cuộc đại khủng hoảng lần này, Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn như đã được trau dồi bản lĩnh nên bình tĩnh, chủ động, tự tin ứng phó. Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nêu phương châm kiên trì “Quản trị biến động”, Đảng ủy Tập đoàn thống nhất và đã lãnh đạo thực hiện xuyên suốt giai đoạn “khủng hoảng kép”, được sự ủng hộ của cả hệ thống, tạo nên kỳ tích giúp Tập đoàn trụ vững, phục hồi, đón bắt cơ hội phát triển.

Trong khó khăn, thách thức bủa vây, Tập đoàn cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của các ban/bộ/ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan. Vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ được khẳng định trong mọi hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt đã tập trung lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tại các dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn.

Kỳ 3 – Suy ngẫm từ “ Tự soi, tự sửa”
Lãnh đạo Tập đoàn, Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 chứng kiến Tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thành công đốt lửa lần đầu

Đảng bộ Tập đoàn thực hiện lãnh đạo toàn diện đối với nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, động viên các đoàn thể phát huy đầy đủ quyền làm chủ và tham gia quản lý doanh nghiệp. Ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy nhằm mục tiêu khắc phục khó khăn, phát huy tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án, khắc phục các tồn tại, khuyết điểm qua kiểm tra, thanh tra đã kết luận. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thông qua việc phân công nhiệm vụ các ủy viên Ban Chấp hành đồng thời với tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong toàn Đảng bộ.

Một trong những sinh hoạt chính trị rất thiết thực và hoàn toàn đi vào thực chất đó là hai đợt sinh hoạt chính trị tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình với chủ đề “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” do Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng thành viên Hoàng Quốc Vượng đề xuất và “Tự soi, tự sửa” theo các nội dung Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII gồm: Kiểm điểm tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu Tập đoàn (Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐTV/Tổng Giám đốc) với sự tham dự chứng kiến của đại diện các ban Đảng Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; thành phần triệu tập là: các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên, trưởng các đoàn thể Tập đoàn.

Trong đợt sinh hoạt “Tự soi, tự sửa” các tổ chức chính trị – xã hội đã thực hiện giám sát trực tiếp đối với hoạt động của tổ chức Đảng và chuyên môn trong doanh nghiệp cũng như hoạt động của người đứng đầu.

Kỳ 3 - Suy ngẫm từ “Tự soi, tự sửa”
Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn và các Đảng bộ trực thuộc tổ chức Hội nghị kiểm điểm theo Chuyên đề “Tự soi – Tự sửa” của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Tại hội nghị cấp trực thuộc đều có đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, cán bộ các ban Xây dựng Đảng theo dõi, giám sát; báo cáo kiểm điểm tại hội nghị theo 5 nhóm nội dung chính của Kết luận số 21-KL/TW có liên hệ đến vai trò, vị trí, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác của đơn vị, tập trung phân tích làm rõ đối với các gợi ý, góp ý, kiến nghị liên quan đến tập thể, cá nhân; làm rõ các hạn chế, tồn tại, khuyết điểm, nguyên nhân và biện pháp, kế hoạch khắc phục.

Không khí thảo luận tại các hội nghị sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, chân thành, tính dân chủ và tính chiến đấu cao, đi đúng nội dung trọng tâm; đối với kiểm điểm cá nhân đã thể hiện tinh thần tự giác và trách nhiệm cao trong tự phê bình và phê bình theo chủ đề “Tự soi, tự sửa”, các thành phần tham dự hội nghị (bao gồm đại diện đoàn thể cùng cấp) đều tích cực phát biểu, một số đồng chí phát biểu nhiều lần góp ý cho tập thể và cá nhân trong hội nghị kiểm điểm. Công tác điều hành hội nghị đúng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề chính theo yêu cầu. Kết luận từng phần hội nghị đầy đủ, rõ ràng các vấn đề đối với tập thể và cá nhân. Làm tốt nội dung này tiêu biểu là các chi/đảng bộ: PVOIL, PV Drilling, PV Power, PVU, VPI, PVTrans, Petrocons, Biển Đông POC, PVEP…

Có thể khẳng định rằng chưa có đợt sinh hoạt chính trị nào lại “sôi động” và được đảng viên toàn tâm toàn ý tham gia đến thế. Và điều đặc biệt là việc phê bình và tự phê bình đều xuất phát từ tinh thần “đồng chí” theo ý nghĩa tốt đẹp nhất.

Việc triển khai học tập, quán triệt và tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình với chủ đề “Tự soi, tự sửa” trong Tập đoàn được tổ chức đều khắp, bài bản, thực chất, kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến chỉ sau gần 2 tháng triển khai đã đã có 32/32 (100%) các chi/đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn hoàn thành các nội dung đề ra.

Việc học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết, kết luận và sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa” đã có tác dụng tích cực đến tư tưởng, giúp nâng cao nhận thức trong công tác xây dựng Đảng của từng tập thể, cá nhân người đứng đầu trong toàn Tập đoàn.

Tập đoàn cũng đã chủ động tổ chức và phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức cung cấp thông tin chính thống, giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để dư luận hiểu biết đầy đủ, chính xác, nhất là trong giai đoạn Tập đoàn trải qua các trạng thái “khủng hoảng kép”, củng cố tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động; đồng thời tạo sự đồng thuận, hỗ trợ, hợp tác của toàn xã hội.

Tái tạo văn hóa Petrovietnam là một chủ trương và cũng là giải pháp rất độc đáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ người dầu khí đã tạo dựng được một truyền thống văn hóa mà có thể gói gọn trong 8 chữ vàng: “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”.

Nhưng vào giai đoạn đại khủng hoảng từ các năm 2015 đến 2017, các giá trị văn hóa doanh nghiệp của người dầu khí đã phần nào bị suy giảm, phai nhạt bởi khủng hoảng đã có tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm của người lao động. Chính vì vậy, giải pháp là phải tái tạo lại văn hóa doanh nghiệp của người dầu khí.

Từ năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành nghị quyết chuyên đề, khẳng định thực hiện việc “Tái tạo văn hóa Petrovietnam”; Và chỉ sau gần 5 năm, các giá trị văn hóa Petrovietnam đã dần thấm sâu vào mọi hoạt động của tổ chức Đảng, vào hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh trong Tập đoàn và các đơn vị thành viên, tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, giữ gìn đạo đức, phẩm chất, lối sống. Đến nay văn hóa doanh nghiệp trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, Tập đoàn xác định văn hóa đi trước, định hướng tạo đà cho tái tạo kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững; nâng cao vị thế và uy tín cho tập đoàn. Tập đoàn triển khai thực hiện Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam theo hướng lượng hóa giá trị văn hóa (KPI văn hóa) gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh (KPI công việc). Kết quả rõ nét nhất là các hoạt động tái tạo văn hóa Petrovietnam được lồng ghép thực hiện gắn với các mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, thể hiện rõ tinh thần “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”. Việc triển khai thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” tạo bước đột phá trong thực hiện Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam. Năm 2023, giá trị thương hiệu Petrovietnam đạt gần 1,4 tỷ USD tăng gấp 3 lần so với năm 2019, trong Top thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

“Do bắt đúng bệnh”, “cắt đúng thuốc” nên thời gian qua, Đảng ủy Tập đoàn đã lãnh đạo toàn diện, tạo nên những thành tích ấn tượng; nổi bật là đã vượt qua ”khủng hoảng kép” rất thành công.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn năm 2020 (khi giá dầu -37,63USD), Petrovietnam là một trong số ít công ty dầu khí trên thế giới đã vượt qua và có lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng; năm 2021 đã phục hồi so với trước đại dịch Covid-19; năm 2022 đạt nhiều kỷ lục, hoàn thành nhiều công trình lớn, đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ; năm 2023 sau 10 tháng hoạt động, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 745 nghìn tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm, về đích trước 2 tháng; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 121 nghìn tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch năm (về đích trước 5 tháng); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn vượt cao so với kế hoạch năm 2023.

Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò trụ cột của nền kinh tế đất nước; đã đóng góp vượt hàng trăm nghìn tỷ đồng với tỷ trọng trung bình trên 8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… chiếm tỷ trọng lớn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, gia tăng kinh ngạch xuất khẩu.

Kỳ 3 – Suy ngẫm từ “ Tự soi, tự sửa”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết triển khai Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn

Công tác xử lý các tồn tại 5 dự án/doanh nghiệp yếu kém khó khăn được triển khai khắc phục nghiêm túc, hiệu quả với quyết tâm cao nhất và sự tham gia đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể trong Tập đoàn, theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành đã mang lại những chuyển biến tích cực. Đã hồi sinh các dự án chậm tiến độ (các Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2), đưa vào vận hành khai thác ổn định, hiệu quả. Sau 20 năm chật vật đã đưa Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn vào giai đoạn ký kết triển khai (ngày 30/10/2023) trong niềm phấn khởi, tự hào của người lao động toàn ngành.

***

Năm 2023 này, Tập đoàn tổng kết 15 năm Đảng bộ Tập đoàn hoạt động theo mô hình Đảng bộ toàn Tập đoàn theo chỉ đạo của Trung ương. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị gần như là làm điểm về thành lập mô hình Đảng bộ toàn Tập đoàn và sau 15 năm, Trung ương đã tổng kết đánh giá, khẳng định tính ưu việt của mô hình đó và Trung ương ban hành Quy định số 60-QĐ/TW ngày 08/3/2022 về mô hình tổ chức Đảng và Quy định số 87-QĐ-TW ngày 28/10/2022 về chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng thương mại Nhà nước.

Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước có vai trò, chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện, mọi mặt của doanh nghiệp, nên công tác xây dựng Đảng có vai trò quyết định, bảo đảm cho Tập đoàn kinh tế nhà nước phát triển đúng chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bài học thành công trong công tác Xây dựng Đảng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2015-2023 là như thế.

Nguyễn Như Phong