Cho đến thời điểm này công tác triển khai các phương án chống bão tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cơ bản đã hoàn tất. Dù vậy, ai cũng mong bão sẽ không vào.
Tập kết vật liệu tại khuôn viên Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Mấy hôm nay thời tiết ở Thái Thuỵ, Thái Bình đột nhiên oi ả lạ thường. Có mặt tại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ sáng sớm ngày 5/9, chúng tôi có thể thấy công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão được dự báo là siêu mạnh diễn ra hết sức khẩn trương.
Tờ mờ sáng đã thấy các cán bộ thuộc phòng Kế hoạch – Tài chính đang gấp rút khuân vác, đưa nốt những thùng tài liệu, linh kiện quan trọng từ khu vực kho tại Ban quản lý dự án về nhà trung tâm.
Những tài liệu, linh kiện quan trọng được đưa về nơi an toàn. |
Tại các phân xưởng Nhiên liệu, Bảo dưỡng sửa chữa… nhiều kỹ sư vốn chỉ quen với máy móc, bù loong ốc vít nay phải chạy đua với thời gian, để chằng buộc, khuân vác đồ đạc, che chắn mái nhà, cửa cuốn… nhằm giữ cho các thiết bị và nhiên liệu được an toàn. Những thiết bị cố định thì dùng vải bạt che chắn, dùng dây thép cột chặt… Trên khuôn mặt, trên lưng ai cũng ướt đẫm mồ hôi, như thể vừa tắm xong.
Gia cố cửa kính tại khu vực toà nhà hành chính. |
Khu vực toà nhà hành chính, căng tin có rất nhiều cửa kính loại lớn, nên việc chằng buộc cố định cửa ra vào, các cửa sổ… được triển khai gấp rút.
Khuôn viên nhà máy có nhiều cây to đã được tỉa bớt những cành sâu, cành có nguy cơ gãy. Những bồn đá với các loại cây cảnh quý cũng được công nhân dùng xe cẩu đưa về nơi kín gió.
Anh em công nhân di chuyển bồn cây cảnh về nơi kín gió. |
Phía bãi tuyển than, các xà lan tàu thuyền, cần cẩu cũng được di chuyển về vị trí an toàn, đồng thời cố định chân cẩu.
Các cần cẩu đã được đưa về nơi an toàn. |
Tại cuộc họp khẩn diễn ra vào buổi sáng ngày 5/9, đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó giám đốc Nhà máy nhấn mạnh. Theo thông tin dự báo, đây là siêu bão với sức tàn phá rất lớn. Do đó, các lãnh đạo chủ chốt của Nhà máy phải theo dõi diễn biến cơn bão hết sức chặt chẽ. Mặc dù nhiều module bộ phận quan trọng nhất của Nhà máy đã được thiết kế để chống bão, song một số công trình nhà xưởng đã cũ theo thời gian, cần phải gia cố. Đặc biệt khu vực nhà kho, nhà lưu trú của công nhân được xây dựng từ hơn 10 năm trước, mái lợp bằng tôn, nhiều chỗ đã hoen rỉ… sẽ khó mà chống được gió mạnh.
Công nhân chằng buộc hệ thống cửa cuốn. |
Đồng chí Đinh Văn Ngọc, Phó giám đốc Nhà máy cũng quán triệt nhiều vấn đề quan trọng, đầu tiên cần phải coi tính mạng của con người là quan trọng nhất. Do đó những ai không có phận sự “xin mời” ra khỏi nhà máy, kể cả các bên nhà thầu cũng yêu cầu họ thu dọn đồ đạc, máy móc. Tiếp theo, việc bảo vệ tài sản, vật tư, máy móc, nhà xưởng cũng cần có các giải pháp gấp rút thực hiện.
Tiếp đó lần lượt các đồng chí trưởng các phòng, ban, phân xưởng đóng góp các ý kiến nhằm triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ công nhân viên, hệ thống máy móc, nhà xưởng…
Khu vực căng tin đã được chằng buộc cẩn thận. |
Đồng chí Vũ Kiều Khánh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính cho biết thời điểm năm 2012, khi cơn bão Sơn Tinh đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khi đó dù Nhà máy mới chỉ có một vài khối nhà thuộc Ban quản lý cũng đã bị bão làm cho tốc mái. Một số cán bộ phải… chui vào gầm giường trong cảnh không điện, không nước, không internet… Do vậy, anh em không được có tư tưởng chủ quan.
Những thiết bị cố định được các công nhân dùng vải bạt che chắn, dùng dây thép cột chặt. |
Công tác hậu cần cũng được Phòng Tổ chức hành chính gấp rút chuẩn bị. Với kế hoạch “bốn tại chỗ”, khu nhà điều hành sẽ được tập trung các cán bộ trực “xuyên bão”. Những ai trong danh sách sẽ chủ động chuẩn bị chăn màn quần áo để ăn uống ngủ nghỉ sinh hoạt tại chỗ. Nhà máy sẽ chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… Phương tiện di chuyển từ nhà điều hành đến Phân xưởng vận hành cũng được chuẩn bị, để cán bộ kỹ sư có thể di chuyển an toàn trong bão.
Hệ thống cửa kính khá “yếu ớt” trước cơn bão, nên phải được chằng buộc cẩn thận. |
Có thể thấy, công tác chuẩn bị ứng phó với cơn siêu bão Yagi tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đang được diễn ra hết sức khẩn trương. Cho đến tối ngày 6/9 công việc đã cơ bản hoàn tất, song khuôn mặt ai cũng đầy vẻ âu lo.
Đến thời điểm này, Thái Bình đã có mưa to gió lớn. Cầu mong cơn bão sẽ không đi vào. Nếu có thì sẽ giảm xuống cấp thấp nhất. Mong lắm thay!
Minh Tiến (Tạp chí PetroTimes)