Khi cơn bão số 9 lịch sử đổ bộ vào Quảng Ngãi với sức gió lên tới cấp 15, người lao động Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lại hỏi nhau: Liệu rằng năm 2020 còn gì khó khăn nữa không?
Nhìn những cơn gió xoay vần rú rít trên bầu trời, nhà cửa xung quanh tốc mái, tưởng như mọi thứ dễ dàng bị thổi bay trong chốc lát, những kỹ sư trực ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tự nhủ: Nếu bão vào sớm hai tuần, khi cả nhà máy còn là đại công trường ngổn ngang trong đợt cao điểm bảo dưỡng tổng thể lần 4 thì thiệt hại chắc chắn rất lớn và không thể nào hoàn thành bảo dưỡng tổng thể như đúng hẹn.
Không chịu lùi bước khi vẫn còn khả năng chống chịu, bản lĩnh của những con người Bình Sơn đã chiến thắng. Bão qua, bầu trời lại tỏa nắng, hoạt động của Nhà máy được thông suốt, hiệu quả, an toàn.
Cơn bão số 9 với cường độ mạnh lịch sử với độ tàn phá khủng khiếp ở những vùng nó đi qua bồi thêm một thử thách với BSR trong một năm kinh doanh đầy “bão tố” và cũng chứng tỏ được bản lĩnh của Ban lãnh đạo và người lao động Công ty.
Do sự tác động của đại dịch Covid-19, giai đoạn cuối quý I, đầu quý II/2020, các quốc gia đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, tồn kho tăng vọt. Giá dầu thô và các sản phẩm xăng, dầu theo đó giảm chóng mặt.
Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến (áo sáng) tại công trường bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất. |
6 tháng đầu năm 2020 là thời gian kinh hoàng nhất của các nhà máy lọc dầu khi hàng loạt nhà máy trên thế giới thua lỗ lớn, thậm chí tuyên bố phá sản. Tại BSR, có nhiều thời điểm giá bán sản phẩm thấp hơn giá nguyên liệu dầu thô mua vào.
Càng vận hành nhà máy càng gặp khó khăn, giải pháp tạm đóng cửa nhà máy không ít lần được đặt ra đối với những người có trách nhiệm của Công ty.
“Đã mấy lần chúng tôi được nhắc nhở cho dừng nhà máy bởi chạy thế này lấy đâu tiền để trang trải”, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR nhớ lại.
Có nhiều đêm, Ban lãnh đạo Công ty đã phải thức trắng để bàn bạc giải pháp ứng phó. Nếu không cùng nhau chèo chống, sẽ là những hệ lụy rất lớn khi Nhà máy tạm dừng hoạt động. BSR chế biến hơn 50% dầu thô khai thác từ các mỏ trong nước. Nhà máy ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc các mỏ có thể phải đóng, ảnh hưởng rất lớn tới an toàn mỏ. Rồi chuyện công ăn việc làm của hơn 1.500 người lao động trong Công ty. Đó là chưa kể sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và hàng nghìn lao động của họ.
Tạm dừng nhà máy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật, an toàn thiết bị khi nhà máy đến hạn phải bảo dưỡng tổng thể và thực tế, Công ty đã có kế hoạch dừng chạy máy 51 ngày để tiến hành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4…
Bên cạnh đó, hàng trăm tỷ đồng chi phí khấu hao, chi phí thuê tàu để chứa dầu thô, chi phí dừng/khởi động lại nhà máy và chi phí duy trì trạng thái dừng… vẫn phát sinh. Đặc biệt, việc dừng nhà máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng sản phẩm theo hợp đồng đã ký với khách hàng.
Toàn cảnh NMLD Dung Quất. |
Sau khi cân nhắc, trong nhiều giải pháp được đưa ra, BSR đã lựa chọn giải pháp ít thiệt hại nhất. Đó là tiếp tục vận hành nhà máy ở công suất tối ưu và áp dụng hàng loạt giải pháp linh hoạt và sáng tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực của “bão kép”.
Cả nhà máy như được đặt trong “thời chiến”, tất cả các bộ phận đều phải vắt óc nghĩ ra các giải pháp tối ưu hóa chi phí sản xuất. Nhờ đó, chi phí sản xuất của nhà máy/tấn sản phẩm (không tính dầu thô) đã giảm 35% so với kế hoạch 2020.
Đã có 1.400 ý tưởng sáng kiến được đăng ký, trong đó có trên 350 cải tiến và 40 sáng kiến đã được đánh giá và công nhận đưa vào áp dụng. Cả cỗ máy rùng rùng chuyển động, năm 2020, BSR đã tiết giảm ước tính được 1.844 tỷ đồng (không bao gồm chi phí dầu thô).
Duy trì hoạt động nhà máy, BSR mới tận dụng được cơ hội giá dầu lên để rồi khi cả nước hết giãn cách xã hội vào tháng 6 – 7/2020, nhu cầu xăng dầu tăng mạnh, Công ty đã có sẵn nguồn hàng dự trữ, cung ứng kịp thời cho các đầu mối và có lãi trở lại.
Đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất diễn ra trong 51 ngày (từ ngày 12/8 đến 01/10/2020), cũng là hành trình của bản lĩnh và sáng tạo. Trong giai đoạn đại dịch căng thẳng, đã có những ý kiến đề xuất lùi thời gian bảo dưỡng sang năm 2021.
Nhưng rồi lại có những luồng ý kiến phân tích, nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng đến an toàn trong vận hành nhà máy. Cuối cùng, Ban lãnh đạo BSR quyết định chỉ có thể lùi được muộn nhất đến 12/8/2020.
Ngay trước khi Nhà máy bước vào đợt bảo dưỡng, oái ăm thay, đại dịch lại bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng và lan mạnh ra các tỉnh thành, trong đó có Quảng Ngãi. Do Chính phủ hạn chế việc nhập cảnh để phòng dịch, nên việc huy động chuyên gia nước ngoài không đơn giản.
Chủ động và được hỗ trợ, BSR đã đưa 251 chuyên gia nước ngoài sang thực hiện bảo dưỡng, giảm 40% so với dự kiến trước đây, để rồi nội lực từ đội ngũ kỹ sư, người lao động, những chất xám Việt được huy động cho “chiến dịch 51 ngày đêm lịch sử”, như cách gọi của người BSR.
Ông Bùi Ngọc Dương, Phó tổng giám đốc BSR kể, nhiều giải pháp quản trị và kỹ thuật mới, mang lại lợi ích về kinh tế, tiến độ bảo dưỡng đã được áp dụng. Hơn 1,4 triệu giờ công an toàn trong giai đoạn bảo dưỡng tổng thể trong vùng dịch đã nói lên sự hăng say, tuân thủ quy tắc an toàn, vượt thách thức của người lao động quốc tế và Việt Nam trên công trường.
Đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã thành công, đạt 4 mục tiêu: an toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí thấp hơn 10% so với dự toán.
Khi tiếng máy khởi động vang lên, cho thấy nhà máy hoạt động ăn khớp ngay sau bảo dưỡng, đã có nhiều người rơi nước mắt xúc động, vỡ òa trong niềm vui được chứng kiến thành quả, nỗ lực vượt bậc sau 51 ngày đêm ăn, ngủ trên công trường.
Họ đã trưởng thành, tự tin và bản lĩnh, đã vượt qua được những bức tường thành, những giới hạn tưởng như không bao giờ với tới.
Họ càng vui hơn khi quý III/2020, dù có 51 ngày dừng máy để thực hiện bảo dưỡng, song BSR vẫn có lãi hơn 100 tỷ đồng và bước sang quý IV/2020, Công ty có lãi 1.258 tỷ đồng.
Hoạt động diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu của BSR. |
Mặc dù, cả năm lợi nhuận chưa đạt, song đây là kết quả sản – xuất kinh doanh rất đáng khích lệ, là những “gam màu sáng” trong bức tranh tổng thể khi nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Shell, BP, Chevron… đều ghi nhận các khoản thua lỗ tới hàng chục tỷ USD, thậm chí nhiều công ty phá sản, trong đó có đại gia dầu khí Chesapeake Energy Corporation (Mỹ).
Khi hỏi ông Bùi Minh Tiến rằng, bước qua một năm 2020 đầy thử thách, điều gì đọng lại lớn nhất trong ông, ông Tiến trả lời thật đơn giản: “Đó là những nụ cười, sự tự tin, không ngại khó khăn, khát vọng vượt khó và trưởng thành của người lao động BSR”.
Thu nhập của người lao động BSR năm qua có giảm sút so với các năm. Hẳn nhiên rồi, đó là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp. Nhưng ông Tiến bảo, trò chuyện với những người lao động, dù trong những ngày Công ty đứng bên bờ vực khủng hoảng, ông nhận thấy động lực làm việc, sự gắn kết với ngôi nhà chung BSR và đây là điều khiến ông xúc động và tự hào.
Những ngày đầu năm 2021, giá dầu tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng BSR sẽ bứt phá mạnh về hiệu quả kinh doanh. Ông Tiến chia sẻ rằng, đúng là giá dầu tăng là một thuận lợi, nhưng không phải BSR đã dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận.
Với các nhà máy lọc dầu, chênh lệch giá dầu và giá bán sản phẩm mới là điểm quan trọng. Nếu giá đầu ra không thuận lợi, dù giá dầu có cao đến đâu, nhà máy cũng khó có thể có lợi nhuận tốt.
Đại dịch trên toàn cầu còn diễn biến phức tạp, thị trường vẫn có nhiều yếu tố bất định, BSR vẫn phải tiếp tục nỗ lực để tối ưu hóa hoạt động, cải tiến và sáng tạo để có thể làm tốt nhất trong khả năng của mình.
Vị thuyền trưởng của BSR chia sẻ: “Tôi vẫn nói với các cộng sự của mình, chúng ta phải cố gắng thúc đẩy từng người thay đổi, vì họ, vì gia đình họ và sự phát triển của doanh nghiệp. Khi khẳng định được giá trị, nhất định sẽ có cuộc sống và công việc nhiều niềm vui, hạnh phúc”.
Theo BSR